Dự thảo Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông của Bộ GD&ĐT có nêu một trong các nội dung đổi mới là thực hiện chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông và nhiều SGK.
|
Ảnh minh họa. |
Với quy định của Luật Giáo dục hiện hành thì "một chương trình" thống nhất trong cả nước cùng với các quy định khác đã thể hiện yêu cầu bình đẳng không chỉ về cơ hội tiếp cận giáo dục mà cả về điều kiện thực hiện và chất lượng giáo dục theo mục tiêu chung. Tuy nhiên, các yếu tố "đầu vào", trong đó có điều kiện thực hiện giáo dục là không giống nhau giữa các vùng miền, dân tộc. Xây dựng nhiều bộ SGK nhằm khắc phục thực trạng đó.
Theo đề án, một môn học nhưng có nhiều SGK khác nhau do các tác giả khác nhau biên soạn thì sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau, có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tác giả... thì chất lượng SGK sẽ được nâng cao. Các nhà xuất bản tổ chức biên soạn và phát hành SGK theo cơ chế thị trường.
Nhà nước, trực tiếp là Bộ GD&ĐT có thể phê duyệt hoặc không phê duyệt SGK được sử dụng trong giáo dục phổ thông. Các tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký tham gia biên soạn bộ SGK sau đó bộ sách này sẽ được thẩm định xem có đạt yêu cầu hay không thì mới được sử dụng.
Người thẩm định SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lựa chọn trên cơ sở các đơn vị, tổ chức giới thiệu từ các giảng viên đại học, giáo viên phổ thông, các nhà khoa học bộ môn, nhà khoa học giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục. Không lựa chọn người thẩm định SGK từ người viết SGK, người là công chức, viên chức Bộ GD&ĐT.
Hội đồng quốc gia thẩm định SGK làm việc độc lập theo quy chế, căn cứ tiêu chí đánh giá SGK để tiến hành thẩm định và đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt hoặc không phê duyệt cho phép sử dụng SGK. Công khai danh sách thành viên của mỗi Hội đồng quốc gia thẩm định từng bộ/cuốn SGK sau khi có kết quả thẩm định.
Nhà trường, các địa phương có quyền lựa chọn từng bộ SGK phù hợp với yêu cầu chương trình và địa phương mình. Nhà trường tổ chức cho giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh và học sinh tìm hiểu các SGK đã được Bộ GD&ĐT thẩm định và phê duyệt cho phép sử dụng; các tổ, nhóm giáo viên bộ môn thảo luận và đề nghị lựa chọn những SGK chính thức dùng trong nhà trường (cho cả giáo viên và học sinh); nhà trường quyết định lựa chọn SGK chính thức của mỗi môn học dựa trên đề nghị của giáo viên tổ, nhóm chuyên môn, tham khảo thêm ý kiến của đại diện cha mẹ học sinh và học sinh. Trong quá trình dạy học giáo viên và học sinh có thể tham khảo những SGK khác.
Làm thế nào để có một chương trình, có nhiều SGK mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền, địa phương theo tinh thần trên của Nghị quyết 29, làm thế nào để giáo viên, học sinh có năng lực lựa chọn SGK phù hợp nhất để sử dụng trong dạy học? Chúng tôi xin được mở thành diễn đàn với mong muốn nhận được những hiến kế tốt nhất của những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà.