Hàng chục thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) không học để thi lấy bằng lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh, mà phải khăn gói ra tận Hải Phòng để đóng tiền, nộp hồ sơ. Chuyện thật như đùa này đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt là thông tin từ chính những người này cho biết, lý do về Hải Phòng để thi bằng lái xe là do họ đã được “bao đậu” 100%, kể cả những người không biết chữ.
Bi hài hơn, việc những người dân tộc thiểu số tại huyện Ia Grai là do có một số người từ Hải Phòng về tận làng tuyên truyền cho người dân theo học thi giấy phép lái xe ô tô. Nghe những lời giới thiệu như mật ngọt rót vào tai, nhiều người dân ở đây đã nộp tiền thi theo mức được bao đậu.
Thực tế đã chứng minh, không phải là những lời “chém gió” suông, nhiều người khi nộp hồ sơ và 14 triệu chỉ cần ra Hải Phòng chỉ cần 2 tuần luyện thi, không cần biết chữ cũng được thi, lý thuyết được “bao đậu”, giấy khám sức khỏe cũng không cần lo, lại còn được hỗ trợ cả phần thi thực hành sát hạch kỹ năng lái xe trong hình đã nhận được giấy phép lái xe hạng C. Thống kê của Công an huyện Ia Grai cho thấy sự bất thường khi trong tổng số 91 trường hợp người dân ở 77 làng của xã Ia Khai được cấp bằng lái ô tô, có tới 38 trường hợp được cấp tại Hải Phòng.
|
Hình ảnh GPLX và hồ sơ của anh Rơ Châm Huyh với số điểm cao. Ảnh: Tiền phong.
|
Với những diễn biến vụ việc trên, dư luận đã nhận thấy rõ ràng có rất nhiều điều bất thường. Bởi dù hoạt động đào tạo lái xe được xã hội hóa từ lâu và việc người dân từ địa phương này đến địa phương khác là chuyện bình thường nhưng việc hàng chục thanh niên dân tộc thiểu số lặn lội hàng nghìn cây số về Hải Phòng để thi bằng lái xe ô tô thì lại rất khó hiểu. Thông thường chỉ có chuyện người dân ở thành phố đông dân đi tỉnh lẻ để học, thi cho dễ nhưng người dân ở vùng sâu, vùng xa tận Gia Lai vượt quãng đường xa về thành phố Hải Phòng học, thi giấy phép lái xe rõ ràng là chuyện ngược đời.
Đáng chú ý, qua thông tin từ chính những học viên và các cơ quan chức năng huyện Ia Grai cho thấy rõ ràng, vụ việc trên có dấu hiệu của đường dây chạy giấy phép lái xe. Không phải bỗng dưng có một nhóm người từ Hải Phòng vào tận Gia Lai để mời chào lôi kéo người dân đi học, thi giấy phép lái xe ô tô.
Một sự bất thường khác, theo quy định thời gian học lái xe ô tô hạng C là 6 tháng nhưng theo những học viên từ Gia Lai, họ học và thi ở Hải Phòng chỉ cần 2 tuần.
Việc thi giấy phép lái xe ô tô để đảm bảo chứng nhận năng lực tối thiểu để lái xe chứ không phải là thước đo về khả năng điều khiển chiếc xe sao cho an toàn. Thế nhưng thực tế không ít người học chỉ để đối phó, “chung chi” để sở hữu giấy phép lái xe.
Sẽ thật nguy hiểm khi những tài xế cầm trong tay giấy phép lái xe nhưng lại thiếu am hiểu các nguyên tắc giao thông, không tuân thủ đúng Luật Giao thông Đường bộ, không đảm bảo kỹ năng và kiến thức về lái xe, gây mất an toàn giao thông. Bởi khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý những tình huống nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến tính mạng của chính những người được cấp giấy phép lái xe và những người tham gia giao thông khác.
Trên thực tế không ít vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra xuất phát từ ý thức của chính lái xe. Chỉ mới đây, dư luận phẫn nộ với lái xe container thiếu ý thức đã ây ra vụ tai nạn đâm hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ tại Long An khiến 21 người thương vong (trong đó có đến 4 người chết, 17 người bị thương). Hay như vụ lật xe khách chở gần 30 người từ TP HCM về Quảng Trị tại địa phận Đà Nẵng khiến 2 người chết và trên 10 người bị thương mà nguyên nhân được nghi ngờ khi cho rằng xuất phát từ việc tài xế sử dụng điện thoại khi đang lái xe, mất tập trung, không làm chủ được tay lái.
Một vụ tai nạn thảm khốc khác xảy ra ngày 30/7/2018, xe khách 16 chỗ chở theo đoàn người đi rước dâu lưu thông trên quốc lộ 1 theo hướng Bắc – Nam đến địa phận thôn Uất Lũy (xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) va chạm với xe đầu kéo khiến 13 người tử vong cũng do tài xế xe khách chạy lấn làn, tông thẳng vào xe container.
Trong số 14.845 vụ tai nạn giao thông khiến 6.674 người chết, 11.549 người bị thương (theo số liệu thống kê 10 tháng đầu năm 2018) có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trên. Nhưng chắc chắn không thể không chú ý đến tình trạng việc thi khảo sát cấp giấy phép lái xe còn hình thức, các trung tâm dạy lái xe chỉ cốt thu được tiền, học viên cốt lấy được bằng, còn chất lượng lái xe bị xem nhẹ.
Để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông xuất phát từ việc lái xe kém ý thức, các cơ quan chức năng cần quản lý thật chặt khâu cấp đổi giấy phép lái xe, siết chặt quản lý tại các trung tâm dạy lái xe, xử lý nghiêm khắc việc học viên bỏi tiền bao đậu bởi sẽ là tai họa nếu tiếp tục buông lỏng quản lý khâu này.
Trong sự việc hàng chục thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) khăn gói ra tận Hải Phòng để đóng tiền, học thi giấy phép lái xe có nhiều dấu hiệu bất thường về tình trạng “bao đậu”. Các học viên người Gia Lai đã chỉ rõ danh tính hai trung tâm đào tạo lái xe mà họ tham gia học thi tại Hải Phòng là Trung tâm Dạy nghề lái xe H.P (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) và Trung tâm Dạy nghề lái xe N.T.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng rà soát sự việc, đồng thời cử tổ công tác gồm 8 người của giới chức địa phương vào cuộc. Hiện nay, Sở GTVT đã lập đoàn kiểm tra làm việc với hai trung tâm trên để làm rõ những thông tin phản ánh.
Dư luận yêu cầu các cơ quan chức năng cần thanh kiểm tra toàn diện các trung tâm, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm các trung tâm vi phạm và thu hồi các giấy phép lái xe cấp sai quy định. Phải chặn đứng, chấm dứt tình trạng “bao đậu”, phạt thật nặng các trung tâm, cán bộ vi phạm tiến tới chấm dứt tình trạng bằng thật, học giả, đó là những biện pháp cần thiết để hạn chế những vụ tai nạn giao thông và cũng là yêu cầu chính đáng cấp thiết của nhân dân.