Thời gian qua, dư luận vẫn hoài nghi về số tiền thu được trên ngày của trạm thu phí thu phí TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai) sau vụ việc hai tên cướp mang vũ khí nóng đột nhập trạm này và cướp đi số tiền 2.2 tỷ đồng và yêu cầu các cơ quan thanh tra vào cuộc để minh bạch thông tin.
Mới đây, dư luận lại bất ngờ trước việc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) phát đi thông cáo báo chí do đích thân ông Nguyễn Viết Tân Giám đốc Công ty ký ngày 11/2 thông tin việc đơn vị này vừa quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Theo nội dung thông cáo, nguyên nhân hai phương tiện này có các hành vi vi phạm các quy định theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
|
Trạm thu phí Dầu Giây. |
Cụ thể, theo thông tin từ VEC E, vào lúc 18h20 phút ngày 10/02/2019, phương tiện mang biển kiểm soát 51A-55850 di chuyển vào làn thu phí số 7, hướng từ Long Thành về TP HCM. Đến cabin thu phí, mặc dù đã nhận được tín hiệu từ nhân viên thu phí, người điều khiển phương tiện đã không trả Thẻ thu phí và trả tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí, nhiều người già, phụ nữ và trẻ em đã xuống xe, cố tình gây rối tại làn thu phí, lôi kéo các phương tiện ở các làn khác, gây ách tách giao thông. Các xe tiếp theo sau đây đã thực hiện hành vi tương tự: 51C-78196 tại làn 10, 51G-77256 tại làn 8. Mặc dù nhân viên trạm thu phí đã giải thích nhưng người điều khiển phương tiện 51A-55850 và 51G-77256 và những người đi cùng đã không tuân thủ hiệu lệnh của nhân viên điều khiển giao thông, có hành động phá hoại tài sản, có hành vi đe dọa đánh đuổi nhân viên điều khiển giao thông, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực.
Trên thực tế, thời gian qua, VEC E cũng đã từ chối phục vụ có thời gian nhiều phương tiện được cho là vi phạm. Cụ thể, VEC E đã từ chối phục vụ các phương tiện BKS: 51A-907.55, 84B-008.35, 51F-883.50, 70A-116.91, 51C-578.58, 51F-861.78, và 60C-244.72 từ ngày 6/1 -21/1/2019 do các phương tiện trên mắc lỗi vi phạm cố tình dừng, đỗ xe trong làn thu phí gây cản trở giao thông. Việc dừng phục vụ được thực hiện theo văn bản số 03/VECM -TH, ngày 2/1/2019 của Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (VEC M).
Tương tự, với lỗi đi ngược chiều, các phương tiện BKS: 61A-143.46, 51D-211.98 cũng bị từ chối phục vụ từ ngày 6/1 đến 4/2/2019. Các phương tiện phương tiện BKS: 51B-261.75, 51A-556.09, 38A-135.69, 51G-521.66 và 60A-350.88 do mắc lỗi Vượt trạm thu phí cũng bị từ chối phục vụ từ ngày 6/1 đến 12/1/2019. Việc từ chối các phương tiện trên cũng được VEC E đưa ra là thực hiện theo văn bản số 513/VECM -TH, ngày 12/12/2018 của Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (VEC M).
Trên thực tế, các phương tiện cố tình vi phạm sẽ bị xử lý dựa theo quy định của pháp luật do các cơ quan thực thi pháp luật xử lý chứ không phải VEC E hay VEC hoặc bất cứ đơn vị đầu tư BOT nào.
Bởi đường BOT là đường quốc lộ được đầu tư, vận hành và chuyển giao nên về bản chất là các hạng mục công ích đều thuộc tài sản công. Đơn vị đầu tư BOT chỉ có quyền khai thác, vận hành và sử dụng. Trong khi quyền đi lại là quyền hiến định của người dân. Trong khi đó, văn bản số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 quy định từ chối phục vụ đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác chỉ được coi là văn bản nội bộ của VEC chứ không phải văn bản có thể áp dụng rộng rãi bởi văn bản đó không phải là quy định của pháp luật. Do vậy, việc VEC E dựa vào văn bản này để từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác là hành vi trái với quy định của pháp luật.
Trên thực tế, các hãng hàng không có quyền từ chối hành khách vi phạm nhưng với đường BOT không thể thực hiện điều này với máy bay có quy định an toàn bay theo quy chuẩn quốc tế, hơn nữa, về khía cạnh quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của các hãng hàng không. Trong khi đó, đường BOT là tài sản Quốc gia.
Bên cạnh đó, theo Pháp luật Việt nam thì cũng chỉ cơ quan có thẩm quyền thuộc bộ giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước mới có quyền ra quyết định việc không phục vụ công dân nào đó theo quy định pháp luật.
Chưa nói đến việc, phương tiện vi phạm do người khác mượn lưu thông chứ không phải chủ xe, việc từ chối vĩnh viễn phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ phương tiện nếu họ không vi phạm.
Để đảm bảo quyền hiến định của người dân, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nên kiểm tra văn bản số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/1/2019 quy định từ chối phục vụ đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác. Đồng thời, Bộ GTVT cũng cần kiểm tra và có thông tin đến dư luận. Nếu VEC ban hành văn bản trái thẩm quyền, quy định của pháp luật thì cần phải thu hồi và xử lý để đảm bảo sự thượng tôn của pháp luật.