|
Ảnh minh họa. |
Rất nhiều người ủng hộ vì nói thực là lâu nay phụ huynh rất bức xúc khi thấy con cái mệt mỏi vì lễ khai giảng năm học mới. Nào là tập khai giảng, tập đi ra đi vào, tập đứng tập ngồi, vỗ tay cho đúng... dưới cái nắng đến vã mồ hôi ra thế này.
Khổ nhất là những trường nào được đón các vị đại biểu đến dự, thầy cô muốn khoe trường khang trang, nền nếp... thì lại càng bắt các cháu tập cho thật kỹ. Hết tập lại đến tổng duyệt, duyệt đi duyệt lại rồi mới đến lễ khai giảng thật. Mà đến lúc này thì cháu nào cũng oải lắm rồi, mệt lắm rồi. Nhìn con mỗi khi về đến nhà mặt đỏ bừng, áo ướt mồ hôi, tóc tai bơ phờ... chỉ muốn cho nghỉ quách đi nhưng lại không dám vì sợ cô trừ điểm hạnh kiểm.
Tôi vẫn tự hỏi, không hiểu lễ khai giảng là để dành cho thầy cô hay cho học sinh đây nữa? Bởi vì dường như chỉ thầy cô (mà chắc không phải thầy cô nào cũng thế) thích thành tích, thích hình thức thì mới thích nhiêu khê như thế. Còn học sinh cứ phải đứng ngoài nắng nhiều, phải tập nhiều là không thích. Mà không thích là phải.
Cứ thử hình dung 12 năm học, chỉ trừ 3 năm đầu cấp tiểu học, THCS, THPT là còn háo hức với lễ khai giảng vì trường mới, bạn mới, còn lại những năm khác chẳng có gì lạ, nên nếu năm nào cũng bị bắt tập theo kiểu hành như thế thì ai mà thích được. Vậy nên lễ khai giảng đơn giản thì chắc không phải tập đi tập lại nhiều lần, sẽ bớt được phiền toái, mệt mỏi cho học sinh.
Tuy nhiên còn một vấn đề là ngày khai giảng được ấn định trong toàn quốc là ngày 5/9, nhưng nhiều trường học sinh đã bắt đầu học từ 15/8, chưa kể các trường dân lập còn học sớm hơn. Như vậy, ý nghĩa của ngày khai giảng là ngày đầu năm học, ngày đầu đến trường đã không còn nữa. Và mất đi ý nghĩa này thì tính chất thiêng liêng cũng mất, chỉ còn lại hình thức mà thôi.
Vậy nên, để giữ cho ngày khai giảng với đầy đủ ý nghĩa của ngày đó, nên chăng nếu học sinh bắt đầu học từ 15/8 thì khai giảng sẽ là lễ chào cờ đầu tiên của ngày hôm đó. Nếu được tổ chức trang trọng và đúng ngày thì tuy đơn giản nhưng nó vẫn mang đầy đủ ý nghĩa.