Tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và có ý kiến chỉ đạo đối với ngành giáo dục trong năm học tới.
Một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thu hút được sự chú ý và đồng tình của dư luận là việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chấm dứt khai giảng hình thức.
|
Đã đến lúc cần phải trả lại sự trong sáng, vô tư cho lễ khai giảng năm học mới, để ngày khai trường thực sự là ngày hội ý nghĩa với mỗi học sinh. Ảnh minh họa. |
Để không còn cái cảnh lễ khai giảng rình rang, học sinh phải ngồi chờ hàng tiếng đồng hồ dưới nắng gắt hay trời mưa, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục nên thống nhất một ngày khai giảng và “thực sự làm đúng nghi lễ, có chào cờ, hát quốc ca, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn và hãy làm thực sự vì các cháu”.
Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thật sâu sắc và thiết thực bởi nó đáp ứng được nguyện vọng bấy lâu nay của đông đảo học sinh và đội ngũ thầy cô giáo về một ngày khai giảng thực chất, không hình thức, phô diễn.
Không biết tự bao giờ, ngày khai trường không còn để lại ấn tượng đẹp trong đời học sinh, thậm chí có khi còn là nỗi ám ảnh khôn nguôi bởi cách hành lễ mang tính hình thức, nặng nề, tốn công sức, gây ức chế cho số đông, trước hết là học sinh và thầy cô giáo.
Nhớ lại những ngày khai trường cách đây bốn, năm chục năm. Cả nước thống nhất một ngày: ngày 5/9. Hàng triệu người háo hức chờ đợi và chào đón ngày trọng đại, thiêng liêng của đời học sinh. Lễ khai giảng được tổ chức giản dị nhưng trang trọng. Bạn bè, thầy trò tay bắt mặt mừng, chuyện trò tíu tít sau ba tháng hè xa cách.
Thế rồi, bỗng dưng tất cả đều thay đổi. Không chỉ có khai giảng chính thức mà còn khai giảng thử, duyệt lên duyệt xuống. Rồi thì học trước cả tháng mới tổ chức khai giảng. Đến giờ hành lễ còn phải mỏi mắt ngóng chờ đại biểu cấp trên đến dự. Rồi những bài diễn văn dài ngoẵng của lãnh đạo trường, những bài phát biểu thường là không ăn nhập gì với buổi lễ của các vị đại biểu cấp trên…
Quả thực, đó là một sự “tra tấn” mà người phải gánh chịu một cách tội nghiệp là thầy và trò. Ngày khai giảng năm học mới vì thế không còn là ngày hội, ngày tựu trường theo đúng nghĩa của nó nữa.
Đã đến lúc cần phải trả lại sự trong sáng, vô tư cho ngày khai trường!
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định, năm nay, ngày khai giảng sẽ được tổ chức vào 5/9, thống nhất cùng một ngày trên cả nước. Hình thức khai giảng đúng nghi lễ nhưng ngắn gọn, khoa học.
Bộ đã có công văn gửi đến các Sở Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc quy định này.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng vào sáng 5/9 - ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Nội dung khai giảng chú trọng các hoạt động đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian để ngày khai giảng thực sự là ngày hội của học sinh.