Xa con ngay đầu năm học mới
Nhắc đến con gái, mắt chị Điệu (CN Cty Freetrend, KCX Linh Trung II, quận Thủ Đức, TPHCM) lại ngân ngấn nước. Con gái chị năm nay lên lớp 5, nhưng từ năm lớp 3, bé đã được gửi về Hải Dương ở với ông bà, mỗi tháng, anh chị gửi về cho con 2 triệu đồng. Mấy tháng hè vừa rồi, ông bà gửi cháu vào chơi với bố mẹ. “Vào năm học rồi, con đi học, mẹ đi làm, mọi chuyện cứ trôi vậy thì mình cũng phải quen, sẽ khôn khóc vì nhớ con. Nhưng vì cháu vừa mới vào đây nghỉ hè, mẹ con quấn quýt bên nhau, giờ cháu đã về đi học, nghĩ lại mà thương đứt ruột”, chị thỏ thẻ.
Chồng chị, anh Trần Văn Trung đang làm việc tại CN KCN Đồng An, Bình Dương vỗ về vợ: “Hoàn cảnh mình vậy mình phải chịu”. Cưới nhau được 12 năm, anh chị có 2 mặt con. “ Gắng nuôi đứa con đầu học được đến lớp 3, vợ sinh đứa con thứ 2 thì mình không thể gượng nổi nữa, đành phải gửi con về quê”, anh Trung thở dài.
“Ông bà đã già yếu, con mình ngày một lớn, tâm lý tuổi dậy thì khó đoán lắm. Nếu không có bố mẹ bên cạnh thì con dễ sinh hư. Mỗi năm học mới, mừng vì con mình lên một lớp nhưng lại lo thêm một chút”, vợ chồng anh Bình, chị Diệu, quê ở Tiền Giang, trọ tại địa chỉ 32/4A ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM, chia sẻ. Con trai anh năm nay vào lớp 7. Được tháng hè ngắn ngủi, cháu lên chơi với anh chị. “Vợ chồng tôi tranh thủ mua trước bộ sách lớp 7, dạy kèm cho cháu. Mỗi lần học, nghe con nói “ước gì mỗi tối đi học đều có ba mẹ ở bên thì vui” mà vợ chồng tôi chỉ biết khóc thầm” - chị Diệu kể.
“Nhiều lúc thương con, muốn bỏ về quê làm thuê làm mướn, cày ruộng, gieo đồng nhưng về rồi không có đất, mình lại làm CN đã gần 15 năm rồi, giờ về quê không dám tự tin là mình còn làm nông được. Hơn nữa, rồi con mình cũng sẽ lớn, đi học đại học. Mình mà không ở lại Sài Gòn thì sau này con mình biết trông vào ai. Thế là lại cố gắng”, anh Bình phân trần.
|
Trường mầm non Mai Ka (Q.7, TPHCM) là một trong những trường hiếm hoi nhận giữ trẻ ngoài giờ. |
Nhiều ngày qua, chị Ánh - CN Công ty SMY, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP HCM - như ngồi trên đống lửa vì con gái chị đã đi học được gần 1 tháng mà chị chưa gửi về cho con được đồng nào. Nguyên nhân bởi Công ty đang nợ chị gần 2 tháng lương. Hơn tuần nay, chị và 153 CN Công ty chạy ngược chạy xuôi tìm giám đốc đòi lương. “Mấy năm trước, mỗi tháng gửi về cho con gái 2 triệu đồng. Năm nay, con vào lớp 10, phải may áo dài, sách vở, các thứ chi phí cũng cao hơn, ít nhất phải 3 triệu mới đủ. Vậy mà đến giờ, tôi vẫn chưa gửi về cho con được đồng nào”, chị Ánh nói gần như khóc.
Không chỉ chị Ánh mà trong hơn 150 CN của Công ty SMY bị nợ lương, nhiều gia đình như “chết đứng” khi cả vợ chồng, anh em cùng làm việc ở công ty này. “Gần 50% CN đang nuôi con nhỏ, con đang đi học. Bà giám đốc “biến mất” kiểu này, không chỉ “giết” anh chị em CN mà con cái chúng tôi cũng khốn khổ theo. Tiền trường, tiền lớp, chi phí đầu năm mình không thể khất được. Con tôi gửi trường tư, không có tiền là người ta đuổi về, ai mà nhận. Mấy hôm nay, không chỉ chạy đôn chạy đáo vay tiền trả tiền nhà trọ, tiền ăn, tôi phải gọi về quê vay mấy triệu để lo chi phí đầu năm học cho hai đứa con” - chị Sương- CN Công ty SMY - than.
Mới tựu trường bố mẹ đã hụt hơi
Hụt hơi. Đó là chia sẻ của nhiều phụ huynh khi được hỏi về việc chuẩn bị cho con vào đầu năm học mới. Chị Kim Liên (CN Cty Hiệp Phước Thành, KCX Tân Thuận, TPHCM) có hai con, một đang học lớp 5, một đang học lớp 4. Chị quê ở Quảng Ngãi, chồng chị chạy xe ôm.
“Bây giờ ai cũng có xe máy hết cả, cả ngày chồng chạy lai rai, đủ tiền đi chợ là may rồi”, chị kể. “Các chi phí khác phải dựa vào lương của mình. Đồng phục, áo quần, quỹ trường, quỹ lớp của hai đứa đã hết cả tháng lương của tôi. Vừa khai giảng xong, tôi đã nghe hai con thông báo là cô giáo nói sẽ dạy thêm tại nhà vào các ngày thứ 2, 4, 6 với học phí 300.000 đồng/tháng. Lại phải chắt chiu, nhịn ăn, nhịn mặc”, chị Liên thở dài.
“Mỗi một mùa khai giảng là mỗi một lần mình đau đầu với đủ các loại chi phí, rồi gửi con, đón con. Đôi lúc xen lẫn trong niềm vui trong bộ quần áo mới, sách vở của con là tiếng thở dài của bố mẹ vì không biết ai sẽ nghỉ làm, ai sẽ gồng gánh. Lắm lúc nghĩ cũng buồn. Vất vả có đó nhưng cuộc đời làm CN của mình, có tích lũy được gì đâu ngoài đứa con. Nghĩ vậy nên mình lại cố gắng”, chị Kim Liên xúc động.
Hãy ngừng nói những chuyện “đao to búa lớn” trong ngày khai trường
Nhắc đến chuyện tổ chức khai giảng, chuyên gia giáo dục - GS Nguyễn Xuân Hãn - không ngần ngại cho rằng, các trường hãy ngừng việc nói những chuyện “đao to búa lớn” với học sinh trong những ngày này. “Nói chuyện lớn làm gì khi mà ngay năm học tới này, học sinh còn hoang mang chưa biết rồi đây sẽ thi cử theo phương án nào. Thi một kỳ thi chung thì sẽ thi tích hợp hay thi theo môn thi?” - GS Nguyễn Xuân Hãn nói.
Trước một năm học có quá nhiều dự định để làm như năm nay, GS Nguyễn Xuân Hãn cho rằng cần phải làm cho không khí ngày khai trường trở nên nhẹ nhàng, ấm cúng. Đặc biệt với những học sinh đầu cấp, ngày khai trường càng có ý nghĩa rất lớn với các em nên với những lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 6 hoặc lớp 10, hãy chuẩn bị chu đáo hơn cho các em, để các em được nói lên cảm xúc suy tư của mình nhiều hơn.
“Phát biểu của nhà trường hãy để các em thấy rằng bắt đầu vào một năm học mới sẽ bằng tâm thế lạc quan, háo hức với những dự định mới trong năm học, thay vì ngồi mệt mỏi giữa trời nắng nóng. Hãy để lễ khai giảng trở thành một ngày thật sự đáng nhớ trong quãng đời học sinh của các em!” - GS Nguyễn Xuân Hãn chia sẻ.
Để ngày khai giảng thật sự là của học trò
Hình thức, giáo điều, khô cứng… là nhận định của không ít phụ huynh, học sinh và thậm chí của cả giáo viên đối với các lễ khai giảng hiện nay. Ngày hội đúng ra là phải rất thiêng liêng và ấn tượng đối với học trò thì đã bị biến dạng vì những mục đích khác.
Cựu nhà giáo Nguyễn Tấn Hùng đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy học tại TPHCM chia sẻ: “Trong suốt cuộc đời dạy học, tôi đã trải qua hơn 30 lễ khai giảng và càng về sau, những buổi lễ này càng mất đi không khí, ý nghĩa thật sự của nó. Nhất là khi năm học mới đã bắt đầu từ giữa tháng 8, thầy trò đã vào guồng lên lớp, học bài, trả bài thì đột nhiên phải dừng lại 1-2 ngày để tổ chức lễ khai giảng. Học trò phải diễn tập, tập đứng tập ngồi, tập vỗ tay. Rồi cờ quạt, khẩu hiệu và các loại diễn văn chào mừng. Tất cả hầu như chỉ mang tính hình thức, khó tìm thấy sự xúc động của buổi tựu trường”.
Một giáo viên THPT, đề nghị giấu tên, nêu cảm nhận: “Tôi rất ấn tượng với hai lễ khai giảng tại Trường THPT Trần Phú và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đó mới thật sự là khai giảng của học sinh và vì học sinh. Giá như tất cả các hiệu trưởng, các nhà trường cũng có được cách nhìn như vậy”.
Theo cựu nhà giáo Nguyễn Tấn Hùng, nếu buổi lễ khai giảng thật sự dành cho học sinh và các thầy cô thì phải chú trọng đến sự chân thực và tính thân thiện của nó. Cần có thời gian cho các em học sinh cũ gặp gỡ với bạn bè, thầy cô, học sinh mới tìm hiểu làm quen với trường lớp, được cô giáo bắt tay viết những nét chữ đầu tiên.