|
Ảnh minh họa. |
Nói đến đổi mới toàn diện nền giáo dục tức là nói đến đổi mới toàn diện mọi nội dung, mọi lĩnh vực thuộc về nền giáo dục, bao gồm đổi mới giáo dục mẫu giáo, phổ thông, đại học, trên đại học và học nghề, đổi mới việc dạy và học. Nội dung đổi mới như vậy thì quá lớn, liệu có đủ sức làm cùng một lúc hay không? Nên chăng chỉ chọn đổi mới từng phần.
Nếu đặt vấn đề biên soạn một khung chương trình chuẩn và biên soạn sách giáo khoa cho giáo dục phổ thông thì không thể gọi là đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục được, bởi vì xây dựng một khung chương trình chuẩn và biên soạn sách giáo khoa mới chỉ là một phần. Việc mà thôi, việc này xem ra cũng không đơn giản, việc tổ chức còn phức tạp hơn nhiều bởi vì xã hội đang có những chuyển biến phức tạp, tạo ra những điều kiện không thuận lợi cho việc đổi mới giáo dục.
Đổi mới giáo dục phải dựa trên các cơ sở: Đạo đức, xã hội, kinh tế, lòng tin. Khi đổi mới giáo dục trong hoàn cảnh đạo đức, xã hội, kinh tế còn nhiều khó khăn, làm có hiệu quả thì lòng tin của mọi người sẽ tăng lên, nếu làm không tốt, không hiệu quả thì mọi người giảm lòng tin. Mà khi lòng tin bị mất thì khó lấy lại được, dẫn tới những hậu quả nguy hiểm. Đổi mới giáo dục phải tiến hành song song giữa chấn chỉnh cái cũ và làm cái mới, chú ý đến việc làm trong sạch nền giáo dục, trang bị lại phẩm chất đạo đức thầy và trò, khơi dậy và động viên tính ham học để làm người của toàn xã hội, tăng cường kinh phí cho giáo dục, xây dựng một khung chương trình pháp lệnh.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam trong bài "Tôi thấy bất an" đăng trên KH&ĐS số 137, ngày 14/11/2014. Tôi cho rằng, phải xây dựng lại khung chương trình theo phương châm: Tập hợp các nhà khoa học hàng đầu của các Hội khoa học thành một tập thể và giao cho tập thể các nhà khoa học hàng đầu ấy làm, đưa ra toàn xã hội thảo luận, góp ý kiến bổ sung và ban hành thành một khung chương trình chuẩn mang tính pháp lệnh để thực hiện thống nhất trong cả nước.
Trên cơ sở khung chương trình chuẩn biên soạn một bộ sách giáo khoa mẫu mực áp dụng trong cả nước. Việc biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa trên một khung chương trình chuẩn sẽ bàn đến sau, sau đó rút kinh nghiệm việc thực hiện một khung chương trình chuẩn và bộ sách giáo khoa mới. Việc biên soạn sách giáo khoa mới, tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của GS.TS Nguyễn Lân Dũng trong bài báo nói trên là giao cho các hội khoa học làm, hội nào biên soạn sách giáo khoa về mảng của hội ấy, biên soạn từ cấp I đến cấp III.
Đất nước chúng ta có rất nhiều nhà khoa học có đức có tài có thể làm tốt việc này, không để phụ lòng mong mỏi của toàn xã hội.