Khi câu chuyện NSƯT Nguyễn Chánh Tín mất nhà tung lên mạng, tôi cũng như hàng vạn độc giả, hàng vạn người hâm mộ ông không khỏi bàng hoàng, xót xa.
Tâm trạng đó xuất phát từ lòng ngưỡng mộ một trong số ít những thần tượng của điện ảnh Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua và từ tình cảm nhân ái vốn là nét đặc trưng trong cách ứng xử văn hóa của người Việt.
Nhưng rồi, dần theo ngày tháng, những tình tiết xoay quanh chuyện người nghệ sĩ “sa cơ lỡ vận” cứ phát lộ dần khiến cộng đồng mạng không khỏi bức xúc, thậm chí là bất bình. Hóa ra câu chuyện không như mọi người nghĩ lúc ban đầu. Đằng sau nó còn nhiều uẩn khúc.
|
NSƯT Chánh Tín. Ảnh: Tiền Phong.
|
Sự thật bắt đầu hé lộ khi ông Nguyễn Đức Quân Anh, con trai người anh kết nghĩa đã quá cố của Chánh Tín, công bố đoạn băng ghi âm lên mạng.
Chuyện dích dắc thế chấp nhà cửa để kinh doanh, rồi vỡ nợ ngân hàng là chuyện riêng của “anh em” nhà nghệ sĩ, thiết nghĩ dư luận không cần quan tâm bởi đã có cơ quan pháp luật. Điều đáng nói ở đây là chúng ta thấy gì qua lời nói của người nghệ sĩ trong đoạn băng ghi âm cùng những thông tin khác do ông Quân Anh cung cấp cho báo chí.
Những câu nói khiến dư luận sửng sốt
Chưa đầy hai ngày sau khi chuyện bị mất nhà được báo chí và các trang mạng đăng tải, nghệ sĩ Chánh Tín đã “đánh” trúng tâm lí người hâm mộ để rồi ông nhận được 600 triệu đồng cứu trợ và nhiều lời hứa giúp đỡ có giá trị bạc tỉ khác. Đó là một con số kỉ lục trong một thời gian, cũng kỉ lục mà cộng đồng dành cho một cá nhân khi sa cơ lỡ vận. Thế nhưng Chánh Tín đã nói gì về sự giúp đỡ này của mọi người ? Ông “hồn nhiên” bảo: “600 triệu đồng chỉ là con số nhỏ so với tiền nợ tại ngân hàng, nó chỉ đủ cứu đói tôi thôi nhưng với đà này thì có thể lấy lại ngôi nhà”.
Về chuyện “mất nhà”, trong đoạn băng ghi âm, Chánh Tín nói: "Khi nó bắt đầu đụng tới em thì em la lên để quần chúng lên tiếng bênh vực". Xem ra câu chuyện “ra đường ở” của ông lắt léo và đầy kịch tính, hồi hộp chẳng kém gì phim “Ván bài lật ngửa” mà ông từng thủ vai nhân vật chính.
Và thái độ hành xử đối với tình huynh đệ
Những gì mà ông Nguyễn Đức Quân Anh, con trai người anh kết nghĩa với nghệ sĩ Chánh Tín đã công bố khiến dư luận thêm một lần băn khoăn.
Vì tình anh em, cha ông Quân Anh (khi còn sống) đã ra tay giúp đỡ Chánh Tín bằng việc thế chấp nhà cho ngân hàng Phương Nam, bảo lãnh khoản vay hơn 1,2 tỉ đồng của Công ty Chánh Tín. Giờ đây mọi việc đổ bể, vợ con người anh quá cố có nguy cơ ra đường thực sự. Họ trông chờ cả vào ông em kết nghĩa vì người thụ hưởng hơn một tỉ tiền vay ngân hàng là Chánh Tín, nhưng nghệ sĩ đáng kính của chúng ta đã tìm cách thoái thác. Ông lẩn tránh hoặc chỉ hứa suông, thậm chí khi vợ con ông anh “tới nhà chú Tín thì cả hai vợ chồng chú đều không nhận ra mẹ con tôi khiến chúng tôi rất buồn.”
Sống như ăn mày hay…
Vẫn biết đời nghệ sĩ nó bạc bẽo lắm, mấy ai giàu có sung túc vì nghề được đâu. Nhưng không vì thế mà người nghệ sĩ tự đánh mất mình. Dư luận đã từng cảm thông, chia sẻ đối với những nghệ sĩ mà cả cuộc đời thậm chí cho đến khi chết vẫn sống trong cảnh đạm bạc như Trần Hạnh, Hồ Kiểng, Văn Hiệp, Tuấn Dương…Những nghệ sĩ như họ, chiếm trọn vẹn tình cảm và lòng ngưỡng mộ của người đời bởi họ là những nghệ sỹ chân chính. Số phận không cho họ cái may mắn được giàu sang nhưng họ không vì sự giàu sang mà hạ mình.
Còn nghệ sĩ Chánh Tín thì sao? Có thể nói, số phận đã mỉm cười với ông, đưa ông tới đỉnh cao của danh vọng và tiền bạc. Thế nhưng khi “lâm nạn”, tâm sự trên một tờ báo, ông nói cuộc sống của ông bây giờ không khác chi ăn mày vì phải chờ sự giúp đỡ của người khác. Ông còn bảo “Ngài đại gia nào mà giúp đỡ thì tôi sẽ quỳ xuống lạy luôn!”.
“Anh hùng khi sa cơ cũng hèn”. Lời người xưa quả không sai. Nhưng hèn đến mức ấy thì… Người hâm mộ bị sốc thực sự. Có còn là một Chánh Tín hào hoa phong nhã nữa không? một Chánh Tín đã từng làm thổn thức con tim hàng triệu người hâm mộ nữa không?
Lại nói chuyện ăn mày. Xưa nay, có hai loại người ăn mày. Loại thứ nhất xem ăn mày là một nghề kiếm sống như bao nghề khác. Họ cũng ngửa tay nhưng không phải chỉ để xin miếng ăn qua ngày mà còn kiếm dư tiền bạc để xây nhà cao cửa rộng. Loại thứ hai là những người nhất thời thất cơ, lỡ vận, những người bất hạnh như ốm đau tàn tật. Đây là ăn mày thứ thiệt. Số phận hẩm hiu đẩy họ vào con đường cùng phải nhờ vả sự giúp đỡ của người khác.
Còn bây giờ, giữa thời đại truyền thông hình như có thêm một loại ăn mày mới. Họ ngồi một chỗ, thở than, dùng cái danh hay “vang bóng một thời” của mình đánh vào tâm lí của cộng đồng và chờ đợi những đồng tiền “cứu trợ” chạy vào…tài khoản.
Sau khi “lâm nạn”, Chánh Tín cũng đã tự nhận mình không khác chi ăn mày. Nhưng có người lại bảo ông là “ăn mày dĩ vãng”. Khi đó dư luận chưa biết những góc khuất đằng sau chuyện người NSUT có nguy cơ mất nhà. Còn bây giờ thì, khi sự thật đang dần hé lộ, liệu cái sự “ăn mày” mà ông tự nhận có phải chỉ là “ăn mày dĩ vãng” như người hâm mộ đã gọi một cách đầy thất vọng về ông?