Làng duy nhất thế giới chuyên sản xuất dũa ở Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Đây là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam và cả thế giới chuyên sản xuất các con dũa, từ dũa cưa đến dũa móng tay.

Nhiều người phàn nàn về tình trạng nhập siêu các mặt hàng giản đơn như cây kim, sợi chỉ từ Trung Quốc nhưng lại không biết những mặt hàng mà chúng ta xuất khẩu đi khắp thế giới như con dũa do làng Đại Phu thuộc xã An Đổ (Bình Lục, Hà Nam) làm ra.
Làng Đại Phu có truyền thống làm dũa hàng trăm năm. 
Thương hiệu lừng lẫy sau lũy tre làng
Chuyện cả làng Đại Phu làm dũa đã có từ hàng trăm năm nay, tuy nhiên với nghề làm dũa có vẻ như không nổi tiếng như dệt truyền thống hay các ngành nghề khác. Ấy vậy, nhưng với thế giới thì dũa Đại Phu đã trở thành thương hiệu lừng lẫy từ mấy chục năm nay.
Ông Vũ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã An Đổ cho biết: "Làng Đại Phu là nơi duy nhất ở Việt Nam và thế giới sản xuất mặt hàng này theo cách truyền thống. Vì không quảng bá, cũng không cần thiết phải quảng cáo dịch vụ nên nghề làm dũa cứ âm thầm sau lũy tre làng".
Chúng tôi đến nhà của ông Dương Quốc Tịnh, Bí thư Chi bộ để có một cái nhìn bao quát nhất về truyền thống của ngôi làng này. Không ngờ, chính gia đình ông Dương Quốc Tịnh lại là một xưởng sản xuất dũa khổng lồ và uy tín hàng trăm năm nay. Gia đình ông Tịnh 4 đời làm dũa nên những lò bễ đến các vật dụng phục vụ sản xuất đều có vẻ cổ kính cũ kỹ lắm.
Phụ nữ và trẻ em cũng có thể tham gia canh coi lò bễ nung sắt. 
Ông Tịnh đưa ra con số của làng là 270 hộ dân với trên 800 nhân khẩu thì trong số đó khoảng 700 người phục vụ nghề làm dũa. 100 người còn lại không tham gia với lý do quá già hoặc còn quá nhỏ để làm nghề. Trong số 270 hộ dân ấy thì trung bình mỗi nhà có từ 2 - 3 lò bễ để nung và cán sắt.
Làng Đại Phu lại thu hút rất nhiều lao động trẻ từ khắp các nơi nên trong làng không bao giờ ngơi tiếng búa đập, tiếng cắt cưa lẫn mùi khét của mạt sắt cháy. Ở ngoài nhìn vào, làng Đại Phu yên ả vắng bóng người lại qua. Nhưng vào trong mới thấy không khí khẩn trương, náo nhiệt không khác nào một công trường sản xuất dã chiến.
Ông Tịnh cho biết: "Chúng tôi sản xuất tất cả các loại dũa. Từ dũa cưa đến dũa máy công nghiệp. Ngay cả dũa móng tay móng chân cũng từ đây mà ra. Tất cả các công đoạn từ A - Z chúng tôi đều có thể hoàn tất".
Theo ông Tịnh, vì nghề làm dũa có nhiều khâu nên từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể tham gia làm nghề. Thế nên, chỉ những người quá già yếu hoặc trẻ em đang giai đoạn ẵm ngửa mới không không tham gia. Đứa trẻ mẫu giáo cũng đã có thể giúp bố mẹ canh coi lò bễ khi nung sắt hoặc sắp xếp đóng thùng hàng hóa chờ xe tải về gom hàng.
Làm dũa có 6 công đoạn chính. 
Đi trước thời đại
Cho đến nay, nghề làm dũa ở Đại Phu đã ngót nghét 110 năm. Người trong làng tôn cụ Vũ Khánh làm tổ nghề vì có công đem nghề về cho làng. Theo các cụ cao niên, cụ Khánh từng là thợ mộc gốc làng Đại Phu. Sau một thời gian làm ăn xa, thấy thợ mộc người Nhật có con dũa để mài cưa, cụ Khánh mới mày mò tự làm cho mình một con dũa từ thanh sắt bỏ đi.
Cụ Khánh nghĩ, con dũa nó đơn giản mà quan trọng. Lại thấy ở Việt Nam chưa có ai làm ra con dũa nên cụ về làng hô hào con cháu làm nghề. Ban đầu chỉ là những con dũa 3 cạnh thô sơ được sản xuất từ những cây sắt vứt đi của các biệt thự Pháp ở trong vùng. Rồi sau đó, bắt được mối hàng thì nghề làm dũa cũng bắt đầu phát triển.  
Khi cả thế giới đang dùng con dũa 3 cạnh để "rửa cưa" hoặc máy công nghiệp thì cụ Vũ Khánh đã sáng chế ra cả những loại dũa dẹt, tròn, bán nguyệt và chữ nhật để bán ra thị trường. 
Theo ông Tịnh: "Khi cả nước vẫn trung thành với nghề trồng lúa nước thì làng Đại Phu đã hoàn toàn phục vụ công nghiệp. Thế nên nhà nào trong làng cũng sung túc, không nhà nào phải để con cái thất học hoặc thiếu ăn thiếu mặc".
Một số con dũa của làng Đại Phu. 
Thế giới chỉ dùng dũa Đại Phu
Lại nói về việc làm dũa xuất khẩu thì làng Đại Phu đã xuất khẩu dũa từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Sau năm 1945, thực dân Pháp tăng cường thu mua sản phẩm dũa của làng Đại Phu để đem về nước Đại Pháp hoặc chuyển sang các nước thuộc địa phục vụ công nghiệp.
Thời kỳ bao cấp thì nghề dũa của làng Đại Phu trở nên cực thịnh vì mối hàng khổng lồ xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Họ thành lập các HTX khổng lồ với vài trăm lao động lành nghề ngày đêm sản xuất hàng mà vẫn không đủ.
Sau năm 1991 khi Liên Xô tan rã, tưởng nghề truyền thống bị biến mất nhưng không. Họ tự tìm ra được các mối xuất khẩu sang phương Tây và các nước châu Á với số lượng ngày càng lớn.
Theo thống kê của ông Dương Quốc Tịnh, hiện nay dũa làng Đại Phu có mặt ở 150 nước. Và ngành công nghiệp thế giới tin dùng dũa Đại Phu như một sản phẩm uy tín lâu đời. Bởi ngay từ những năm 1980, dũa Đại Phu đã đăng ký chất lượng 17493 và ba lần đạt huy chương vàng của thế giới.
Ông Tịnh tiết lộ: "Nguyên liệu làm dũa khá sẵn, chủ yếu là từ thép cây đặc chủng Y12A hoặc các vòng bi hết hạn. Chúng tôi đem về nung chảy, cán ra theo khuôn rồi xử lý từng bước một theo sáu khâu: Tạo phôi, tạo mặt phẳng, tạo răng, tôi luyện, kiểm hóa và đóng gói".
Mỗi hộ có từ 2 - 3 lò bễ. 
Những tỷ phú không muốn ở biệt thự
Làng nghề truyền thống hàng trăm năm ăn nên làm ra như thế nhưng ở Đại Phu rất hiếm để tìm ra được một ngôi nhà tầng. Theo quan sát của chúng tôi thì hầu hết các hộ dân vẫn dùng nhà ngói mũi theo lối cổ truyền. Thậm chí, có những bức tường vôi vữa đã hoang hóa, rơi rụng.
Ấy thế nhưng theo tiết lộ của ông Vũ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã An Đổ thì làng Đại Phu không thiếu tỷ phú. Nếu chỉ tính sơ qua cũng có vài chục tỷ phú trong làng. Đặc biệt, các hộ vừa tham gia làm nghề vừa đứng ra bao tiêu sản phẩm.
Ông Hùng giải thích: "Cả làng có hàng chục người là đầu mối gom hàng xuất khẩu. Họ không thành lập công ty hay xí nghiệp gì cả mà chỉ âm thầm làm theo lối truyền thống nên người ngoài ít biết họ giàu nghèo ra sao".
"Để xây biệt thự hoặc mua xe hơi thì rất đơn giản, nhưng chúng tôi làm thế để làm gì. Cả năm hì hụi trong lò bễ nung cán sắt mà ở nhà lầu hay đi xe hơi thì kỳ quái lắm. Cứ ở nhà ngói, tường bao trát rơm đất là hợp nhất", một đầu mối thu mua dũa tên Hoành cho hay.
"Mỗi năm làng Đại Phu xuất khẩu hàng chục triệu sản phẩm, từ dũa cưa đến dũa móng tay, chân. Vì là một nghề truyền thống nên vừa qua, chúng tôi đã tổ chức bầu chọn nghệ nhân. Trong làng ai cũng nhường nhau nên cuối cùng cái danh nghệ nhân chẳng thuộc về ai".
Ông Vũ Văn Hùng (Phó Chủ tịch UBND xã An Đổ)
Trần Hòa

Bình luận(0)