“Sinh viên, học sinh ngành đào tạo giáo viên nếu có hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm sẽ chịu hình thức xử lý là buộc thôi học ngay lần đầu tiên vi phạm. Tuy nhiên, với học sinh, sinh viên hoạt động mại dâm thì đến lần thứ 4 vi phạm sẽ bị buộc thôi học”.
Đó là hai trong những quy định tại dự thảo thông tư ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) lấy ý kiến rộng rãi.
Tuy nhiên, ngay khi quy định trên được đăng tải trên báo chí đã gặp sự phản ứng gay gắt từ dư luận.
Dù là dự thảo đang lấy ý kiến đóng góp nhưng việc đưa quy định sinh viên, học sinh ngành sư phạm có hoạt động mại dâm mà đến lần thứ 4 vi phạm mới bị đuổi học khiến nhiều người ngạc nhiên, nhất là khi lại được soạn thảo và công bố lấy ý kiến bởi Bộ GD&ĐT.
|
Nếu dư luận không phản ứng mạnh mẽ thì biết đâu sẽ có ngày những “Quỳnh búp bê”, “My sói” có thể trở thành cô giáo, đứng trên bục giảng để dạy các em học sinh những điều đạo đức. Ảnh minh họa. |
Bởi trên thực tế, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định của pháp luật hiện hành, cả hai hành vi mua dâm và bán dâm sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự trong trường hợp cố tình lây nhiễm HIV cho người khác. Còn lại sẽ bị xử phạt hành chính hoặc áp dụng biện pháp giáo dưỡng tại xã phường.
Cùng với đó, hành vi mua bán dâm cũng được cho trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trong môi trường sư phạm, với truyền thống tôn sư trọng đạo, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, thầy cô giáo bao giờ cũng được xã hội tôn vinh và kính trọng. Xã hội luôn kỳ vọng những thầy cô giáo ấy luôn phải có phẩm chất đạo đức song hành cũng “tâm” và “tài”. Thầy cô giáo ấy luôn phải là tấm gương sáng không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để làm tấm gương sáng cho học trò noi theo.
Do vậy, trong môi trường sư phạm, nhất là đào tạo những sinh viên, học sinh sau này trở thành những giáo viên thì cần phải có biện pháp tuyên truyền để các em có ý thức tôn trọng chính mình và xã hội, tu dưỡng đạo đức để có thể đáp ứng được kỳ vọng xã hội.
Chứ không phải như cách Bộ GD&ĐT vừa đưa ra quy định là sẽ cho các em có điều kiện vi phạm hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 mới bị buộc thôi học. Bởi dù chỉ là bán dâm lần đầu cũng trở thành gái bán dâm, đó là tấm gương mờ không xứng đáng trở thành những người có thể đứng trên bục giảng.
Bởi khi các sinh viên không giữ được đạo đức, ăn chơi buông thả bản thân dẫn đến không kiểm soát được chính mình, sa chân vào con đường tội lỗi và trở thành gái bán dâm thì không còn xứng đáng với môi trường giáo dục cần phải loại thải.
Trong một bộ phim đang ăn khách trên truyền hình hiện nay – Quỳnh Búp bê chắc hẳn đạo diễn Mai Hồng Phong cũng không bao giờ nghĩ rằng sẽ đưa các nhân vật của mình từ gái bán dâm thành những cô giáo để có thể thản nhiên đứng trên bục giảng dạy dỗ các em học sinh về đạo đức.
Bởi thực tế, trong xã hội hiện nay, những nhân vật trong phim như “Quỳnh búp bê”, “My Sói”, “Lan cave” dù được xã hội cảm thông do hoàn cảnh xô đẩy bước chân vào con đường đen tối của cuộc sống thì xã hội hiện tại cũng sẽ không bao giờ chấp nhận những người giáo viên có quá khứ như vậy. Không một phụ huynh nào muốn con cái họ được dạy dỗ bởi một cô giáo đã từng có những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức như thế.
Bởi vậy, việc quy định trong dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho sinh viên vi phạm đến lần thứ 4 mới buộc thôi học sẽ sản sinh ra những “Quỳnh búp bê” từ nhân vật trong phim ảnh thành cô giáo ngoài thực tế. Khi đó nền giáo dục sẽ đi về đâu?
Hơn nữa, câu hỏi đặt ra theo quy định trên, ai sẽ là người giám sát, theo dõi các sinh viên học sinh để biết được cụ thể các em đã hoạt động mại dâm bao nhiêu lần. Bởi lực lượng của nhà trường có đủ để thực hiện những quy định trên trời như thế.
Thực tế, nhà trường chỉ có thể giám sát, quản lý, sinh viên, học sinh khi các em trong trường. Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô giáo không biết sinh viên của mình làm gì, sinh hoạt như thế nào vì quá đông sinh viên, không thể quan tâm hết được. Tất nhiên, không một em sinh viên học sinh nào dại dột đến mức hoạt động mại dâm trong trường học. Khi các em có hành vi hoạt động mại dâm ở ngoài xã hội thì đó là việc của các cơ quan chức năng.
Do vậy, quy định trên dù là dự thảo nhưng không khả thi khi áp dụng vào thực tế. Có chăng những quy định như vậy chỉ tạo ra một môi trường giáo dục u ám, nghẹt thở, ảnh hưởng đến quyền học tập, nghiên cứu, sáng tạo, độc lập tư duy của sinh viên, học sinh. Liệu có tạo nên một tâm lý e dè, sợ hãi môi trường đào tạo không khi suốt ngày các em phải nơm nớp lo lắng bởi những quy định “trên trời”.
Quan trọng nhất, thay vì những quy định nêu trên, Bộ nên tăng cường các quy định về việc nhà trường phải phối hợp với lực lượng công an quản lý chặt hơn sinh viên của mình. Tuyên truyền giúp các em nâng cao nhận thức, tránh xa cám dỗ để không bước chân vào con đường lầm lạc, làm những việc vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức.
Rất may mắn, ngay trong tối ngày 29/10, sau khi báo chí đăng tải nội dung dự thảo trên, Bộ GD&ĐT đã rút dự thảo khỏi Cổng thông tin điện tử của Bộ để chỉnh sửa. Đại diện của Bộ GD&ĐT cũng nhận sơ suất.
Dư luận mong rằng, Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh phù hợp để những cô giáo tương lai không bao giờ là “Quỳnh búp bê”, “My Sói” trong bộ phim đang ăn khách hiện nay.