Trước khi vé số điện toán gây “chấn động” bằng giải thưởng lớn, vé số truyền thống vẫn là cơn sốt đổi đời của vô số người. Đặc biệt, người dân các tỉnh miền Tây, từ lâu xem việc mua vé số là niềm vui, con đường đổi đời một cách nhanh chóng. Từ đây, vô số những xã, làng được gắn với cái tên “làng trúng số”, ấp “độc đắc” được sản sinh. Mới đây, vé số điện toán lại tạo “cú hích” chấn động, khiến bà con miền Tây lại nhà nhà chơi vé số.
Miền Tây-thủ phủ vé số
Theo báo cáo của Hội đồng Xổ số Kiến thiết (XSKT-PV) khu vực miền Nam, 9 tháng đầu năm 2016, doanh số phát hành của 21 công ty XSKT là 63.380 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu tiêu thụ lên đến 50.635 tỉ đồng, cho thấy tỷ lệ tiêu thụ bình quân đến gần 80% trên tổng lượng vé số phát hành. Khi được hỏi, đại diện của của Hội đồng XSKT cũng khẳng định, người dân ở các tỉnh miền Tây tham gia mua vé số nhiều nhất. Cá biệt, có tỉnh, công ty xổ số thu về hàng nghìn tỉ đồng. Thực tế trên được chứng minh khi vé số truyền thống gần như “phổ cập” khắp mọi ngõ ngách tại các tỉnh mình miền Tây.
|
Hai em bé bán vé số. |
Hơn thế, việc mua vé số hàng ngày cũng gần như trở thành thói quen khó bỏ của đại đa số người dân miền Tây. Tại các quán giải khát, quán cơm, điểm dừng chân dọc theo tuyến Quốc lộ 1A đều có những người bán vé số sẵn mời gọi khách hàng mua vé cầu may. Ngoài các tụ điểm quán xá, vé số cũng len lỏi, có mặt khắp mọi ngõ ngách của các vùng quê, làng, ấp. Những người bán vé số dạo cho biết, đối với các vùng quê, họ sẵn sàng nhận vé từ các đại lý lớn ngoài thành phố, huyện, thị trấn, xã,… để đi bán dạo tại các làng, ấp thuộc vùng sâu, vùng xa.
Ông Vũ Tùng Em (50 tuổi, ngụ xã An Nhật Tân, huyện Tân Trụ, Long An) cho biết: “Tôi già cả, lại không ruộng vườn, mất sức lao động từ lâu. Nếu không có nghề bán vé số dạo chắc tôi chết mất xác lâu rồi. Mỗi ngày, tôi ra đại lý quen ngoài huyện lấy vé số rồi về xã đi khắp các ấp bán dạo. Nhiều người khuyên tôi lên TP.HCM bán cho đắt. Nhưng nghĩ nơi thành thị, phố xá thường là nơi người khuyết tật, mồ côi,… đến bán. Mình lên đó “cạnh tranh” với chén cơm của họ cũng không nên. Hơn nữa, ở miệt vườn, thậm chí vùng bưng biền vẫn có người mua vé số. Tôi thường ghé chợ, quán nước, thậm chí đi ngang qua ruộng, trên đường cũng có người mua. Nói chung bán vé số ở đây dễ sống lắm”.
Theo ông Em, người dân các tỉnh miền Tây có thói quen mua vé số vào sáng sớm. Khách mua vé số của ông cũng tùy theo hoàn cảnh, túi tiền của mình. “Có người mua cả chục tờ một ngày, có người chỉ một hai tờ thôi. Cũng có người họ nuôi hy vọng trúng lớn, muốn đổi đời nên nuôi số, mua nguyên cặp. Có người họ mua vì thói quen hoặc thương những người bán vé số như tôi. Nhưng dù lý do gì, hàng ngày người dân ở đây vẫn mua đều đều người vài tờ”, ông Em cho biết thêm. Ghi nhận thực tế, PV nhận thấy tại các công viên, quán ăn, quán nước trên các tuyến đường về miền Tây đều bị “vây hãm” bởi những người bán vé số dạo.
Tại các quán giải khát ven đường Quốc lộ 1A, khách dừng chân nghỉ ngơi luôn phải “tiếp” ít nhất 3 người bán vé số. Thậm chí, tại các công viên, khu du lịch, đình chùa,… số lượng người bán vé số càng đông đảo hơn. Ngoài những người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, … nhiều người lành lặn cũng chọn nghề bán vé số dạo để mưu sinh. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó ấp an ninh, ấp 1+2 (xã An Nhật Tân, huyện Tân Trụ, Long An), nơi được mệnh danh là “ấp trúng số độc đắc” cho biết: “Sở dĩ có nhiều người bán vé số dạo là bởi có nhiều người mua. Không nói đâu xa, như ấp 1+2 này, tôi thấy hầu như ai cũng mua vài tờ mỗi ngày. Có người, thấy người bán vé số chạy qua cả vài trăm mét cũng cố đuổi theo để mua cho được vài tờ”.
“Làng, ấp trúng số độc đắc”
Cũng theo ông Cường, nói đến vé số, không nơi đâu có nhiều làng, ấp có người trúng số độc đắc liên tục và trúng lớn như ở các tỉnh miền Tây. Do đó, nơi đây có nhiều làng, ấp được mệnh danh là “làng, ấp trúng số độc đắc”. Ông Cường chia sẻ: “Không phải chỉ có một hai người trúng lớn và trúng một hai lần mà làng, ấp đó được đồn là làng, ấp trúng số độc đắc. Những ấp này phải trúng từ chục người trở lên và có người trúng liên tục mà trúng toàn là giải độc đắc. Như ở ấp 1+2 này, tôi tính sơ sơ cũng hơn chục người trúng giải 1,5 tỉ. Đơn cử như ông Mười “bia”, ông Ba Lô, Tư “tài”, Dũng “heo”, Tâm,… Những người này trúng cả chục tỉ và trúng nhiều lần”.
|
Có người mua cả trăm tờ vé số mỗi ngày với ước mơ đổi đời một cách nhanh chóng. |
Có mặt tại ấp, PV được nhiều người bán vé số xác nhận thông tin trên. Hơn thế, những người này còn sử dụng “thương hiệu” “ấp trúng số độc đắc” trên để chào mời khách mua vé. Chị L.T.M. (30 tuổi, chuyên bán vé số dạo tại chợ Nhựt Tảo, xã An Nhật Tân, huyện Tân Trụ, Long An) cho biết: “Ấp này nổi tiếng có nhiều người trúng số độc đắc lắm. Vé số kiểu Mỹ thì chưa nghe ai trúng chứ vé số truyền thống thì trúng như cơm bữa. Có người từ TP.HCM cũng xuống đây mua vé số nữa đó. Chắc đất này hên nên nhiều người trúng. Em mua vài tờ đi, biết đâu thánh thần đất này ban phước, chiều trúng, đổi đời cũng nên”.
Rời ấp 1+2 của xã An Nhật Tân, PV có mặt tại một “làng trúng số độc đắc” khác ở huyện Đức Hòa (Long An). Người dân nơi đây khẳng định, việc hằng trăm người trúng số độc đắc cùng một lúc là không chính xác. Tuy nhiên, thông tin trong một ngày có hơn 3 người cùng trúng số, số người trúng số rải rác trong tháng, trong năm là hoàn toàn chính xác. Theo sự giới thiệu của người dân, các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp,… cũng có khu vực có nhiều người trúng số. Tuy nhiên, để được gọi là “làng trúng số độc đắc”, có thể sánh ngang với ấp 1+2 thì chỉ có xã Tân Phú (huyện Châu Thành, An Giang).
Luồn lách hơn tiếng đồng hồ trên con đường làng ngoằn nghoèo, uốn khúc theo con sông đục ngầu phù sa, PV mới tìm đến được xã Tân Phú. Nơi đây, được cánh bán vé số khẳng định có hơn 100 người cùng lúc trúng số. Người dân nơi đây từ già đến trẻ đều thuộc lòng câu chuyện ông “thần tài” Nguyễn Văn Thiềm giúp cả trăm người đổi đời trong phút chốc. Anh Thạch Kiên (40 tuổi, ngụ xã Tân Phú, huyện Châu Thành, An Giang) cho biết: “Chuyện xảy ra cách đây vài năm rồi nhưng ai cũng nhớ”.
“Ông Thiềm thường chạy xe đạp, bán vé số dạo ở xã. Một hôm, ông bán ế quá, đến gần giờ xổ mà còn hơn trăm vé ông mới chạy xe đi khắp mọi hang cùng ngõ hẻm trong xã mời người mua. Không ngờ chưa đầy một tiếng đồng hồ, ông đã bán hết vé. Bất ngờ hơn, sáng hôm sau, ông được biết, trong số vé hôm trước ông bán có đến 7 tờ trúng độc đắc, còn lại trúng giải 100 triệu đồng”, anh Kiên xác nhận.
Cũng từ sự kiện trên, ông Thiềm được mệnh danh là “thần tài” của xã. Người dân địa phương đổ xô mua vé số nhiều hơn. Chị Nguyễn Tuyết Trinh (32 tuổi, bán vé số khu vực xã Tân Phú, huyện Châu Thành, An Giang) cho biết: “Sau ngày ông Thiềm bán được 100 vé số trúng lớn nhiều người tìm ông để mua vé số. Từ đó, số người mua vé số cũng tăng lên. Nói chung, người ta mua vé số cũng có nhiều mục đích. Trước tiên, ai cũng muốn tìm lấy cho mình sự may mắn để có cuộc sống dễ thở hơn, có người cũng mua số vì thương hoàn cảnh người bán. Tôi không may mắn bán được vé trúng lớn nhưng hàng ngày vẫn có nhiều người ủng hộ, mua giúp”.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó ấp an ninh, ấp 1+2 (xã An Nhật Tân, huyện Tân Trụ, Long An) cho biết: “Địa phương chúng tôi mang tiếng là “ấp trúng số độc đắc” nhưng những người trúng số cũng không mấy khá giả. Thậm chí, có người còn nghèo hơn lúc chưa trúng. Hằng ngày, người dân vẫn mua rất nhiều vé số, có người mua cả trăm tờ. Mua vé số không xấu nhưng cũng không nên lạm dụng và đặt niềm tin đổi đời bằng vé số để tránh lãng phí”.