35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng - là mức phạt cao nhất được ghi nhận đến thời điểm này kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực. Lái xe bị xử phạt vì nồng độ cồn vượt quá 04 miligam/ 1 lít khí thở khi lưu thông trên cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình. Tại Hà Nội, nhiều trường hợp cũng đã bị xử phạt với hành vi trên với các mức độ khác nhau từ 2,5 triệu đến 7 triệu đồng.
Nhiều người cho rằng mức phạt vi phạm nồng độ cồn khá cao nhưng thực tế là vô cùng càn thiết để giảm thiểu vấn nạn tai nạn giao thông vốn nhức nhối dư luận bấy lâu nay. Mức phạt có cao đến mấy cũng không thể cao bằng tính mạng con người, không thể cao bằng hậu quả do chính những người vi phạm nồng độ cồn gây ra với người khác và với chính bản thân mình.
|
Tài xế bị xử phạt 35 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn. |
Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 9.229 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 8.397 vụ va chạm giao thông, làm 7.624 người chết, 13.624 người bị thương và 8.528 người bị thương nhẹ.
Nhìn vào con số trên, có thể thấy số vụ tai nạn giao thông năm nay giảm 5,1% so với năm trước, số người chết giảm 7,1%, số người bị thương giảm 6,4% dù cho thấy sự thay đổi trong ý thức chấp hành luật giao thông của người dân hay các biên pháp bảo đảm an toàn đã phát huy hiệu quả nhưng chưa phải là một tín hiệu khả quan khi trung bình mỗi ngày vẫn có đến 21 người chết, khi vẫn còn những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra khiến nhiều người chết.
Đáng buồn một trong số nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn trên chính là do người điều khiển phương tiện say xỉn, ý thức kém khi tham gia giao thông. Ở một đất nước có tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng nhanh nhất thế giới thì tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông do “ma men” tại Việt Nam tăng báo động cũng là điều không khó lý giải.
Minh chứng rõ ràng nhất là từ các số liệu cụ thể như năm 2016 xảy ra gần 21.500 vụ TNGT với 8.700 người chết thì chỉ riêng TNGT do bia rượu đã xấp xỉ 9.000 vụ. Từ gần 40% (năm 2016), theo thống kê chưa đầy đủ thời gian gần đây, có tới 65 - 70% các vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn.
Do vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 100 tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm nồng độ cồn là vô cùng cần thiết và phù hợp với quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đã được quy định trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia 2019.
Chế tài xử phạt cao sẽ giúp nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông của đại đa số người dân, đồng thời làm hạn chế các vụ tai nạn do người điều kiện phương tiện sử dụng rượu bia gây ra.
Tuy nhiên, điều đáng buồn, trong khi đại đa số người dân đã hiểu và chấp hành các quy định tại Nghị định 100 thì một số tài xế khi bị kiểm tra phát hiện và lập biên bản vi phạm nồng độ cồn đã có hành vi chống đối, thậm chí xúc phạm những người thi hành nhiệm vụ. Điển hình mới đây, một người dân ở Hà Nội bị cảnh sát dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn đã chống đối, lớn tiếng, quát tháo và bất hợp tác với lực lượng chức năng, thậm chí còn tự xưng là tiến sĩ luật, làm ở Bộ Giáo dục Đào tạo, dọa sẽ gọi Bộ trưởng.
Trên mạng xã hội, nhiều trường họp còn mách nhau những cách thức để chống đối khi bị dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Đó là sự nhận thức lệch lạc về các quy định của pháp luật, coi thường mạng sống của những người khác và của chính bản thân mình. Bởi khi điều khiển phương tiện trong lúc say xỉn, không kiểm soát được hành vi gây ra tai nạn thì không chỉ ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông mà còn tước đoạt tính mạng của chính bản thân mình, thậm chí phải đối mặt với bản án hình sự nghiêm minh của pháp luật.
Những quy định mới trên được cho là một cuộc cách mạng để đẩy lùi tai nạn giao thông do rượu bia đã đang phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia giao thông và được đông đảo người dân đồng tình, chấp hành. Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, từ cuộc cách mạng chấm dứt tình trạng người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông này, cần có những cuộc cách mạng khác trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ và nhiều lĩnh vực khác để xã hội thực sự phát triển, văn minh, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
>>> Mời độc giả xem video Từ năm 2020: Đi xe đạp cũng "cấm" uống rượu bia: