Những đứa trẻ bị bỏ rơi
Khoảng 19h ngày 21/9, tại cổng chùa La Chợ (xã Mỹ Tiến, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), nhà chùa phát hiện 1 đứa trẻ bị bỏ rơi. Bên cạnh bé trai, nhà chùa phát hiện có 1 mẩu giấy nhỏ có vài dòng viết: "Vì tôi không nuôi được nên gửi nhờ nhà chùa nuôi cháu hết đời. Tôi không vấn vương gì hết”.
|
Bé trai sơ sinh được phát hiện bỏ rơi tại Hải Dương. Ảnh: Hội LHPN xã Hồng Phong cung cấp |
Ngày 22/9, gia đình chị Nguyễn Thị Liên, xã Hồng Phong (Nam Sách, Hải Dương) phát hiện bé trai bị bỏ rơi tại gốc cây ở cửa nhà mình. Thời điểm phát hiện, bé chưa rụng dây rốn, được đặt trong một thùng bìa carton, có quần áo và tã lót đựng trong túi nilon.
Đến ngày 1/10 người dân trên địa bàn huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) phát hiện một bé trai khoảng 2 tháng tuổi bị bỏ rơi nên trình báo chính quyền địa phương. Tại thời điểm phát hiện, bên trong thùng carton có một mảnh giấy ghi nội dung cho biết do hoàn cảnh khó khăn, người mẹ không thể nuôi con nên nhờ người cưu mang.
|
Bé trai bị bỏ rơi ở Đắk Nông. Ảnh: Chính Cương/baovephapluat.vn |
Và mới đây nhất, ngày 2/10, một bé trai gần 1 tháng tuổi đã bị bỏ rơi tại chùa Vạn Xuân (Thái Bình). Bé được đặt trong hộp carton để dưới gốc nhãn trong khuôn viên chùa và tờ giấy với dòng chữ viết tay: “Tôi sinh được cháu nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh tôi không nuôi được cháu nên nhờ ông bà nào đó nuôi giúp cháu nên người”.
Cần có biện pháp ngăn chặn
Nói về vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Ngân cho biết, thời gian gần đây ngày càng nhiều trường hợp trẻ bị bỏ rơi rất đáng thương. Tuy nhiên hành vi vứt bỏ trẻ sơ sinh của cha mẹ dù vì lý do gì đi chăng nữa đều là hành vi đáng lên án, cần phải ngăn chặn.
Còn bạn đọc Mạnh Hoàng cho rằng hoàn cảnh kinh tế, sự buông thả trong lối sống của giới trẻ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "con rơi" ngày càng nhiều hơn. Có nhiều người còn hành động thiếu suy nghĩ, đặt con ở nơi vắng người qua lại, không ai biết đến và hậu quả là những đứa trẻ có thể bị tử vong rất đáng thương ngày một được báo chí đăng tải nhiều.
|
Bé trai bị bỏ rơi ở Nam Định. Ảnh: Nhà chùa cung cấp |
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, nhiều bạn trẻ, sinh viên còn đang đi học, bị vướng vào hoàn cảnh khó khăn nên họ sẵn sàng bỏ con. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người thuộc lứa tuổi khác, hoàn cảnh khác, không đủ điều kiện để nuôi con sẵn sàng vứt bỏ những đứa trẻ tội nghiệp.
Mặt khác, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng do nhận thức về xã hội, về việc giáo dục giới tính, giáo dục quan hệ tình dục đối với những người trẻ chưa tốt và đồng bộ. Từ đó, những trường hợp bỏ con đang tiếp tục diễn ra mỗi ngày.
Cùng nói về vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hầu hết các trường hợp sản phụ bỏ con tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều khả năng các em còn ngồi trên ghế nhà trường, hoặc là lao động từ nơi khác đến. Họ rất cần được trang bị kiến thức cụ thể về sức khoẻ sinh sản và những quy định về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái, để biết cách phòng, tránh và chịu trách nhiệm.
"Người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với các trường hợp: bỏ hoặc không nuôi dưỡng, chăm sóc con sau sinh; cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng.
Còn theo quy định tại điều 214 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, người mẹ nào nhẫn tâm bỏ con mới đẻ của mình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vứt bỏ những đứa trẻ mà gây ra hậu quả nghiêm trọng" - luật sư Quách Thành Lực dẫn luật.
* Kiến Thức đã đổi tên bài viết