Tháng nào cũng vậy, lái xe của những chuyến đi "bí mật" thế này không hề biết mình đang chở gì trên xe ngoài những người như chúng tôi. Một ngày thu tháng 11, hơn 400 đứa trẻ bị bỏ rơi được Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội đưa về ngôi nhà mới cùng nhau, nhưng là "ngôi nhà ở thiên đường". Chúng đều chưa biết mình tên họ là gì, thậm chí bố mẹ mình là ai, bởi được nhặt trong những chiếc hộp, những túi nilong, thậm chí còn lẫn với rác thải ở những phòng khám, những cơ sở có dịch vụ nạo, phá thai tại thủ đô.
Chiều tà buông xuống góc nghĩa địa trải đầy hoa cúc trắng, gió vi vút từ cánh đồng mang theo những tiếng thở dài: "Con cái là lộc trời cho, thế mà người cầu mãi chẳng được, kẻ có lại bỏ đi…".
Nghĩa trang giáo xứ An Bài, Nam Định ngày đón các con về, nắng vàng mật ong, gió thu nhè nhẹ nhưng không thể khiến những người có mặt ở đây cảm thấy ấm áp. Ai cũng xót xa cho những phận đời mỏng manh mới chỉ vài tháng tuổi, có em đã thành hình hài đầy đủ dù chưa một phút được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nhưng cũng có em kịp cảm nhận sự sống chỉ tính trong khoảnh khắc. Nhiều người không dám nhìn gương mặt đáng yêu của Nguyễn Hạnh An (cô bé rơi từ tầng 31 chung cư Linh Đàm tháng 10 vừa qua), em chỉ như đang ngủ no giấc.
|
Linh mục và người dân giáo xứ An Bài cùng cầu kinh cho linh hồn các thai nhi. |
Tiếng cầu nguyện lẫn với tiếng khóc của những con người xa lạ. Các em được được mặc quần áo mới, được mọi người yêu thương, được đặt tên là Bình An, An Bình, An Nhiên… như một niềm vui nho nhỏ, đánh dấu sự sống ngắn ngủi của mình trên cõi đời này. Sẽ chẳng còn cô đơn khi ở đây cùng với hơn 3.000 bạn nhỏ nữa như mình. "Đừng buồn khi đâu đó có người bỏ rơi em, vẫn còn những nơi đón em về, những người yêu thương em".
Anh Lê Thành Trung, chủ nhiệm Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội cho biết, lễ an táng của những thai nhi kém may mắn mỗi tháng diễn ra một lần đã hơn 2 năm nay. Trong những tháng cuối năm này, số lượng thai nhi mà câu lạc bộ tiếp nhận còn tăng rất nhiều so với những tháng bình thường khi đang trong "mùa" nạo, phá thai. Chỉ sau tang lễ 2 tuần, hơn 200 hài nhi đã được câu lạc bộ mang về.
Những ám ảnh ấy chưa hề có dấu hiệu ngừng lại khi nhiều ô trống - những ngôi mộ "chờ" được xây sẵn dành cho những sinh linh bơ vơ ở đây đang dần được lấp đầy mỗi tháng. Cuốn "sổ Nam Tào" ghi chép thông tin những hài nhi xấu số mỗi ngày của các thành viên tình nguyện đang dày lên dù họ mới chỉ "quan hệ" được với số lượng phòng khám đếm trên đầu ngón tay trong hàng trăm cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Hà Nội. Nỗi lo lắng thiếu nghĩa trang chôn cất những đứa trẻ tội nghiệp luôn thường trực trong họ.
"To hay bé?", "Cả to cả bé anh ơi, mùa mà, hôm nay nhặt được 9 em rồi" là những câu đã quá quen thuộc trong hành trình nhặt xác thai nhi mỗi ngày của những những người "điên" 3 năm nay. Đó là những cô cậu sinh viên mới 19, 20 tuổi của câu lạc bộå Sẻ Chia Sự Sống Hà Nội.
|
Nghĩa trang của hơn 3.000 linh hồn mồ côi. |
Ngày nào cũng vậy, không kể nắng mưa, từ 17h chiều, giờ tan tầm ác mộng của Hà Nội với còi xe, tắc đường, các em lặng lẽ đến hàng loạt những phòng khám, bãi rác bí mật để tìm những thi hài của những em bé xấu số. Các em chở nhau khắp các con phố để nhặt xác thai nhi, từ Đê La Thành, Giải Phóng, Phùng Hưng… những cái tên phố đã trở thành nỗi day dứt suốt đời với không ít bà mẹ, và cả cô gái lầm lỡ.
Câu hỏi vì sao lại làm thế trở nên thật vô duyên và ngớ ngẩn đối với những người ai cũng mặc định bị… điên. Nguyễn Văn Hùng (tên nhân vật đã được thay đổi), thành viên của nhóm nói: "Em thực sự cảm nhận được có điều gì đó luôn thúc giục trong lòng, thấy cánh tay của những đứa trẻ kéo mình lại trong những giấc mơ. Hơn 2 năm, em đã gắn bó với công việc như một kẻ điên, quen thuộc đến nỗi mất đi cảm giác sợ hãi cái chết. Những bạn ở trong câu lạc bộ như em đều tự cảm thấy trách nhiệm của mình, nên nếu đi chơi chỉ chọn trong bán kính xa nhất 50km để về trong ngày còn tiếp tục việc của mình".
Thay vì đi làm thêm, uống trà sữa, đi chơi sau thời gian trên giảng đường như những sinh viên bình thường, những bạn trẻ này lại chọn làm việc mà nhiều người mới nghe tới đã ghê sợ. Ngày nào họ cũng chia địa bàn hoạt động, tập kết về một ngã tư đông đúc tại Hà Nội rồi mang về căn nhà bí mật để bảo quản.
Có những ngày, về đến nhà đã quá nửa đêm, chẳng kịp tắm rửa, Nguyễn Văn Hùng và các bạn vẫn cố gắng bọc lại các hài nhi vào những tấm vải trắng, cẩn thận cất vào tủ lạnh. Thế nên, có sáng thức giấc, các em mới biết mình ngủ quên ngon lành trong căn phòng mà giữa người sống người chết có mối giao cảm rất gần. Cũng tại căn phòng này, mỗi tuần các thành viên của câu lạc bộ sẽ "tắm" cho các em bé "lớn". Những cô cậu đang tuổi ăn tuổi chơi dịu dàng, vỗ về những đứa trẻ rất khéo: "Nào, để anh chị tắm cho em".
Đó chỉ là một trong những công việc mà nhóm những người "điên" làm, họ luôn day dứt mình cứ đi nhặt các em bé như thế trong khi số lượng người trẻ nạo, phá thai không hề có dấu hiệu ngừng lại, họ cần phải làm gì đó để thay đổi. Đó cũng là lý do vì sao anh Trung, chủ nhiệm câu lạc bộ lúc nào cũng "dính chặt" điện thoại và cục pin dự phòng.
Anh sẵn sàng nhận những cuộc gọi dù nửa đêm hay sáng sớm để "cứu" những đứa trẻ - sản phẩm lầm lỡ mà biết bao cô gái, bà mẹ không bao giờ muốn nhớ trong đời. Sự sống của những đứa trẻ ấy chỉ mấp mé trong vài giây "nhắm mắt" quyết định của mẹ. Thật may mắn bởi chúng đã được cướp từ tay thần chết, ngay cả khi mẹ chúng đã uống thuốc phá thai, chúng được những ông bố, bà mẹ trong "Ngôi nhà chung" nuôi dưỡng.
Ở nơi đó, một sự sống mới bắt đầu…