Chuyên gia cho rằng xét nghiệm diện rộng ở TP.HCM cần đảm bảo an toàn, không tập trung đông người, đầu tư vào hệ thống xét nghiệm công suất cao, sử dụng kỹ thuật có độ nhạy cao...
“Thần tốc xét nghiệm diện rộng, riêng TP.HCM xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội để sớm phát hiện F0, kịp thời ngăn chặn lây lan” - đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Công điện số 1099 ban hành ngày 22/8 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Xét nghiệm cũng là một trong 4 vấn đề TP.HCM xác định là trụ cột để thực hiện trong thời gian tới, cùng với giãn cách, an sinh xã hội và điều trị.
Trao đổi với Zing, TS.BS Nguyễn Thu Anh (Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp này vì chỉ khi xét nghiệm mới phát hiện được F0, làm chậm nguồn lây để kịp thời gian tiêm vaccine.
Chuyển đổi phương thức xét nghiệm
TS Nguyễn Thu Anh nhấn mạnh với một số tỉnh thành có nhiều ổ dịch đã tiến hành xét nghiệm rộng và phát hiện các ổ dịch tiềm tàng, việc này giúp làm giảm tốc độ lây nhiễm và giúp cho số F0 vẫn trong tầm quản lý của hệ thống y tế.
Đánh giá việc xét nghiệm rộng nhằm phát hiện ca bệnh, từ đó có biện pháp phòng lây nhiễm cho người xung quanh, nữ tiến sĩ lưu ý trong bối cảnh dịch phức tạp như hiện nay, khi xét nghiệm cần đảm bảo yếu tố an toàn.
|
TS Nguyễn Thu Anh cho rằng việc xét nghiệm rộng giúp làm giảm tốc độ lây nhiễm và giúp cho số F0 vẫn trong tầm quản lý của hệ thống y tế. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trong đó đặc biệt chú ý không tụ tập đông người tại điểm xét nghiệm tạo nguy cơ lây nhiễm. Bác sĩ Thu Anh gợi ý có thể tổ chức xét nghiệm tại từng cụm dân cư để hạn chế người dân di chuyển, hẹn giờ theo từng nhóm dân để hạn chế tiếp xúc.
Cùng với đó, đảm bảo biện pháp phòng nhiễm khuẩn chéo, sử dụng kit xét nghiệm có độ nhạy trên 80% (theo yêu cầu của Bộ Y tế), đảm bảo đủ sinh phẩm trang thiết bị xét nghiệm và chuẩn bị kế hoạch khi phát hiện nhiều ca dương tính.
“Khi dịch bùng phát, việc xét nghiệm có thể khiến hệ thống y tế quá tải trong khi chúng ta đang ưu tiên cao hơn cho việc cứu chữa người bệnh và tiêm vaccine. Vì vậy, cần chuyển đối phương thức như đầu tư vào các hệ thống xét nghiệm công suất cao, sử dụng kỹ thuật có độ nhạy cao và có hệ thống tự động ghi nhận mẫu từ lúc lấy tới lúc trả kết quả, cũng như hệ thống robot xử mẫu để giảm tối đa yêu cầu về nhân sự”, TS Thu Anh góp ý.
Dù hệ thống này có chi phí cao, nữ bác sĩ cho rằng xét trên tổng thể sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cả về sức khỏe và kinh tế. “Sớm muộn gì cũng cần nâng cao năng lực xét nghiệm nên có thể coi đây là cơ hội để làm việc này”, bà Thu Anh nói.
Dù ủng hộ giải pháp này, nhưng bác sĩ Thu Anh cũng nhận định với các tỉnh, thành phố đang có dịch bùng phát như TP.HCM, việc xét nghiệm rộng là vô cùng khó khăn. Hơn nữa, việc xét nghiệm một lần cũng không có nhiều ý nghĩa, vì một người có kết quả âm tính hôm nay, tiếp xúc với F0 ngày mai cũng có thể dương tính trong sau vài ngày. Vì thế, xét nghiệm phải lặp lại.
Trường hợp không có đủ nguồn lực, TS Thu Anh cho rằng cần đảm bảo tối thiểu việc xét nghiệm nhóm nguy cơ cao (các cán bộ y tế, người có triệu chứng hô hấp, người tiếp xúc nhiều do nhu cầu công việc, người tiếp xúc F0…).
“Tuy nhiên, phải xác định rằng như vậy sẽ có nhiều F0 trong cộng đồng không phát hiện được, dịch có nguy cơ tiếp tục lây lan và chúng ta phải quản lý rủi ro bằng việc giãn cách xã hội chặt chẽ”, nữ bác sĩ nêu quan điểm.
|
TP.HCM cũng có thể tính toán việc triển khai hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả, bà cho rằng TP.HCM cần lên kế hoạch về sinh phẩm, trang thiết bị, nhân lực cho việc lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả và kế hoạch xử lý các tình huống phát hiện nhiều F0, F1 trước khi triển khai xét nghiệm.
Ngoài ra, nữ bác sĩ cho rằng TP.HCM nên triển khai hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà bằng việc gửi video hướng dẫn qua Zalo, người dân thực hiện xong thì chụp ảnh gửi lại kết quả. Nhưng lưu ý trong việc này cần dùng kit xét nghiệm có độ nhạy cao.
Để tránh tình trạng người dân “sợ dương tính và bị đưa đi”, TS Thu Anh gợi ý có thể khuyến khích người dân theo hướng nếu người dân dương tính sẽ có cán bộ y tế đến khám chữa miễn phí và cung cấp thực phẩm trong một tuần trước mắt, sau đó tính tiếp. Để làm được việc này, cần một hệ thống dữ liệu tích hợp qua Zalo để thu nhận thông tin.
Giãn cách xã hội tốt thì dịch sẽ suy yếu
Lý giải về nghịch lý số ca mắc Covid-19 ở TP.HCM vẫn cao trong suốt quãng thời gian thành phố áp dụng giãn cách xã hội, TS Nguyễn Thu Anh cho rằng có thể do nhiều nguyên nhân.
Một là khi tăng xét nghiệm thì phát hiện thêm nhiều F0 trong cộng đồng. Hai là do giãn cách xã hội chưa tốt, một số người vẫn đi lại và không tuân thủ giãn cách. Ba là do khó hạn chế tiếp xúc trong các khu trọ chật hẹp trên địa bàn TP.HCM.
Bà cũng nêu 5 vấn đề mà TP.HCM cần ưu tiên thực hiện trong những ngày giãn cách sắp tới.
|
Chuyên gia cảnh báo nếu TP.HCM giãn cách xã hội không tốt thì có thể sẽ xuất hiện thêm một làn sóng dịch nữa”. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Một là ưu tiên chữa trị cho F0, giảm tối đa số ca chuyển nặng và số trường hợp tử vong.
Hai là ưu tiên tiêm vaccine. “Cần truyền thông cho người dân hiểu rõ, dù là loại vaccine nào cũng nên tiêm, không nên kén chọn và cũng đừng chần chừ nữa”, bà Thu Anh chia sẻ.
Ba là ưu tiên truyền thông cụ thể, nói đi đôi với làm để người dân yên tâm.
Bốn là ưu tiên đi tìm các sáng kiến nhỏ tại các xã, phường, quận để nhân rộng lên. Bà cho biết thực tế ở cấp cơ sở có nhiều sáng kiến rất hay nhưng thành phố “chưa chịu đi tìm”. Và đặc biệt, trong bối cảnh này đừng khiến cán bộ sợ sai và không dám làm gì.
Ưu tiên cuối cùng là giám sát thực thi để đảm bảo các chủ trương, chính sách, giải pháp được triển khai hiệu quả. Việc giám sát phải thể hiện bằng các chỉ số về số lượng và chất lượng, không nói chung chung. Cùng với nguồn lực và sự góp sức của cả xã hội, nữ bác sĩ cũng góp ý thành phố cần có sự điều phối để tối đa hóa tác dụng của các giải pháp được đưa ra.
Đánh giá tính khả thi của mục tiêu kiểm soát dịch ở TP.HCM trước 15/9, TS Thu Anh cho rằng nếu tiếp tục giãn cách tốt, dịch sẽ suy yếu nhưng chưa thể về bình thường như trước đây. “ Tuy nhiên, nếu giãn cách xã hội không tốt, để tình trạng đông người ra đường như vừa qua, thì có thể sẽ xuất hiện thêm một làn sóng dịch nữa”, nữ tiến sĩ cảnh báo.