Đi sai: Chết cũng vẫn phải bồi thường
Đêm 12/7, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên cầu Chương Dương (Hà Nội) giữa xe máy và 2 ô tô, 3 thanh niên đi xe máy chết tại chỗ.
Nguyên nhân của vụ tai nạn bước đầu được cơ quan chức năng xác nhận là do người điều khiển xe máy (chở 3 thanh niên) đã đi vào làn đường dành cho ôtô, tông thẳng vào 2 xe ôtô chạy ngược chiều.
|
Vụ tai nạn ở cầu Chương Dương (Hà Nội) khiến 3 người đi trên xe máy chết tại chỗ. |
Đây không phải là trường hợp đầu tiên, trước đây đã nhiều lần xảy ra tình trạng xe máy đi ngược chiều, đi quá tốc độ, đi lấn làn đường... dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Trao đổi với VTC News, tiến sĩ Đinh Thế Hưng, Trưởng Phòng Pháp luật Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết, người điều khiển các phương tiện giao thông nếu gây tai nạn giao thông, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho mình và cho người khác, khi xác minh được lỗi thuộc về họ thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Tiến sĩ Đinh Thế Hưng phân tích: "Theo quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam hiện nay, người chết không còn có nghĩa vụ phải bồi thường.
Tuy nhiên, nghĩa vụ bồi thường của họ sẽ được chuyển giao cho người thừa kế. Luật của Việt Nam đã quy định rõ là ai thừa kế thì người đó đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ của người chết để lại.
Căn cứ theo luật hiện nay, khi phân chia tài sản thừa kế, thì phải trừ đi tất cả các khoản liên quan đến nghĩa vụ mà người chết để lại sau đó mới được chia.
Như vậy trong trường hợp người gây ra tai nạn giao thông, gây thiệt hại về người và tài sản cho người khác đã chết thì người thừa kế tài sản của người gây ra tai nạn đã chết phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại".
Tiến sĩ Đinh Thế Hưng khẳng định, nếu người thừa kế không thực hiện nghĩa vụ đó thì người bị thiệt hại vì tai nạn giao thông có quyền khởi kiện ra tòa và yêu cầu người đó phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nói trên theo đúng quy định của Bộ Luật Dân sự hiện hành.
"Ở đây, vấn đề đặt ra là người gây tai nạn giao thông đã chết phải hội đủ 3 điều kiện: một là, nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông hoàn toàn lỗi do họ tự gây ra; hai là, họ đủ 18 tuổi trở lên, nghĩa là đã có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân; ba là, họ có tài sản và có người thừa kế, ví dụ như bố mẹ, anh chị em,...
"Trường hợp người đi xe máy gây ra tai nạn giao thông, ví dụ như đâm vào ô tô chẳng hạn, người đi xe máy chết thì người lái ô tô có phải bồi thường không? Xin trả lời là không.
Nếu người đi xe máy được xác định là hoàn toàn có lỗi. Ngoài ra, người lái ô tô vẫn có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa, yêu cầu người thừa kế tài sản của người đi xe máy (nếu người này đã đủ 18 tuổi, có tài sản và có người thừa kế) phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho những thiệt hại mà người đi xe máy đã gây ra. Tức là dù đã chết rồi nhưng vẫn phải đền bù thiệt hại, thông qua người thừa kế.
Cũng có cùng góc nhìn này, thượng tá Lê Đức Đoàn (Nguyên cảnh sát Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP Hà Nội) cũng khẳng định: "Theo luật quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam, trường hợp các phương tiện nhỏ đi sai luật gây tai nạn cho phương tiện lớn đang đi đúng luật thì chủ phương tiện nhỏ phải đền, kể cả trường hợp chết rồi thì người nhà cũng phải thực hiện trách nhiệm bồi thường".
"Luật đã quy định, ai làm sai phải chịu, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không hà cớ gì xe nhỏ đi sai gây tai nạn cho xe lớn mà bắt xe lớn phải đền", thượng tá Đoàn khẳng định.
Nghịch lý 'xe lớn bồi thường xe bé'
Phân tích về nghịch lý xử lý giao thông ở Việt Nam hiện nay, thượng tá Đoàn cho biết tuy luật là như thế, nhưng rất nhiều vụ tai nạn xe nhỏ đi sai gây tai nạn nhưng xe lớn phải đền bù, dù đi đúng luật.
"Xảy ra điều nghịch lý này, như tôi đã nói nguyên nhân là do việc xử lý tai nạn giao thông ở nước mình quá nặng về tình, xem nhẹ về lý", thượng tá Đoàn phân tích.
Bình luận về vấn đề này, Đinh Thế Hưng, Trưởng Phòng Pháp luật Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật cũng chỉ ra điểm bất cập là lâu nay xử lý vi phạm giao thông ở Việt Nam vẫn theo lệ. Nhiều người từ vai “được bồi thường” lại phải chuyển qua vai “phải bồi thường”, mà như tôi nói là cái lệ “xe lớn bồi thường xe bé”.
Thậm chí, người bị hại cũng "quên mất đi quyền của mình là được phép khởi kiện người thừa kế ra tòa, yêu cầu phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bồi thường của người chết để lại".
Về lý do tại sao trong nhiều vụ tai nạn giao thông, người bị thiệt hại không sử dụng quyền này của mình, tiến sĩ Đinh Thế Hưng cho rằng đó là do thủ tục pháp luật của ta hiện nay còn rườm rà, phức tạp.
Tiến sĩ Đinh Thế Hưng giải thích: "Nguyên nhân khiến cho quyền này ít được sử dụng đó là do luật pháp của ta hiện còn bất cập. Ví dụ như người bị thiệt hại muốn được bồi thường thì phải chứng minh được thiệt hại của mình do người khác gây ra là gì, mà theo tôi biết là thủ tục hồ sơ các bước còn rất nhiêu khê, có khi thời gian kéo dài lằng nhằng đến hàng năm trời. Đó là lý do mà nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, khi giải quyết vẫn làm theo lệ mà không theo luật".
"Vấn đề oái oăm ở chỗ đó là đôi khi lệ lại trái với nguyên tắc và tinh thần của luật. Như trường hợp xe máy tự gây ra tai nạn rồi chết, ô tô vẫn phải đền, hay “xe lớn phải bồi thường xe bé” là những ví dụ điển hình về lệ".
Sai phải chịu trách nhiệm, kể cả cái chết
Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong việc xử lý vi phạm khi có tai nạn giao thông xảy ra, hiện tượng xử lí theo hướng “duy tình” và “theo lệ” cũng là hiện tượng phổ biến hiện nay.
Đây là điểm bất cập cần phải loại bỏ để cơ chế vận hành của pháp luật được thực thi công bằng, khách quan.
Trong vụ tai nạn giao thông ở cầu Chương Dương, luật sư Trương Anh Tú phân tích: "Việc người đi xe máy đi vào làn đường ô tô thì cái sai rõ rồi. Nếu ô tô đi đúng luật về làn đường, tốc độ thì người đi xe máy phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, kể cả về cái chết của mình”.
Xem xét lỗi gây ra va chạm giao thông có ba trường hợp: một là do A gây ra, hoặc B gây ra; hai là do A, B, cả hai cùng có lỗi, nhưng mức độ vi phạm khác nhau; ba là do khách quan mà cả A hoặc B hoặc cả hai cùng gây ra.
Tình huống 2, 3 thường gây tranh cãi và thường là các phương tiện lớn hơn chịu thiệt, nghĩa là phải bồi thường cho bên điều khiển phương tiện nhỏ hơn như là xe máy, xe đạp.
"Trên nguyên tắc chung của luật thì vẫn là ai sai, ai gây ra tai nạn thì người đó phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên nguyên tắc bất thành văn 'xe lớn phải bồi thường cho xe nhỏ' vẫn phổ biến hiện nay, đây là hạn chế trong quá trình vận hành luật cần phải sớm xóa bỏ", luật sư Trương Anh Tú khẳng định.
“Luật pháp phải tuân thủ theo nguyên tắc khách quan, công bằng. Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm, không thể xử lý theo lệ được”, luật sư Tú khẳng định.
"Đây là những bất cập mà tôi kiến nghị cần phải sớm loại bỏ. Một nhà nước vận hành theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật thì dứt khoát phải làm theo luật, không thể theo lệ như hiện nay được", tiến sĩ Đinh Thế Hưng cũng cùng kiến nghị.