Nhiều người xài "thủ thuật" tránh phạt nguội như sử dụng băng dính để che mờ một hoặc nhiều số trên biển kiểm soát nhằm gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định chính xác chiếc xe vi phạm. Khi thấy cơ quan chức năng, nhiều người sẽ dừng lại để bóc băng dính ra, tiếp tục lưu thông như bình thường. Nếu bị CSGT phát hiện, một số thừa nhận hành vi này nhằm né camera phạt nguội nhưng cũng có người biện minh do trẻ em nghịch ngợm dán vào mà không để ý.
Thậm chí mới đây, trên mạng xã hội còn xuất hiện hình ảnh 2 xe ô tô hạng sang Mercedes E300 đều mang biển số 30E-488.16 lưu thông trên đường Vạn Phúc, quận Hà Đông (TP Hà Nội) không biết đâu là thật đâu là giả. Cũng vì vấn đề này nhiều trường hợp xe có biển số thật đã bị phạt oan do hệ thống camera ghi hình được vi phạm trên đường mà nguyên nhân bởi chiếc xe mang "biển fake" gây ra.
|
2 xe Mercedes trùng biển số.
|
Nói về ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông như vậy, trao đổi với PV, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho hay: "Những người như này, không chỉ là không trung thực đó là những người dường như cố ý phạm lỗi. Thể hiện nhận thức rất sai trái, ý thức hiểu biết về pháp luật rất kém, không chỉ vậy tôi cho rằng, đây là những người thường xuyên đưa ra những lệch chuẩn cho xã hội".
PGS.TS Trịnh Hòa Bình còn cho biết thêm: "Ngoài ra, có những người còn lắp cả giả nhưng biển đẹp như biển tứ quý, ngũ quý... thể hiện bản tính sĩ diện hão, cũng muốn mình là người đẳng cấp. Đây là bệnh của những người háo danh. Như mọi người được biết, những biển số xe đẹp thường đều được định giá với một số tiền lớn, họ không muốn bỏ số tiền đó ra nhưng vẫn muốn được mọi người công nhận rằng, mình đã đạt được tới đẳng cấp đó. Họ đều là những người làm lệch chuẩn cho xã hội".
|
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học).
|
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV về việc người tham gia giao thông xài "thủ thuật" tránh phạt nguội có thể sẽ bị xử phạt thế nào? Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi sử dụng biển số xe không đúng quy định hay còn gọi là biển giả tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho xã hội, trong đó có thể là tội phạm hình sự.
"Theo Khoản 3, Điều 53, Luật Giao thông đường bộ quy định: “Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp". Hành động lắp biển số của xe khác lên xe của mình sẽ được ghép vào tội sử dụng biển số giả. Ngoài ra, khoản 22, điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định, nghiêm cấm hành vi sản xuất, sử dụng hoặc mua, bán trao đổi biển số xe cơ giới, xe máy. Với hành vi vi phạm thì tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người sử dụng biển số xe giả sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự" - luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định tại Điều 17, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi không gắn biển số (đối với loại xe có quy định bắt buộc gắn biển số); gắn biển số không đúng với biển số ghi trên giấy đăng ký xe; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp Thì sẽ bị phạt tiền với mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với xe ô tô. Người vi phạm bị giữ bằng lái từ một tháng đến ba tháng.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội). |
"Trong biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ có dấu nổi quốc huy. Bởi vậy, con dấu mà không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ được xác định là dấu giả. Việc đóng quốc huy lên biển số xe giả cũng sẽ được xác định là hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức. Người biết rõ đây là con dấu giả nhưng vẫn sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 Về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu con dấu giả" - luật sư Cường phân tích.
Luật sư Cường nhấn mạnh: "Hành vi sử dụng biển số xe rẻ không những gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, quản lý hành chính, dẫn đến việc nhầm lẫn trong sự phản bội mà còn là hành vi gian dối, có thể dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội. Người sử dụng biển số xe giả sẽ có ý thức coi thường pháp luật, cho rằng mình có thể ngụy trang, trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng nên càng dễ dàng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho xã hội. Bởi vậy việc phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp sử dụng biển số xe ra bằng các chế tài hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự là cần thiết để đảm bảo việc quản lý tài sản, quản lý hành chính, đảm bảo trật tự an toàn xã hội được thực hiện một cách tốt nhất, đảm bảo công bằng trước pháp luật".
>>> Xem thêm video: Sản xuất biển số xe giả bằng công nghệ "cắt dán"