Đàn ông đoản thọ
Từ trung tâm huyện Bát Xát (Lào Cai) để tới được Sín Chải (xã Nậm Pung) mất gần 50km đường đèo dốc, qua các xã Mường Vi, Bản Xèo, Mường Hum. Vài năm gần đây, giao thông trở nên thuận tiện, khách phượt lên cổng trời Mường Hum, thì Sín Chải mới được nhiều người biết đến.
Đầu tháng 4 này, chính quyền thực hiện ghép thôn Sín Chải với thôn Tả Lé của xã Nậm Pung để dễ quản lý, và phát triển đời sống cho bà con. Sín Chải có 28 hộ dân với 164 nhân khẩu chủ yếu người dân tộc thiểu số Hà Nhì sinh sống.
Khu vực này còn hoang sơ, nằm giữa những cây rừng, bao phủ 4 xung quanh là núi, không khí trong lành, tươi mới với những ngôi nhà trình tường đất dày 40-50cm, đậm bản sắc của người Hà Nhì. Nhưng không hiểu vì lý do gì, đàn ông ở Sín Chải đều đoản thọ.
Có những lời đồn đoán liên quan việc đàn ông ở Sín Chải thường chết bất đắc kỳ tử. Họ cho rằng, đây là mảnh đất dữ, rồi do ô nhiễm nguồn nước, thậm chí nguồn nước đã bị nhiễm phóng xạ.
|
Những đứa trẻ ở Sín Chải. |
Tản Láo Pà - một thanh niên người Dao - khi nghe hỏi về chuyện này, cũng rất sốt sắng ngồi lên xe chúng tôi để chỉ đường tới Sín Chải. Pà 19 tuổi chưa có người yêu, dù quen những cô gái Hà Nhì rất xinh, nhưng Pà bảo, ở đây người Dao và người Hà Nhì chưa lấy nhau bao giờ nên chỉ làm bạn mà thôi.
Gặp chúng tôi, ông Lý Thó Gì, trước đây là trưởng thôn Sín Chải, sau khi hai thôn sáp nhập ông Gì sang làm công an viên thôn Tả Chải. Ông Gì cho biết, “an ninh ở đây rất tốt, không bao giờ xảy ra mất cắp, không ai lấy của ai cái gì”.
Về chuyện đàn ông chết sớm, ông Gì khẳng định, bà con người Hà Nhì không tin vào mê tín dị đoan. Còn về nguồn có nhiễm phóng xạ hay không thì nhiều đoàn đã lấy mẫu nước kiểm tra nhưng không phát hiện ra phóng xạ, có một số tạp chất nhưng đều trong giới hạn cho phép. “Người chết sớm do phóng xạ là không đúng” - ông Gì nói.
Theo ông Gì, trước đây những người chết sớm thường là đối tượng nghiện thuốc phiện lâu năm. Sức khoẻ đã giảm sút lại tái nghiện và uống rượu. Nhưng mấy năm gần đây trong thôn giờ không còn ai nghiện hút nữa rồi.
Thế nhưng thực tế, những người đàn ông ở Sín Chải cứ độ trên 40 tuổi là lần lượt “ra đi”, còn những người phụ nữ ở đây lại rất thọ. Có những bà cụ 80 tuổi vẫn minh mẫn, khoẻ mạnh, leo dốc, leo núi không cần chống gậy. Bà nội của ông Gì, 98 tuổi mới về chầu các cụ tiên tổ, cũng là người thọ nhất tại Sín Chải.
Ông Sử Dờ San mới 52 tuổi đã được cho là nằm trong danh sách những người đàn ông thọ nhất ở Sín Chải. Ở độ tuổi này, tại Sín Chải chỉ còn vài người. “Người nhiều nhất trong thôn cũng chỉ hơn tôi có 3 tuổi thôi” - ông San khoe. Trong số những người được coi là sống thọ trong thôn thì một người 51 tuổi đang ốm đau. Một trường hợp khác, năm nay 48 tuổi hiện bị rộp phỏng hết toàn thân mà không rõ bệnh, cũng đang nằm một chỗ. Vậy là những người đàn ông thọ ngoài 40-50 tuổi ở Sín Chải đã hiếm, nay còn có nguy cơ hiếm hơn.
Khi chúng tôi tới Sín Chải, hầu như tất cả đàn ông đều ở nhà. Họ tụ tập uống rượu cứ như nhà đang có cỗ. Trong thôn không một bóng phụ nữ trừ trẻ em và những cụ bà.
Cô giáo La Thị Tới dạy Mầm non phân hiệu Sín Chải cho biết, thôn nào người Hà Nhì kiểu sống của họ như thế rồi, đàn ông ở nhà trông con, làm việc nhà, đàn bà đi làm. Mấy học sinh nữ học hết lớp 9 thì còn ở nhà làm nương, làm rẫy, lớn hơn thì đi làm thuê bên Trung Quốc hoặc đi bưng bê các nhà hàng ở thành phố Lào Cai… kiếm tiền phụ giúp gia đình. Trên Tả Lé thì người Dao văn minh hơn một chút.
Ở Trường Mầm non phân hiệu Sín Chải, hiện có 17 cháu từ 2 tuổi trở lên theo học. Mỗi sáng, đứa lớn dắt đứa bé tới lớp, không cần sự dẫn đường của bố mẹ.
“Ở đây lâu lâu trường lại thực hiện một đợt tuyên truyền, phụ huynh đến thì mình tuyên truyền để bà con bỏ bớt quan niệm, hủ tục lạc hậu. Có khi mình đi vào xin đồ để trang trí lớp theo bản sắc dân tộc, khi vào chơi thì mình cũng khuyên họ thế này thế kia, nhưng khó thay đổi phong tục” - cô Tới nói.
Ở Sín Chải hiện chỉ có một cháu duy nhất học hết cấp 3, học xong đã đi dưới huyện Bát Xát.
Chết sớm là do rượu?
Hiện nay, ở Sín Chải đàn ông trên 50 tuổi chỉ có 5-6 người. Một lý do ông Gì cho rằng có thể là nguyên nhân dẫn đến đàn ông ở Sín Chải chết sớm là do rượu. “Những ông già lúc nào cũng đi tìm rượu uống, nếu nhà không có thì đi sang nhà khác uống thôi. Uống sáng, trưa, chiều tối không lao động, vận động gì. Chỉ có ăn uống xong ngủ” - ông Gì nói. Mỗi bữa, mỗi người đàn ông có thể uống cỡ khoảng nửa lít rượu.
Chúng tôi tới nhà ông Cao Dờ Mờ ở gần đó vào lúc 15h. Con ông Mờ và 6 thanh khác đang tổ chức ăn uống sau khi đào được 3 con lươn cạn. Gặp chúng tôi, San - một thanh niên to cao vạm vỡ, thấy chúng tôi vội vàng đứng lên mặc áo và nhiệt tình kéo chúng tôi ngồi vào mâm. Các món lên mâm gồm: Lươn xáo măng rừng, lươn ôm chuối, cháo lươn, đặc biệt món không thể thiếu trong mọi cuộc vui đó là rượu.
|
Mâm rượu của những thanh niên ở Sín Chải. |
San chưa có vợ, hiện mới đi làm thuê về. San là một trong số rất ít thanh niên ở Sín Chải từng tham gia nghĩa vụ quân sự, đóng quân ở Đồn biên phòng Y Tý. Khi hoàn thành nghĩa vụ trở về, San tìm cho mình một con đường riêng, thoát ly khỏi bản làng, đi làm thuê, lấy tiền cưới vợ, tránh xa hủ tục, quan niệm còn lạc hậu của bà con nơi đây. San cho biết, nếu mình đi làm xa về mà không ngồi cùng mâm, uống bát rượu cùng thanh niên trong thôn thì sẽ bị mọi người coi thường.
Biết uống rượu có hại, nhưng vì nể anh em, San cũng phải nhấm nháp một chút. San nói, bây giờ uống say mai không đi làm được. Sau vài câu chuyện, 7 người, 3 chai Pepsi 1,5 lít rượu, thế mà vẫn không đủ cho anh em chạm bát. Rượu mà những thanh niên này uống rất rẻ, nếu mua ở chợ Mường Hum (cách Sín Chải 4km) chỉ 12.000 đồng/lít, còn mua ở gần trong thôn là 16.000 đồng/lít. Chỉ cần bán vài cây chuối, người ta cũng đủ tiền để say cả ngày.
Ông Mờ bảo, “mùa này không có gì làm thì ở nhà uống rượu, mỗi năm chỉ có một mùa, đất đai khô cằn không canh tác gì thêm được. Có nhà còn ruộng, có nhà không nên phải đi làm thuê bên Trung Quốc. Ở bên đó, họ chặt chuối đào hố, người ta đi đằng đẵng, có trường hợp đi 2-3 năm mới về. Thôn có mười mấy người đi rồi, chỉ có đàn bà đi, đàn ông chỉ làm gần nhà thôi”.
Trong khi chuyện với ông Mờ để tìm xem nguyên nhân đàn ông ở Sín Chải chết sớm có phải vì rượu không thì chúng tôi được giới thiệu sang gặp người đầu tiên đi học trong thôn.
Ông Trang De Đo - người đầu tiên đi học ở Sín Chải, học xong lớp 2 thì ông Đo nghỉ. Trước đây, ông Đo làm công tác mặt trận tổ quốc ở thôn. Ông Đo năm nay 55 tuổi, cũng là người nhiều tuổi nhất tại đây. Hai con của ông Đo, một đứa mất sớm do bị bệnh. Ông Đo kể, nhiều năm trước Sín Chải không mấy người đặt chân đến. Còn người dân vẫn rất khó khăn nên không có tiền đi viện, bệnh viện cũng ở rất xa.
3 năm nay ông Đo không làm được việc gì, chỉ quanh quẩn ở nhà. Ông Đo bảo, bây giờ không đi được, người yếu, nó đau cái dây thần kinh từ chân tay rồi đầu, rồi bị u ở nách. Bác sĩ nói không uống rượu nhưng không nhịn được.
Tuy nhiên, ông Đo cũng thấy lạ là trước đây cũng có uống rượu nhưng đàn ông trong thôn vẫn không chết sớm.
Ông Đo nói, “những người cùng tuổi đi hết rồi, mất hết rồi. Chết vì bệnh. Trước đây vẫn uống rượu mà, nhưng có chết sớm đâu, mỗi người chết một kiểu. Mấy năm gần đây mới có người chết sớm”.