Mới đây, người dân xã Cộng Hòa (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đã phản ánh, trong thời gian địa phương lập chốt kiểm soát dịch tháng 7/2021, UBND xã Cộng Hòa đã thu phí người dân, công nhân làm thẻ đi đường để qua chốt kiểm soát dịch, mỗi thẻ 20.000 đồng. Số tiền thu phí gần 20 triệu đồng và đến nay đã hoàn trả 27 triệu đồng.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Hoàng Đức Việt, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa thừa nhận có việc thu phí trên và cho biết, vụ việc xảy ra là ngoài mong muốn, lãnh đạo xã đã phát hiện và xử lý kịp thời.
|
Trụ sở UBND xã Cộng Hòa. |
Theo ông Việt, thời điểm đó, thực hiện quyết định của UBND huyện Nam Sách, UBND xã Cộng Hòa đã thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Trong đó, có nội dung, địa phương cấp cho công nhân đi làm tại các công ty bản cam kết “một cung đường, hai điểm đến” để đảm bảo phòng, chống dịch. Việc cấp giấy đi đường này được UBND xã giao cho bộ phận Văn phòng một cửa triển khai với yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công nhân đi làm.
“Chiều tối ngày 19/7, ngay sau khi Đảng ủy xã Cộng Hòa họp và chỉ đạo giao bộ phận văn phòng cấp giấy đi đường cho người dân, việc này được triển khai từ thời điểm đó. Tuy nhiên, bộ phận văn phòng lại áp việc thu phí vào cấp giấy. Đến ngày 30/7, chúng tôi phát hiện ra sự việc trên. Ngay lập tức đã chỉ đạo dừng không thu phí của người dân từ thời điểm đó”, ông Việt thông tin.
Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết, khi đó là cao điểm tình hình dịch bệnh nên sau khi ổn định, xã đã báo cáo với lãnh đạo Đảng ủy đề xuất phương án hoàn trả lại tiền phí cấp giấy đi đường cho người dân và các công nhân. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo ủy ban và các cá nhân có liên quan.
“Chúng tôi làm bao việc tốt như thế, hy sinh ngày đêm, công sức đổ vào chỉ có điều áp dụng thu phí không đúng gây ảnh hưởng. Vấn đề này do nhận thức trong lúc nhiều công việc phòng dịch diễn ra ồ ạt để giữ gìn trận địa, pháo đài của mình, an toàn cho người dân. Cái tâm của cán bộ rất là sáng, không có động cơ gì, rất trong sáng trách nhiệm nhưng do nhận thức để xảy ra việc rất đáng tiếc”, ông Việt nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa, số tiền đã thu của người dân từ việc cấp giấy đi đường là 19.690.000 đồng. Việc thu phí này không có biên lai, theo cán bộ văn phòng, khi thu tiền có bản lưu nhưng do lượng người đông nên không kịp viết biên lai.
Giải thích về việc thu hơn 19 triệu đồng nhưng lại hoàn trả người dân lên đến 27 triệu đồng, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết, khi hoàn trả, do chưa kịp viết biên lai nên giao cho cán bộ xã đi gặp tất cả các công nhân trên địa bàn xã.
“Ai nói rằng đi xin giấy đi đường mất phí thì xã hoàn trả mà nhớ mang máng, xã cũng hoàn trả. Do không có hóa đơn nên ai nói, xã đều hoàn trả khiến số tiền hoàn trả cao hơn số tiền đã thu phí của người dân”, ông Việt cho biết.
Trước đó, Báo Tri thức và Cuộc sống đã đưa tin về việc người dân xã Cộng Hòa phản ánh, thời điểm cuối tháng 7/2021, địa bàn huyện Nam Sách phát hiện một số ca nhiễm COVID-19, UBND xã Cộng Hòa đã yêu cầu những người dân có nhu cầu ra khỏi xã phải có bản cam kết phòng chống dịch COVID-19. Đáng chú ý, người cam kết phải nộp 20.000 đồng để được cấp thẻ đi qua chốt của xã. Việc thu tiền trên không có biên lai, biên nhận, phiếu thu. Những người dân phải nộp tiền để xin giấy đi đường đa số là những lao động đi làm thuê, công nhân nhà máy… Số lượng thu tiền trái quy định lên tới hàng ngàn lượt.
Đáng chú ý, người dân xã Cộng Hòa cho biết, sau khi phản ánh sự việc thu tiền trên đến huyện Nam Sách và tỉnh Hải Dương, trong các ngày 23 - 26/9/2021 một số một số cán bộ thôn đã đến từng nhà trả lại tiền.
Ông Hồ Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách xác nhận đã nhận được báo cáo về sự việc thu tiền khi cấp giấy đi đường ở xã Cộng Hòa. Đồng thời khẳng định, việc thu tiền như vậy là không đúng và huyện đã yêu cầu xã phải đến tận nhà người dân để trả lại.
“Cán bộ xã khi thu tiền đã không lập danh sách, do vậy những gia đình xuất trình được giấy đi đường sẽ được trả lại tiền. Theo báo cáo số tiền xã Cộng Hòa đã thu được là 19 triệu. Tuy nhiên hiện nay số tiền đã trả lại người dân lên đến 27 triệu. Số tiền thiếu hụt này những cán bộ nào làm sai sẽ phải tự bỏ tiền túi ra trả. Đồng thời huyện Nam Sách cũng đang xem xét kỷ luật đối với những cán bộ xã có liên quan đến vi phạm trên”, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết.
Hoàn trả tiền có phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, hành vi thu tiền của người dân để qua chốt là hành vi trái quy định của pháp luật. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay, pháp luật đã quy định không phát sinh thu những khoản khác ngoài quy định của luật.
Do đó, việc thu tiền này thể hiện sự thiếu hiểu biết trong công tác phòng chống dịch bệnh của đội ngũ cán bộ, có dấu hiệu của sách nhiễu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Số tiền đã thu, bắt buộc phải trả lại cho người dân. Tuy nhiên, dù đã trả lại nhưng hành vi vi phạm đã hoàn thành và cần phải xử lý nghiêm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhân viên cây xăng ở TP. Đà Nẵng lợi dụng giấy đi đường ship vịt cho vợ bán:
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.