Vụ nữ sinh tự tử ở An Giang: Bêu tên dưới cờ là nhục mạ học sinh

Google News

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) Huỳnh Thanh Phú cho rằng việc bêu tên học sinh dưới cờ hay ép các em học thêm là hành vi không thể chấp nhận.

Sau vụ tự tử bất thành, em N.T.N.Y., học sinh lớp 10A4, trường THPT Vĩnh Xương (An Giang), chia sẻ em bị bạo lực tinh thần, tâm lý đè nén vì bế tắc, không tìm được cách chứng minh mình đúng nên em tìm đến cái chết.
Vụ việc đang trong quá trình xác minh. Tuy nhiên, những thông tin về cách giáo viên chủ nhiệm, nhà trường phê bình kỷ luật em khiến không ít nhà giáo, chuyên gia tâm lý lên tiếng.
Vu nu sinh tu tu o An Giang: Beu ten duoi co la nhuc ma hoc sinh
Em N.T.N.Y đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh: Anh Minh. 
Giáo viên làm đúng, không sợ học trò ghi âm
Theo lời kể của Y., cô chủ nhiệm hay nạt nộ, đập bàn, gắt gỏng mỗi khi nói chuyện với em, khác hẳn với thái độ khi nói chuyện với phụ huynh. Vì vậy, em đã dùng điện thoại ghi âm để cho gia đình nghe. Cô giáo phát hiện, cho rằng đây là lỗi vi phạm vì dùng điện thoại trong giờ học.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục của Microsoft, cho rằng giáo viên không việc gì phải cấm học sinh quay phim, chụp ảnh, ghi âm thầy cô, vì nếu không làm sai, họ không phải sợ.
“Cấm đoán không phải giải pháp. Giáo viên phải biết cách tương tác để học sinh cảm thấy được yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ, hỗ trợ phát triển”, bà Diễm Quyên nói.
Cùng quan điểm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho rằng em N.T.N.Y. có lý do để ghi âm lời quát mắng, đập bàn của giáo viên chủ nhiệm. Em chưa phát tán nội dung ghi âm ra ngoài. Trong khi đó, những nội dung đó đúng thực tế - cô giáo đã có hành động đập bàn, quát tháo em.
Thạc sĩ Lê Minh Huân, giảng viên khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM, bày tỏ giáo viên làm đúng, giao tiếp sư phạm thì không phải lo lắng về việc học sinh ghi âm, ghi hình.
Nếu vì không quản lý cảm xúc tốt mà có lời lẽ không hay, bị học sinh ghi lại, giáo viên nên thẳng thắn nhận lỗi, giải thích lý do và đề nghị học sinh xóa đoạn ghi âm đó, viết biên bản, cam kết nếu cần.
Vu nu sinh tu tu o An Giang: Beu ten duoi co la nhuc ma hoc sinh-Hinh-2
Em Y. để lại thư tuyệt mệnh trước khi uống thuốc tự tử. Ảnh: GĐCC. 
Hình phạt phản giáo dục
Việc dùng điện thoại để ghi âm giáo viên trong giờ học lại là một trong hai nguyên nhân khiến em N.T.N.Y. bị nêu tên dưới cờ. Nữ sinh cũng phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hàng ngày trong 2 tuần.
Trong khi đó, hình thức phê bình trước lớp, trường đã bị Bộ GD&ĐT cấm áp dụng với học sinh. Sở GD&ĐT An Giang cũng đánh giá hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương “nóng vội trong xử lý vấn đề, đề ra phương án xử lý học sinh chưa phù hợp quy định hiện hành”.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên khẳng định quy định không được phép phê bình học sinh trước trường, lớp là rất đúng đắn, nhân văn, đúng hiệu ứng tâm lý con người. Theo bà, không ai muốn bị người khác nói xấu, sỉ nhục mình trước mặt đông người. Vì thế, bà phản đối cách làm của trường THPT Vĩnh Xương, cho rằng biện pháp trường áp dụng hoàn toàn phản giáo dục.
Thạc sĩ Lê Minh Huân lại cho rằng dù hình phạt đó đủ sức răn đe học sinh đi nữa, nó cũng không được khuyến khích sử dụng, chưa kể đến những trường hợp tạo ra tác dụng ngược, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý học sinh.
Ông phân tích cảm giác xấu hổ, tự ti hay mặc cảm tội lỗi dễ xảy ra với học sinh bị nêu tên, trách phạt công khai trước tập thể, đặc biệt là ánh nhìn thất vọng, chỉ trích và trở thành tâm điểm chú ý, bàn luận của nhiều người, trong đó có cả bạn bè, thầy cô thân thuộc có thể ám ảnh trẻ trong một thời gian dài.
Cấm đoán không phải giải pháp. Giáo viên phải biết cách tương tác để học sinh cảm thấy được yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ, hỗ trợ phát triển.
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên
“Ngay trong môi trường sư phạm, giáo dục chỉn chu, em ấy bị nhìn nhận như những thành phần đi ngược xu hướng chung, lại không có nhiều người biết 'đặt vào vị trí người khác' để hiểu, càng không có cơ hội thanh minh thì không thể không cô đơn, buồn bã hay bất lực”, ông Huấn nói.
Theo ông, những dấu vết này sẽ khó xóa nhòa trong tâm trí học sinh, thậm chí trở thành "bóng ma" đeo bám trẻ khi nghĩ về thời cắp sách đến trường, đôi khi xen vào đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Đây cũng là cái nhìn của ông Huỳnh Thanh Phú. Ông Phú nhấn mạnh bêu tên học sinh dưới cờ là hình thức nhục mạ học sinh, vi phạm quyền trẻ em, chà đạp nhân phẩm người khác.
Điều khiến ông bức xúc hơn, trong khi học trò điều trị tại bệnh viện, thay vì hàn gắn vết thương tinh thần cho em, giáo viên chủ nhiệm lại có những lời lẽ ẩn ý, bình luận vô cảm trên mạng xã hội.
“Cô giáo vi phạm đạo đức rất nặng, không xứng đáng làm giáo viên. Người thầy như vậy ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ học trò trong ngôi trường đó”, ông Phú nêu quan điểm.
Đề xuất xem xét kỷ luật giáo viên liên quan
Ông Phú nói thêm giáo viên chủ nhiệm là cầu nối giữa gia đình và nhà trường, người cha, người mẹ thứ hai của học sinh, đặc biệt ở vùng sâu, nghèo khó. Trong vụ việc tại trường Vĩnh Xương, ông không hiểu tại sao thấy học trò ốm đau, gãy tay, cô giáo vẫn có thể trách mắng em. Học trò mong muốn chỉ học một môn, sao cô lại bắt đóng tiền 5 môn?
Nếu thực sự yêu cầu học sinh đi học vì muốn tốt cho các em, trường nên miễn giảm tiền học thêm cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Trong khi đó, việc trường THPT Vĩnh Xương tổ chức dạy phụ đạo toàn lớp và có thu tiền là dạy thêm - trái quy định của Bộ GD&ĐT. Giáo viên chủ nhiệm không phải người duy nhất sai ở đây. Trường chỉ đạo, tổ chức dạy, các giáo viên chỉ thực hiện theo.
“Tôi đề xuất sa thải khỏi ngành những thầy cô liên quan vụ này. Họ gây tổn thương rất lớn, không phải với mỗi trường đó, mà còn cả ngành giáo dục”, ông Phú kiến nghị.
Ông nói thêm Sở GD&ĐT An Giang đã xử lý kịp thời sự việc này. Nhưng về lâu dài, sở cần tăng cường kiểm tra giám sát việc dạy thêm học thêm trong nhà trường, đặc biệt quan tâm sâu sắc trường vùng sâu vùng xa, học sinh khó khăn, tránh thả nổi.
Khoản 2 Điều 38 Thông tư số 32 (có hiệu lực từ ngày 1/11/2020) quy định: Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
- Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
- Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
- Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Theo thông tư này, nhà trường không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.
Theo Bách Linh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)