Trong phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và nhiều bị cáo khác liên quan tới vụ án chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình sáng ngày 19/1, bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục lên bục khai báo để trả lời xét hỏi của chủ tọa, đại diện Viện kiểm sát và nhóm luật sư.
Chủ tọa hỏi bị cáo Hoàng Công Lương: “Bị cáo có thể trả lời được không?” thì bác sĩ Lương cho biết, bị cáo xin phép HĐXX cho bị cáo được giữ quyền im lặng.
Tuy nhiên, khi chủ tọa hỏi về lời khai của bác sĩ Hoàng Công Tình (Phó trưởng Khoa Hồi sức) liên qua đến bị cáo Lương thì Lương xác nhận lời khai của ông Tình là đúng.
Trước đó, sáng cùng ngày, ông Hoàng Công Tình khẳng định, hôm xảy ra sự cố làm 9 người chết (29/5/2017) là ngày trực của Hoàng Công Lương. Ngoài ra, 2 bác sĩ Huyền và Linh cũng tham gia ca trực hôm đó. Tuy nhiên, những người này tự phân công phụ trách từng buồng. Nói thêm về việc này, Lương cho biết, ngày 29/5/2017, Lương tham gia ca trực tại Khoa Hồi sức và không được ai giao nhiệm vụ gì.
|
Bác sĩ Hoàng Công Lương tại tòa. |
Tiếp đó, khi HĐXX hỏi về công văn của Sở Y tế Hòa Bình khẳng định chỉ có bác sĩ Hoàng Công Lương được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, bị cáo Hoàng Công Lương đã lên tiếng phản bác và cho biết, bị cáo được biết bác sĩ Huyền đã có chứng chỉ hành nghề từ năm 2016 nên ngoài bản thân mình, bác sĩ Huyền cũng được quyền ra y lệnh độc lập.
Bị cáo Hoàng Công Lương trích dẫn về việc nếu không có chứng chỉ hành nghề phải có chữ ký kèm xác nhận của bác sĩ có chứng chỉ hành nghề... là đúng.
Nói về lời khai của bác sĩ Linh rằng xảy ra sự cố khoảng 2 đến 3 phút sau Lương mới có mặt, bị cáo Lương nói, đã thông báo cho bác sĩ Huyền và Linh và điều dưỡng Hằng là bị cáo di chuyển lên Đơn nguyên Hồi sức tích cực để đi buồng và nhận lịch trực. Khi bị cáo lên Đơn nguyên Hồi sức tích cực đã có lịch theo tháng. Lịch này do lãnh đạo khoa phân công. Lương nói không nhớ ai phân công vì có lịch cụ thể HĐXX có thể xem xét. Ngày 29/5/2017 khi đang trực ở Hồi sức tích cực thì được nhân viên báo qua máy bàn và bị cáo bảo dừng lọc máu lại và về ngay.
Tại phiên tòa sáng 19/1, trả lời câu hỏi của chủ tọa Nghiêm Hoài Anh về việc phân công nhiệm vụ cho lãnh đạo các khoa, phòng trong đơn vị, bị cáo Trương Quý Dương - cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) nói rằng, về nguyên tắc, về mặt tổ chức thì ban giám đốc quản lý đến phó khoa và điều dưỡng trưởng. Ví dụ trưởng khoa nghỉ một ngày phải báo cáo phó giám đốc bệnh viện. Phó khoa và điều dưỡng trưởng nghỉ 3 ngày phải báo cáo trưởng khoa hoặc phó giám đốc. Về công tác chuyên môn giao cho Trưởng khoa quyết định. Chỉ có vấn đề vượt quá khả năng thì mới phải báo cáo lãnh đạo bệnh viện. Ban giám đốc bệnh viện không can thiệp công việc của phó khoa. Trưởng khoa phải chịu trách nhiệm chuyên môn trước lãnh đạo bệnh viện. Bị cáo cũng không có quyền vì đã phân công cho trưởng khoa.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc giao ông Hoàng Đình Khiếu vị trí Phó giám đốc lẫn trưởng khoa có đảm bảo không? Với nhiều nhiệm vụ như vậy thì có đảm bảo ông Khiếu thực hiện nhiệm vụ như vậy không?, ông Trương Quý Dương cho biết, bị cáo Khiếu vẫn đảm bảo đảm đương và hoàn thành nhiệm vụ và ông Khiếu là người trong cuộc cũng không từ chối. Ông Dương cho rằng tiêu chuẩn bổ nhiệm Phó giám đốc thì dễ hơn tiêu chuẩn bổ nhiệm Trưởng khoa. Theo ông Dương đến thời điểm ông làm giám đốc thì chưa có ai đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức danh Trưởng khoa.
Theo bị cáo Trương Quý Dương, vì ông Khiếu có rất nhiều việc nhưng ông Khiếu có nói rằng công việc ở khoa "em đã ủy quyền cho phó khoa". Bị cáo đã tìm hiểu và biết như vậy dù không có văn bản chính thức. Bệnh viện cũng đã dự kiến đào tạo bác sĩ Hoàng Công Tình để kế thừa làm Trưởng khoa năm 2016-2017. Ông Dương cho biết, chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng trước thời điểm sự cố là bị cáo.
Trả lời câu hỏi truy vấn của chủ tọa về việc: “Với nhận thức của bị cáo, việc trang bị máy móc và con người tại Đơn nguyên thận có đảm bảo công tác lọc máu cho bệnh nhân được an toàn?”,
bị cáo Trương Quý Dương nói rằng, đến thời điểm xảy ra sự cố y khoa hôm 29/5/2017, trừ những yếu tố khách quan thì đã đảm bảo điều kiện cần thiết cho kỹ thuật chạy lọc máu.
Khi trả lời câu hỏi của HĐXX về chức trách, nhiệm vụ của phó khoa qua lời khai của hai bị cáo Dương và Khiếu, bác sĩ Hoàng Công Tình nói rằng, trong quy chế bệnh viện không có quy định của phó khoa mà chỉ có Trưởng khoa và điều dưỡng trưởng. Trong quyết định bổ nhiệm phó khoa ghi phó khoa chỉ làm việc dưới sự phân công của trưởng khoa.
“Từ khi tôi có quyết định làm phó khoa, tôi được phân công phụ trách chuyên môn ở đơn nguyên Hồi sức tích cực. Còn bác sĩ Nguyễn Đức Tiến phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Sau khi bác sĩ Tiến chuyển đi thì không rõ lãnh đạo bệnh viện phân công ai phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo”, ông Tình nói.
Trả lời HĐXX về lý do gì mà đơn nguyên thận lại không có người phụ trách khi đơn nguyên Hồi sức tích cực có?, bác sĩ Hoàng Công Tình cho biết: “trưởng khoa đã phân công bác sĩ xuống làm, còn việc phân công phụ trách là do trưởng khoa. Tôi chủ trì công việc ở đơn nguyên Hồi sức tích cực còn Đơn nguyên thận nhân tạo thì các bác sĩ và điều dưỡng hoạt động độc lập”.
Khi HĐXX đề cập đến việc buông lỏng quản lý ở đơn nguyên thận?, bác sĩ Tình cho rằng các bác sĩ đã đáp ứng được yêu cầu: "Tôi vừa đi học vừa đi làm và công việc Hồi sức tích cực rất nặng nề".
“Sự cố ngày 29/5 là một điều hết sức đáng tiếc. Tôi và cán bộ trong khoa đã làm hết sức, không có sai sót nào trong đó. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm lương tâm là đã không cứu chữa hết bệnh nhân, không có trách nhiệm gì khác, Chỉ tiếc là không cấp cứu được các bệnh nhân xấu số".”, ông Tình nói.
HĐXX đề nghị bác sĩ Tình đánh giá về trách nhiệm đối với hệ thống RO, người đứng ở bục dành cho người liên quan vụ án nói rằng ông chỉ được giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân ở Đơn nguyên hồi sức. Còn thiết bị, máy móc do Phòng vật tư và bên sửa chữa phụ trách.