Vụ cháu bé bị đánh ở Ciputra: Chủ tịch Hà Nội “gọi tên”, Trần Đức Hà “vào lò”?

Google News

(Kiến Thức) - Với vụ việc bé trai 12 tuổi bị đánh ở Ciputra việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội có công văn chỉ đạo CATP Hà Nội và Công an quận Bắc Từ Liêm xác minh làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật là điều dễ hiểu. Bởi vậy vụ việc này sẽ sớm có kết luận và có hình thức xử lý theo quy định pháp luật.

Diễn biến mới nhất vụ ông Trần Đức Hà (SN 1970, trú tại phòng 701, nhà L2, khu đô thị Ciputra (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị tố đánh một bé trai 12 tuổi đến chấn thương sọ não do nghi ngờ bé lấy vợt cầu lông của con trai mình, ngày 15/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Giám đốc CATP chỉ đạo Công an quận Bắc Từ Liêm và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan tổ chức xác minh, điều tra vụ việc nêu trên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định pháp luật.
Dư luận đặt câu hỏi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã “gọi tên”, khi nào Trần Đức Hà “vào lò?
Trao đổi với PV Kiến Thức liên quan đến diễn biến mới nhất vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, vụ việc ông Trần Đức Hà xông vào đánh đập, chửi bới, nhục mạ đứa trẻ 12 tuổi tại khu đô thị Ciputra khiến cháu bé chấn động não, nhập viện cấp cứu là một vụ việc nghiêm trọng.
Bởi vậy, việc cơ quan Cảnh sát điều tra công an quận Bắc Từ Liêm vào cuộc xác minh làm rõ sự việc và xử lý đối tượng này là có căn cứ pháp luật.
Đáng chú ý, sau khi xảy ra sự việc trên, ông Trần Đức Hà đã có những lời lẽ thách thức gia đình nạn nhân bởi vậy vụ việc càng trở nên trầm trọng.
Ngoài ra, người đàn ông này từng bị báo chí phanh phui về nhiều chuyện cá nhân trước đó... khiến dư luận bức xúc.
Bởi vậy, việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có công văn chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội và công an quận Bắc Từ Liêm xác minh làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật là điều dễ hiểu.
Vu chau be bi danh o Ciputra: Chu tich Ha Noi “goi ten”, Tran Duc Ha “vao lo”?
 Ông Trần Đức Hà và nơi xảy ra vụ việc.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo nội dung văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội thì chậm nhất 20/12 là cơ quan điều tra phải có trách nhiệm trả lời về nội dung vụ việc này.
Nếu đến thời điểm đó mà có kết quả giám định thương tích của nạn nhân thì dù tỷ lệ thương tích dưới 11 %, cơ quan điều tra công an quận Bắc từ liêm cũng sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý người đàn ông này theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội cố ý gây thương tích.
Nếu thương tích của nạn nhân dưới 11 % thì người đàn ông này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm.
Trường hợp thương tích của nạn nhân từ 11 % đến dưới 30% thì người đàn ông này phải đối mặt với mức hình phạt từ 2 năm đến 6 năm tù.
Luật sư Cường cho rằng, vụ việc này không những thể hiện hành vi côn đồ của người đàn ông mà còn thể hiện thủ đoạn rất tinh vi: Người đàn ông này không những chỉ đánh đập một đứa trẻ mới có 12 tuổi, vị trí đánh là những vùng trọng yếu trên cơ thể như vùng đầu, thái dương. Ngoài ra, người đàn ông này còn có hành vi đe dọa “sẽ bỏ tù đứa bé khi đủ 18 tuổi”, uy hiếp đe doạ đứa trẻ và bắt đứa trẻ này cầm vợt cầu lông để ghi hình làm bằng chứng uy hiếp tinh thần của đứa bé.
“Hành vi đánh đập gây thương tích thì có thể dễ dàng xác định được mức độ tổn hại qua thủ tục giám định. Tuy nhiên, hành vi đe dọa, uy hiếp, tinh thần, hành hạ đứa trẻ này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý. Những đau đớn về thể xác và uy hiếp về tinh thần hoàn toàn có thể khiến nạn nhân bị tổn hại sức khoẻ, sang chấn tâm lý, sẽ làm đứa trẻ hoảng loạn, sợ hãi, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và đời sống...”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Bởi vậy, khi báo chí phản ánh sự việc thì dư luận hết sức bức xúc, phẫn nộ. Hiệp hội bảo vệ quyền trẻ em cũng đã có văn bản yêu cầu cơ quan công an làm rõ và xử lý đối tượng đã đánh đập đứa trẻ, việc UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu cơ quan điều tra xem xét xử lý là hoàn toàn dễ hiểu, có căn cứ, đúng thẩm quyền. Bởi vậy vụ việc này sẽ sớm có kết luận và có hình thức xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho biết, Bộ luật tố tụng hình sự quy định thời gian xác minh tin báo tố giác tội phạm là không quá 20 ngày, vụ việc phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá hai tháng.
Bởi vậy, vụ việc xảy ra đến nay đã hơn một tháng, có lẽ cơ quan điều tra đã tiến hành trưng cầu giám định thương tích của nạn nhân, chỉ cần có kết quả giám định thương tích là có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý đối tượng này theo quy định pháp luật.
“Trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự lên án mạnh mẽ của dư luận xã hội thì có lẽ đến 20/12 cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Bắc Từ Liêm sẽ có kết luận và trả lời thỏa đáng về vụ việc này”, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho biết, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và cả Công ước quốc tế bảo vệ.
Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Tại điều 27 Luật trẻ em 2016 quy định về quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Do vậy, xét hành vi của ông Hà thấy chỉ vì nghi ngờ cháu lấy vợt cầu lông của con nên đã túm cổ cháu N.A, đấm thẳng vào thái dương trái, phải, ngực và đá vào chân cháu. Đáng lẽ ra, với tư cách là người lớn tuổi, cũng là cha có con nhỏ thì ông Hà phải nói chuyện với bố mẹ cháu để tìm hiểu sự việc nhưng đáng tiếc lại sử dụng vũ lực đánh cháu bé một cách dã man, tàn bạo như vậy là không thể chấp nhận được kể cả về đạo đức xã hội và pháp luật.
“Với hậu quả cháu bé chuẩn đoán bị chấn động não và chấn thương phần mềm vùng ngực thì ông Hà sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cháu bé”, Luật sư Thơm cho biết.
Luật sư Thơm cho rằng, để có căn cứ xử lý vụ việc, Cơ quan điều tra cần trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích của cháu bé theo quy định của pháp luật.
Nếu kết quả giám định tỷ lệ thương tích cho thấy các chấn thương vùng đầu (sọ não) là nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng cháu bé thì ông Hà sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Giết người được quy định tại điểm b, n Khoản 1 Điều 123 BLHS.
Trường hợp kết quả giám định tỷ lệ thương tích của cháu bé không nguy hiểm đến tính mạng hoặc không nghiêm trọng dưới 11% thì ông Hà cũng phải chịu trách nhiệm về tội Cố ý gây thương tích theo điểm c, i Khoản 1 Điều 134 BLHS.
Trường hợp cháu bé bị hành hung chỉ bị chấn thương phần mềm, không gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, không có tỷ lệ thương tật (0%) thì ông Hà sẽ phải xử lý bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 167/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi “Xâm hại đến sức khỏe của người khác”.
Ngoài việc xử lý hành vi hành hung cháu, ông Hà còn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ các chi phí khám chữa bệnh, bồi bổ cơ thể, tổn hại tinh thần và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác theo quy định của Bộ luật dân sự.
>>> Mời độc giả xem video Vì chiếc vợt cầu lông, bé trai bị hàng xóm hành hung gây chấn động não:

Nguồn VTC 14.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)