Mới đây, tại phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và các bị cáo vụ chạy thận 9 người chết ở Hòa Bình chiều ngày 19/1, luật sư Phạm Quang Hưng bất ngờ đề nghị HĐXX tạm dừng để cung cấp chứng cứ vật chất về hành vi đầu độc giết người trong vụ án. Vị Luật sư khi đó đề nghị tắt tivi tại phòng báo chí truyền thông tin với bên ngoài để “ngăn” thông tin này lọt ra ngoài và cung cấp riêng cho HĐXX, cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát.
Trước đề nghị của luật sư, HĐXX đã phải dừng để thảo luận việc tiếp nhận chứng cứ theo đề nghị của luật sư nhưng chủ tọa nhắc nhở, nếu không có chứng cứ thì việc làm của ông Hưng có khả năng trở thành hành vi cản trở việc xét xử. Người cản trở phải chịu trách nhiệm.
|
Phiên tòa xét xử vụ chạy thận Hòa Bình. |
Tại phiên tòa sáng 21/1, sau khi HĐXX thảo luận và làm các thủ tục tiếp nhận chứng cứ mới do luật sư Phạm Quang Hưng cung cấp và cho rằng có sự đầu độc có sự tham gia chứng kiến của đại diện Viện Kiểm sát, luật sư không cung cấp chứng cứ gì mà chỉ đưa bản đề nghị xem xét dựa trên suy luận cho rằng nguyên nhân gây chết người là do nguyên nhân khác. "Hoàn toàn không có chứng cứ gì mới, các tài liệu mà luật sư cung cấp đã có trong hồ sơ vụ án”, chủ tọa công bố.
HĐXX thấy rằng các tài liệu chứng cứ để luật sư cung cấp đều đã có trong hồ sơ vụ án, tòa cũng lưu ý các luật sư để tránh việc xét xử bị gián đoạn, các luật sư có quyền cung cấp tài liệu để HĐXX xem xét một cách khách quan và toàn diện.
Bà Bùi Thị Thu Hằng - đại diện VKS cho rằng, qua kiểm tra đánh giá nội dung này, VKS thấy rằng luật sư Hưng chỉ có bản đề nghị xem xét lại hướng điều tra vụ án, đây là quan điểm và phân tích mang tính cá nhân của luật sư.
“VKS xác định việc này gây ảnh hưởng đến phiên tòa, dẫn đến cơ quan báo chí và dư luận hiểu sai về vụ án. Do đó, VKS đề nghị HĐXX xử lý đối với luật sư Phạm Quang Hưng”, đại diện Viện kiểm sát cho biết.
Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định tại Điều 86 - Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015, thì chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Theo đó, thì chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác. Luật cũng quy định những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
Người bào chữa thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
Tùy từng giai đoạn tố tụng, khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bào chữa phải kịp thời giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án. Việc giao, nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được lập biên bản theo quy định.
Từ đó, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, việc luật sư Phạm Quang Hưng không cung cấp chứng cứ gì mà chỉ đưa ra bản đề nghị xem xét dựa trên suy luận cho rằng nguyên nhân gây chết người là do nguyên nhân khác như đầu độc chẳng hạn thì không được xem là chứng cứ mà có thể điều này sẽ được trình bày trong phần luận cứ bào chữa của mình để Hội đồng xét xử xem xét.
“Đối chiếu với quy định tại Điều 466 - Bộ luật tố tụng Hình sự thì hành vi của Luật sư Hưng không thuộc vào các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”, Luật sư Bình cho biết.
Điều 466. Xử lý người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ mức độ vi phạm có thể bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp giải, dẫn giải, phạt cảnh cáo, phạt tiền, tạm giữ hành chính, buộc khắc phục hậu quả hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật:
1. Làm giả, hủy hoại chứng cứ gây trở ngại cho việc giải quyết vụ việc, vụ án;
2. Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật;
3. Từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu, đồ vật;
4. Người giám định, người định giá tài sản kết luận gian dối hoặc từ chối kết luận giám định, định giá tài sản mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
5. Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối;
6. Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại khai báo gian dối;
7. Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định, người định giá tài sản thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định, người định giá tài sản kết luận sai với sự thật khách quan;
8. Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch, người dịch thuật thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch, người dịch thuật dịch gian dối;
9. Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia tố tụng;
10. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đe doạ, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
11. Đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng;
12. Ngăn cản việc cấp, giao, nhận hoặc thông báo văn bản tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.