Những ngày qua, tại TP Thái Bình (Thái Bình) dư luận và người dân nơi đây chưa hết bàng hoàng vì vụ việc cháu bé bị đầu độc và bà nội cháu là người có liên quan. Cho đến nay, người bà nội vẫn đang bị cơ quan Công an TP Thái Bình tạm giữ, nguyên nhân chính thức về vụ việc chưa được thông tin.
Những người trong cuộc đã và đang phải chịu những áp lực tâm lý nào xung quanh câu chuyện đáng tiếc này.
Trước những thông tin chưa được làm rõ, nhóm Phóng viên Pháp luật Plus đã về TP Thái Bình để được tiếp xúc với bố mẹ cháu bé, lắng nghe ngọn nguồn câu chuyện.
Thái Bình hôm nay bầu trời u ám, những cơn mưa đeo đuổi chúng tôi từ Hà Nội về Thái Bình, như chính tâm trạng của những người trong cuộc đang tìm lối thoát, tìm sự thật.
Bước vào ngôi nhà nhỏ, chúng tôi gặp vợ chồng chị Trần Thu Trang và anh Lê Thanh Duy, là bố mẹ của bé L.T.D.M - cháu bé 11 tháng tuổi đang được mạng xã hội, truyền thông gần đây đưa tin bị chính bà nội đầu độc bằng thuốc chuột khi thông tin chính thức chưa được cơ quan chức năng thông tin.
Sâu trong ánh mắt của người phụ nữ kia là sự mệt mỏi vì dư luận, sự mệt mỏi về thể xác và lý trí, khi những ngày qua phải chịu đựng một áp lực nặng nề. Giãi bày với chúng tôi, chị Trần Thu Trang (con dâu của bà Chử Thị Mỹ L.) chia sẻ: “Cho đến giờ phút này, chưa bao giờ tôi nghĩ mẹ chồng tôi lại làm điều ác với cháu nội. Tôi tin bà không bao giờ làm như vậy. Bởi kể từ ngày tôi về làm dâu trong gia đình thì tôi nhận thấy mẹ chồng tôi là người phụ nữ hết mực thương chồng, thương con. Luôn tận tình, chu đáo, hy sinh vì chồng, vì con. Tôi được mẹ dành cho tình thương như con đẻ của mẹ, được mẹ dạy bảo, lo lắng, chăm sóc ân cần.
Ngay từ khi tôi mang thai bé M. được khoảng 22 tuần thì gia đình tôi đã phát hiện bé bị sứt môi, hở hàm ếch và có dấu hiệu của một thai nhi không bình thường nhưng mẹ tôi chính là người động viên, ủng hộ tinh thần cho chúng tôi tiếp tục giữ lại thai nhi và cho bé được làm người. Mẹ tôi tận tình theo dõi, săn sóc tôi trong suốt thời gian mang thai, chạy đôn đáo khắp nơi, lo lắng khám, theo dõi tiến triển tình hình của thai nhi đến mất ăn, mất ngủ.
|
Chị Trần Thu Trang - mẹ của bé L.T.D.M 11 11 tháng tuổi. |
Khi tôi sinh con – một đứa con mới ra đời bị hở hàm ếch, đa dị tật và bại não thì chính mẹ chồng tôi là người ở bên tôi đầu tiên để động viên, an ủi vì lo lắng cho tôi bị sốc hoặc có suy nghĩ, hành động tiêu cực. Rồi mẹ lo từ phòng bệnh, tắm cho bé đến đồ ăn, thức uống, ân cần dạy bảo vợ chồng tôi cách chăm bẵm con mới sinh. Gần như thời gian này, chẳng lúc nào thấy mẹ tôi dời mắt khỏi mẹ con tôi. Ở gần mẹ, tôi thấy yên tâm vô cùng.
Quá trình chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh kém may mắn như con tôi vô cùng gian nan, vất vả, gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng mẹ luôn là chỗ dựa tin cậy của vợ chồng tôi. Mẹ là người lo lắng nhất, hao tổn tâm sức nhất nhưng chưa bao giờ thấy mẹ tôi phàn nàn, kêu ca một điều gì.
Khoảng thời gian từ khi tôi sinh bé M. (16/9/2019) cho đến gần tết Âm lịch năm 2020 đều sống ở Hà Nội thì cũng là khoảng thời gian mẹ tôi phải đi lại từ Thái Bình lên Hà Nội để chăm bé M. Bà phải nghỉ làm cơ quan, bỏ phòng khám, hy sinh thời gian, công sức để ở chăm nom cháu một tuần 3 ngày. Thời kỳ đầu gần như chỉ một mình mẹ tôi mới có thể chăm, cho bé ăn, sau đó dần dần bà hướng dẫn vợ chồng tôi, hướng dẫn bà ngoại kỹ thuật chăm sóc cho bé để san sẻ với bà.
Cũng thời gian này, cứ rảnh là bà lại bố trí lên Hà Nội chăm sóc tôi; bà bỏ hết các thú vui thường ngày, bỏ thể dục, bỏ các chuyến du lịch, bỏ các hoạt động ngoại khóa, bỏ cả công việc phòng khám để dồn tâm trí lo lắng cho cháu. Bà đi nhiều nơi, liên hệ nhiều chỗ, học, đọc nhiều sách báo, tham khảo nhiều người để mong tìm thầy, tìm thuốc chữa trị cho cháu.
Rồi đến thời gian từ Tết Âm lịch 2020 đến nay, vợ chồng tôi chuyển hẳn về quê ở cùng với mẹ thì mẹ lại càng bận rộn hơn với cháu nội. Hàng ngày bà thức từ 3h – 6h sáng để trông tôi cho hai vợ chồng ngủ, rồi lại tất bật đi làm cơ quan. Trưa đến lại tranh thủ chạy về nhìn cháu rồi lại đi.
Hai vợ chồng tôi bỏ hết công việc chỉ để thay nhau chăm sóc cho con, phải trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình nhưng mẹ tôi cũng không hề phàn nàn một tiếng, trái lại luôn động viên, an ủi và luôn luôn cưng nựng cháu. Tôi rất thương mẹ tôi, tôi chỉ muốn làm gì cho mẹ đỡ gánh nặng hơn, nhiều lúc tôi thấy bị stress, mệt mỏi thậm chí nghe được những lời nói ác ý của người khác rằng “gia đình sống thế nào mà phải chịu nghiệp như vậy” thì tôi thấy buồn lắm nhưng chính mẹ đã kịp thời động viên và dạy tôi biết dùng tình thương con để đạp lên miệng tiếng người đời.
|
Phòng khám của bà Chử Thị Mỹ L. tại Thái Bình. |
Tôi vô cùng biết ơn và khâm phục mẹ, mặc dù chính tôi cũng nhận thấy rằng bản thân mẹ tôi cũng phải gánh chịu những áp lực chẳng kém gì tôi, thậm chí tôi chứng kiến mấy tháng gần đây, mẹ tôi ngày nào cũng phải dùng thuốc ngủ mới ngủ được. Có hôm có bác gái bạn mẹ dắt tôi đến nhà chơi với mẹ tôi, nhờ mẹ tôi chụp ảnh up lên facebook, tôi vô tình cảm nhận được nỗi đau của mẹ tôi (chính tôi cũng gặp phải: người ta thì khoe con, khoe cháu nhưng mình thì không dám).
Còn có lúc tôi thấy chạnh lòng khi bạn đồng nghiệp của tôi trước làm cùng với tôi tại cơ quan, cùng vị trí như tôi, cùng vào làm với tôi giờ đã lên Trưởng phòng còn tôi giờ thì ở nhà trông con nhưng mẹ liền khuyên bảo tôi rằng: công việc thì lúc nọ lúc kia, có thiếu gì cơ hội đâu con. Thương chồng tôi bị bệnh tim, thường xuyên đau thắt ngực lại có tiền sử xuất huyết dạ dày nên mẹ tôi không quản thời gian nào, cứ rảnh là mẹ lại giành hết việc của chồng tôi: từ việc quét nhà, nấu cơm, đặc biệt là trông nom, chăm sóc cháu nội cho con có thời gian ngủ, nghỉ, ăn uống điều độ…
Tôi còn quá nhiều những hình ảnh, những tình cảm về mẹ chồng tôi mà tôi không thể diễn tả hết, không biết diễn tả như thế nào, không biết bắt đầu từ đâu, kết thúc như thế nào. Một người mẹ như thế, một người hết lòng hy sinh, chịu đựng như thế, một người giàu tình thương như thế, nhân đạo nhân văn như thế, không nỡ bỏ tôi khi còn là thai nhi dị tật, không bình thường như thế thì sao có thể nhẫn tâm đầu độc cháu nội mình như mạng xã hội thêu dệt như vậy được?
Vợ chồng tôi nhận thấy mẹ tôi không thể có hành vi giết người, mà lại giết chính cháu nội mà mẹ yêu thương nhất mực. Hơn nữa, gần đây mẹ tôi lao lực vất vả chăm sóc cháu M, uống thuốc ngủ triền miên, có dấu hiệu mệt mỏi, stress nặng, nếu để bị giam giữ lâu sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của mẹ. Vợ chồng tôi thương mẹ vô cùng”.
Trong những ngày qua, dư luận xã hội trên cả nước khi tiếp nhận thông tin tại TP Thái Bình đã tỏ ra không hài lòng, trong khi thông tin sức khoẻ cháu bé cũng chưa được tiếp nhận cụ thể.
Trả lời Pháp luật Plus sáng 6/8, chị Trần Thu Trang cho biết: “Sáng nay, và sáng hôm qua (5/8), các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi tỉnh Thái Bình cho biết sức khoẻ cháu M. tiến triển tốt, cháu mỉm cười và đùa với bố/mẹ nhiều. Tôi hi vọng, cháu sẽ được ra viện sớm và trở về nhà với gia đình”.
Như Pháp luật Plus đã thông tin, Thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình ngày 4/8 cho biết qua tin tố giác tội phạm và căn cứ kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ đối với Chử Thị Mỹ L. (51 tuổi, trú tại thôn Tú Linh, xã Tân Bình, TP Thái Bình) để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "giết người" quy định tại điều 123 Bộ Luật hình sự.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục cập nhật.