Vụ án Thuduc House: Cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM khai gì?

Google News

Cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM khai, luôn làm theo lương tâm và trách nhiệm, không có vụ lợi nhưng do việc nhiều, họp hành triền miên dẫn đến mắc một số sai sót chủ quan.

Ngày 9/6, TAND TPHCM tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), Cục thuế TP HCM và các đơn vị có liên quan.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM thừa nhận hành vi “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” như cáo trạng truy tố.
Trả lời HĐXX, bị cáo Hạnh nói rằng, trong giải quyết công việc, bản thân luôn làm theo lương tâm và trách nhiệm, không có vụ lợi nhưng do việc nhiều, họp hành triền miên đã khiến cho bà mắc một số sai sót chủ quan. Bị cáo Hạnh mong được HĐXX xem xét, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Vu an Thuduc House: Cuu Pho cuc truong Cuc Thue TP HCM khai gi?
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh tại tòa. (Ảnh: CAND)
Cáo trạng xác định, bà Hạnh cùng các thuộc cấp đã buông lỏng quản lý, thực hiện không đúng quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) dẫn đến hoàn thuế trái quy định 365 tỷ đồng cho Thuduc House.
Với cương vị là Phó Cục trưởng, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh đã “bỏ qua” việc chỉ đạo các bộ phận tiến hành xác minh, đồng thời bà cũng “bỏ qua” việc chỉ đạo trao đổi giải quyết giữa các bộ phận khi có ý kiến chưa thống nhất, “bỏ qua” các dấu hiệu rủi ro, không chỉ đạo kiểm tra, thanh tra kịp thời, không chờ kết luận thanh tra, kiểm tra để quyết định việc hoàn thuế. Bà Hạnh đã trực tiếp ký duyệt 14 phiếu đề xuất hoàn thuế, 15 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng và 15 lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách cho Thuduc House, gây thất thoát số tiền hơn 331 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bà Hạnh đã thừa nhận thiếu sót, không thực hiện đúng các quy định, quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Trước đó, là bị cáo đầu tiên trong số 15 bị cáo cựu cán bộ Cục Thuế TPHCM bị xét hỏi, bị cáo Nguyễn Hòa Bình, cựu cán bộ phòng Phòng Kê khai kế toán thuế, Cục Thuế TPHCM cho biết, theo quy định, Phòng Kê khai kế toán thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House – trường hợp này là nộp hồ sơ qua mạng, hoàn thuế điện tử. Theo các tiêu chí rủi ro về thuế, hồ sơ của Thuduc House được phân loại thuộc diện hoàn trước, kiểm tra sau.
Trả lời câu hỏi về việc số thuế hoàn tăng cao đột biến có phải là một yếu tố rủi ro cao? Bình nói rằng, theo quy định trường hợp này không phải rủi ro cao, mà thuế hoàn tăng đột biến vẫn được hoàn trước nhưng buộc phải kiểm tra trong vòng 1 năm sau quyết định hoàn thuế.
Theo bị cáo Bình, khi chưa có kết quả thanh tra kiểm tra, bị cáo chưa có cơ sở pháp lý nào để đề xuất dừng lại việc hoàn thuế. Theo bị cáo này, kiểm tra hồ sơ thấy Thuduc House đã được kiểm trước, hoàn sau trong hai kỳ hoàn thuế trước đó, nhưng không phát hiện gian lận.
“Là công chức, đã được phân công công việc thì phải thực hiện. Hồ sơ Thuduc House là hồ sơ hoàn trước, kiểm sau. Nếu không đủ cơ sở để dừng việc hoàn thuế mà lại đề xuất như vậy, thì sẽ bị chế tài về công vụ và ngay chính người nộp thuế có thể khiếu nại về việc chậm hoàn và phải tính tiền phạt chậm hoàn”, bị cáo Bình nói.
Theo cáo trạng, Bình là người trực tiếp nghiên cứu, đề xuất hoàn thuế 15 kỳ hoàn thuế trước, kiểm tra sau (từ tháng 4/2018 đến tháng 6/2019); lập, ký 15 phiếu đề xuất hoàn thuế trái quy định, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 331 tỷ đồng, phạm vào tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Lê Thúy Hằng, cựu công chức Phòng nghiệp vụ dự toán pháp chế, người trực tiếp thẩm định 3 phiếu đề xuất hoàn thuế kỳ tháng 4/2019 đến tháng 6/2019 cho Thuduc House (3 kỳ hoàn thuế này có số tiền 162 tỷ đồng) cho biết, thẩm định dựa trên đề xuất của Phòng kê khai, 3 lần thẩm định, bị cáo nhận thấy Phòng kê khai đã đưa 2 dấu hiệu rủi ro, là hồ sơ có hoàn thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại và có số thuế hoàn tăng đột biến.
Về số thuế hoàn tăng đột biến, doanh nghiệp đã giải trình là do tăng thêm các hợp đồng ký kết và nội dung giải trình được Phòng kê khai kế toán thuế chấp thuận. Lúc đó bị cáo nhận thức với hai dấu hiệu này. “Phòng kê khai đã nhận định là rủi ro, nhưng lại thuộc trường hợp kiểm tra sau hoàn thuế 1 năm. Về pháp lý như vậy là đúng quy định. Nhưng thời điểm này nhìn lại bị cáo thấy mình đã rất chủ quan. Lẽ ra bị cáo nên đề xuất lãnh đạo phòng để có biện pháp cứng rắn hơn. Bị cáo thấy trách nhiệm của mình và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật”, bị cáo Hằng cho biết.
Theo cáo trạng, Thuduc House là cơ sở kinh doanh thương mại có hoạt động xuất khẩu qua đất liền và có sự thay đổi bất thường về doanh thu tính thuế, có số thuế hoàn tăng đột biến (trên 20% so với cùng kỳ năm trước); doanh nghiệp có cùng mức thuế suất thuế GTGT đầu vào và đầu ra đề nghị hoàn; doanh nghiệp bên mua và doanh nghiệp bên bán có cùng chủ sở hữu, quan hệ liên kết. Đây là các dấu hiệu rủi ro cao phải thực hiện kiểm tra 100% trước khi hoàn thuế theo quy định. Nhưng các quy trình đã không được thực hiện đúng, dẫn đến thiệt hại hơn 331 tỷ đồng tiền thuế GTGT cho Nhà nước.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đang xét xử “hotgirl” Tina Dương, ngoại hình thay đổi gây chú ý
  
Tâm Đức tổng hợp

>> xem thêm

Bình luận(0)