Trao đổi với
Kiến Thức xung quanh vụ việc
2 Việt kiều bị tạt axít, cắt gân chân khi về quê ăn Tết gây xôn xao dư luận, các luật sư, chuyên gia pháp luật đã có những phân tích, nhận định về diễn tiến tiếp theo của vụ án.
Trước đó, anh võ Duy Nghiêm (26 tuổi, quê ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi - quốc tịch Canada) khi đang đi chơi Tết ở quê với bạn gái là Nguyễn Thị Ngọc Trâm (26 tuổi - quốc tịch Canada) vào tối 9/2 (tức mùng 5 tết) thì bị 2 đối tượng tạt axít, cắt gân chân.
|
Anh võ Duy Nghiêm, nạn nhân của vụ việc. |
Sau khi công an vào cuộc, anh Nghiêm cho biết trước đó có mâu thuẫn gay gắt với anh trai ruột là Võ Duy Hoàng (cũng quốc tịch Canada). Nhận định Hoàng có liên quan đến vụ việc, có thể là chủ mưu vụ án, cơ quan chức năng tiến hành cấm xuất cảnh với Hoàng nhưng nghi can này đã bay về Canada.
Nghi can trốn sang nước ngoài xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, vụ án đang điều tra, cơ quan điều tra đang vận dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu thập các chứng cứ chứng minh, tìm ra thủ phạm và chủ mưu thực sự, dư luận không thể suy đoán một cách cảm tính.
Giả sử người bị buộc tội là anh trai của nạn nhân, thì về nguyên tắc người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Luật sư Bình nhấn mạnh: Bộ luật Hình sự Việt Nam được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (kể cả người nước ngoài qua Việt Nam phạm tội).
Như vậy, trong trường hợp đối tượng bị cơ quan điều tra khởi tố bắt giam nhưng bỏ trốn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, cơ quan điều tra sẽ gửi Lệnh truy nã này đến Văn phòng Interpol Việt Nam. Đây là cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm của lực lượng cảnh sát Việt Nam với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Khi đó, văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Interpol quốc tế ra thông báo truy nã quốc tế với bị can.
Theo các nguyên tắc hoạt động của Interpol, dẫn độ tội phạm được thực hiện theo các Điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương về thủ tục dẫn độ tội phạm.
|
Anh Nghiêm và chị Trâm trước thời điểm bị tạt a xít. (Ảnh facebook nhân vật) |
Ngoài ra, thông qua con đường ngoại giao, chúng ta có thể thông báo, đề nghị quốc gia nơi đối tượng truy nã đang trốn phối hợp thực hiện việc bắt giữ để dẫn độ về nước xử lý.
Theo luật sư Bình, trong trường hợp đối tượng tạt axít, cắt gân chân Việt kiều nói trên, bỏ trốn sang quốc gia mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương liên quan đến việc dẫn độ, thông qua con đường ngoại giao chúng ta có thể đề nghị nước bạn bắt giữ đối tượng truy nã để dẫn độ về Việt Nam xử lý.
Do không có cơ sở pháp lý trực tiếp nên cơ quan chức năng hai nước sẽ đàm phán, thỏa thuận chi tiết việc bắt giữ, dẫn độ đối tượng truy nã trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật mỗi nước và pháp luật quốc tế.
Khó truy tố tội “Giết người”
Luật sư Bình nhận định, vụ việc này khó có thể truy tố các đối tượng tội “Giết người”, bởi thực tế, từ trước tới nay rất ít trường hợp những đối tượng gây án bằng axít bị truy tố tội “Giết người”.
“Chỉ khi nào đối tượng có hành vi dùng lượng axít lớn, nồng độ cao và tạt vào những vùng trọng yếu trên cơ thể như đầu, mặt; phạm tội quyết liệt nhằm cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân mới có thể xử lý tội Giết người.
Tuy nhiên, hành vi của các đối tượng đã đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điểm d, Khoản 4, Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này (dùng axít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm)”, luật sư Bình phân tích.
Việt Nam chưa ký Hiệp định tương trợ pháp lý với Canada
Cong luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tại Điều 5 Bộ luật hình sự 2015 quy định: "Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao."
Theo quy định này, chỉ người nước ngoài thuộc đối tượng hưởng quyền miễn trừ ngoại giao thì mới không bị xử lý hình sự theo pháp luật Việt Nam. Còn người nước ngoài không thuộc đối tượng này nếu phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam vẫn bị xử lý hình sự như người Việt Nam phạm tội.
Trên thực tế rất nhiều người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam đã bị xử lý hình sự, thậm chí là lĩnh mức án Tử hình. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là nghi phạm quốc tịch Canada được xác định gây ra thương tích cho anh Nghiêm đã rời khỏi Việt Nam và sang Canada.
Được biết, hiện nay giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Canada chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta không thể yêu cầu Chính phủ Canada dẫn độ nghi phạm từ Canada trở về Việt Nam để giải quyết theo trình tự pháp luật Việt Nam.
Đến thời điểm này, mới chỉ có một số quốc gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Việt Nam, như Cu Ba, Hunggari, Bungari, Ba Lan, Lào, Nga, Trung Quốc, Ucraina, Mông Cổ, Bê la rút, Triều Tiên.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc công ty luật Đại Nam) có cùng ý kiến của các luật sư đồng nghiệp, "trong trường hợp nghi can có quốc tịch nước ngoài nhưng gây án trên lãnh thổ Việt Nam vẫn bị xử lý theo các quy định pháp luật."
Luật sư Tuấn phân tích thêm, trong vụ việc 2 Việt kiều bị tạt axít, cắt gân chân, nếu Việt Nam và Canada có văn bản hợp tác trong việc dẫn độ tội phạm thì việc xử lý sẽ được tiến hành theo quy định của các văn bản 2 bên đã ký.
Còn nếu trường hợp ta chưa ký kết hiệp định hợp tác hoặc dẫn độ tội phạm thì khi phát hiện công dân của nước họ phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không còn có mặt trên lãnh thổ Việt Nam nữa thì rất khó xử lý. Đây cũng là khe hở mà tội phạm quốc tế luôn lợi dụng.