VTV “đấu tố” MC Phan Anh: “Khách mời đều là diễn viên“

Google News

(Kiến Thức) - Về vụ việc VTV "đấu tố" MC Phan Anh, có ý kiến cho rằng, những chương trình kiểu này có thể xem như một show diễn, trong đó mỗi khách mời đều là diễn viên.

Chương trình 60 phút mở của VTV với chủ đề "Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?” phát sóng vào tối 29/5 đang gây xôn xao dư luận, tạo nhiều ý kiến tranh luận trái chiều về nội dung chương trình khi VTV "đấu tố" MC Phan Anh. MC Phan Anh là người chia sẻ clip thực nghiệm cá chết của VTC, clip này sau đó được xác định là dàn dựng có chủ đích, không đúng sự thật.
Nhiều ý kiến băn khoăn về động cơ của chương trình và VTV khi đưa clip hai con cá chết của VTC làm minh chứng để đấu tố MC Phan Anh. Trong khi bản thân VTV cũng dính hàng loạt bê bối như clip "Cây chổi quét rau" mới đây được PV dàn dựng, sai sự thật, làm ảnh hưởng đến nhiều người nông dân trồng rau.
 MC Phan Anh trong chương trình 60 phút mở, chủ đề "chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì".
Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS Văn Như Cương nhận định: "Đây là chương trình mở, các chuyên gia có thể đưa ra ý kiến của mình về vấn đề chia sẻ trên mạng xã hội. Mục đích của chương trình là họ phê phán chuyện đưa tin sai sự thật và chia sẻ thông tin lên mạng xã hội sai sự thật để mọi người có thể tham khảo, tránh vi phạm pháp luật. Chương trình mới đây với chủ đề "Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?” cũng mang tính chất tuyên truyền giáo dục cộng đồng mạng như vậy.
Thời gian qua, không ít những thông tin sai sự thật được đưa lên mạng xã hội như việc nhiều người chia sẻ hình ảnh cá biển chết được ghi ở nước ngoài để minh họa cho cá chết 4 tỉnh miền Trung. Hay ngay như trong sáng 30/5, mạng xã hội có đưa hình ảnh bôi xấu người công an rồi người ta vào chia sẻ, bình luận khi thông tin chưa rõ ràng. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có hai mặt tốt - xấu. Với những thông tin chia sẻ chưa chính xác, cần có biện pháp, một mặt phải tuyên truyền giáo dục, mặt khác phải có biện pháp khắc phục. Có người đưa ý kiến cực đoan là cấm hẳn mạng xã hội Facebook thì cũng không nên.
Bên cạnh đó, người dùng mạng xã hội khi chia sẻ thông tin nào cũng cần đánh giá, thẩm định độ đúng sai của thông tin. Như vụ clip "Cây chổi quét rau" một PV lại nhờ người quét và ghi hình thì vô lý quá, người ta không tin đó có phải sự thật không hay là do anh bố trí nên nhiều người vẫn chia sẻ. Bên cạnh đó, có nhiều thông tin đưa lên mạng xã hội mà chưa qua thẩm định như việc có một anh đi đổ cột bê tông cột điện ở Nam Định. Khi phát hiện sai phạm anh ta đưa lên mạng nhiều người mới biết. Và sau đó, các cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu thì thông tin anh ta đưa lên mạng xã hội là hoàn toàn chính xác", PGS Văn Như Cương nêu ý kiến.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) nhìn nhận, việc chương trình đưa clip hai con cá chết của VTC làm minh chứng đây là câu chuyện đạo đức hành nghề báo chí. Mở rộng thêm ở góc độ luật pháp, chúng ta cần quan tâm xem người chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội thì có phải chịu trách nhiệm như thế nào?
"Nếu người dùng mạng xã hội chia sẻ thông tin lên mạng từ các tờ báo thì không phải chịu trách nhiệm gì cả trước pháp luật. Người ta chia sẻ lên trang cá nhân, Facebook chỉ hỏi "Bạn đang nghĩ gì? Chứ không hỏi "bạn muốn chia sẻ gì?". Ví như tôi dùng Facebook, tôi hay chia sẻ bài báo lên tường để đơn thuần là lưu lại . Ít ra tôi sẽ tìm lại bài báo ấy trên tường nhà dễ hơn là tìm trên các báo kia. Như hôm nay VTC có bài hay tôi thích thú sẽ chia sẻ về tường nhà để lưu lại đó, vì tôi trả lời cho câu hỏi của FB "bạn nghĩ gì?" bằng cách tôi nghĩ bài này hay. Ví dụ, MC Phan Anh chia sẻ clip hai con cá chết từ báo chính thống đưa tin thì mới share chứ có share bài báo không rõ nguồn đâu, phạt VTC vì đưa thông tin sai sự thật trong clip thì cứ phạt. Chứ MC Phan Anh chia sẻ mà uy tín Phan Anh có giảm do chia sẻ thông tin sai thì tự Phan Anh phải chịu", Luật sư Truyền cho biết,
"Tuy nhiên, khi chia sẻ mà vi phạm thuần phong mỹ tục đã có pháp luật xử lý. Nếu share thông tin sai thì phải chứng minh và có quyền kiện đòi bồi thường nếu việc share đó làm phương hại đến ai", Luật sư Truyền nhìn nhận.
Luật sư Truyền dẫn giải một số quy định của pháp luật như khoản 1 Điều 9 Luật Công nghệ thông tin 2006 có quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin như sau: “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin số của mình trên môi trường mạng”. Điểm d Khoản 2 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin cũng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, đó là: “Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân”. Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: “3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;” Thậm chí, nếu việc chia sẻ thông tin sai sự thật lan tỏa đến nhiều người, gây hậu quả lớn thì căn cứ vào mức độ lỗi, thiệt hại và tính chất nghiêm trọng của sự việc mà người dùng mạng xã hội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo Điều 226 Bộ luật Hình sự, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.
"Luật quy định vậy đấy những để xử lý được sẽ là phi thực tế", Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết.
Liên quan đến chương trình 60 phút mở với chủ đề “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?” của VTV “đấu tố” MC Phan Anh gây bão, nêu ý kiến trên báo chí, nhà báo Lê Hồng Kỹ cho rằng: “Việc nghiên cứu, bàn luận về tâm lý, hành vi của người dùng mạng xã hội là một đề tài thú vị và rất "thời sự". Tuy nhiên, việc lựa chọn dẫn chứng như chương trình "60 phút mở" để gán với cái gọi là "tâm lý bầy đàn", "lên đồng tập thể" theo tôi là chưa thuyết phục”.
"Clip mà MC Phan Anh chia sẻ là clip được phát trên một kênh truyền hình chính thống, tức là thông tin đã được sàng lọc, kiểm duyệt bởi các khâu biên tập của đài. Sau đó, thông tin có thể được chứng minh là không đúng sự thật, thì đó là trách nhiệm trước pháp luật của cơ quan xuất bản, phát sóng chứ không phải là trách nhiệm của người chia sẻ”, nhà báo Lê Hồng Kỹ nêu ý kiến trên báo Infonet.
Nhà báo Lê Hồng Kỹ đánh giá: "Nhiều chương trình đối thoại, tranh luận, các khách mời có thể tấn công nhau trực diện, đấy cũng là cách tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút cho chương trình. Những chương trình kiểu này có thể được hiểu như một show diễn, trong đó mỗi khách mời đều là diễn viên”.
Hải Ninh

Bình luận(0)