Công an phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn tố cáo võ sư Nguyễn Xuân Vinh có hành vi đánh vợ dù chị Vũ Thu L (SN 1992) mới sinh con 2 tháng.
Theo công an phường Thạch Bàn, ngay trong ngày 27/8, cơ quan công an đã mời ông Nguyễn Xuân Vinh (sinh năm 1987, ở Long Biên) lên làm việc.
Trước vụ việc trên, nhiều người băn khoăn rằng người chồng có hành vi đánh đập vợ liệu có thể bị xử lý hình sự?
|
Chị L. bồng con ngã gục xuống sàn khi bị chồng đánh. |
Trao đổi với
PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng hành vi của
võ sư Nguyễn Xuân Vinh được xem là một hành vi bạo lực gia đình.
"Đây là vấn nạn của xã hội, gây mất trật tự trị an ở địa phương, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Hành vi này rất đa dạng có thể ví dụ như hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng..." - luật sư nói.
Luật sư phân tích, hành vi của Nguyễn Xuân Vinh sẽ tùy từng hậu quả gây ra mà bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình với mức như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
|
Chị L. được đưa đi thăm khám ở bệnh viện. |
Tuy nhiên, võ sư đánh vợ đang bế con có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đủ yếu tố cấu thành các tội sau:
Về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, nếu có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp luật định, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Ngoài ra, về Tội hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật hình sự nếu có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Bên cạnh đó, tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 Bộ luật hình sự: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
"Để góp phần phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả, nạn nhân cần yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình và áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình" - luật sư Diệp Năng Bình nói.
Clip: Võ sư đánh vợ đang bế con 2 tháng tuổi trên tay.