Trong suốt thời gian qua, nhiều vụ phụ nữ bị chồng đánh đập dã man, thậm chí mất cả tính mạng liên tiếp xảy ra khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Nhìn những cảnh tượng chồng đánh vợ không ai nghĩ họ từng thề non hẹn biển, yên thương nhau đến trọn đời, từng đầu gối tay ấp mà cứ ngỡ những người dưng chứ không phải vợ chồng mà ngay cả những người xa lạ cũng không hành xử một cách thô bạo, mất nhân tính đến như thế.
Mới đây, một đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội ghi lại hình ảnh võ sư đánh vợ một cách tàn bạo, trước mặt con nhỏ mới 7 tuổi và người vợ đang ẵm con nhỏ mới sinh đã khiến dư luận một lần nữa vô cùng bức xúc trước cảnh chồng bạo hành vợ.
Đáng chú ý, người có hành vi vung nắm đấm vào đầu vợ, giơ chân đá tát một cách có nghề ấy lại chính là một võ sư.
|
Hình ảnh chồng bạo hành vợ. |
Để trở thành một võ sư, chắc hẳn anh ta đã được học về võ thuật, đạo đức và văn hóa ứng xử với cộng đồng và hiểu chân lý người học võ chân chính không bao giờ dùng sức mạnh để tấn công người khác, nhất là người yếu thế trong xã hội.
Vậy mà, người mà anh ta ra những ngón đòn “có nghề” có lẽ là kết quả của quá trình trau dồi võ thuật ấy lại chính là người vợ mới sinh, tay bế bồng con nhỏ, không có sức để phản kháng.
Đó không phải là hành động của người học võ chân chính mà đó là hành động của một kẻ côn đồ mất nhân tính, thậm chí thú tính.
Bởi một người bình thường tấn công người khác đã là điều khó có thể chấp nhận nhưng anh ta là một võ sư mà tấn công vợ mình – một người phụ nữ đang bế con bằng những đòn chí mạng vào vùng đầu, thân thể thì việc gây ra thương tích thậm chí có thể thiệt mạng cho nạn nhân là hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhìn hình ảnh camera ghi lại cảnh anh ta đánh vợ có thể thấy sự dồn tất cả những bực tức vào đòn đánh mà không màng đến sự sống chết của người vợ, thậm chí cả đứa trẻ vừa mới chào đời đang được mẹ bế ẵm.
Và kết cục của trận bạo hành kinh hoàng ấy là người vợ trẻ phải nhập viện trong tình trạng hoảng loạn như lời chị tâm sự: “Bản thân từng xem nhiều clip bạo hành rồi nhưng tôi cảm thấy chưa có clip nào dã man như chồng tôi đánh tôi”.
Nguyên nhân dẫn đến việc người chồng đánh vợ thậm tệ trên lại xuất phát từ những chuyện vô cùng nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng khi chỉ vì lý do đơn giản vợ mang tivi từ phòng khách vào phòng con trai lớn (7 tuổi).
Sự căm phẫn đến tột đỉnh, khi đánh vợ đến mức nhập viện nhưng khi bị cơ quan chức năng mời lên làm việc, anh ta nói nhẹ như không: “Tôi có tát cô ấy vài cái, chuyện vợ chồng cãi nhau là bình thường chứ có gì đâu”!. Chưa dừng lại ở đó, anh ta còn nhắn tin dọa đốt cả nhà vợ khi gia đình tố cáo hành vi của anh ta lên cơ quan công an.
Trong cuộc sống vợ chồng, việc phát sinh mâu thuẫn là tất yếu, không có cặp vợ chồng nào lại hòa thuận, đồng thuận về tất cả các vấn đề trong suốt quá trình chung sống.
Lẽ ra, khi có bất đồng quan điểm, bất đồng chính kiến hoặc nảy sinh những nghi ngờ, ghen tuông thì cái chính là hai bên phải hết sức bình tĩnh, làm rõ bản chất của sự việc và giải quyết trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hướng tới hoà giải, hoà hợp.
Tuy nhiên, khi cuộc sống hôn nhân không được như ý, “cơm không lành canh không ngọt”, thêm vào đó là ghen tuông, ích kỷ khiến cho nhiều người không giữ được bình tĩnh, đã thực hiện những hành động thiếu suy nghĩ, thiếu kiểm soát của ý chí, gây tổn thương, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác như hành động của người chồng võ sư đánh vợ ở Hà Nội mới đây.
Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, dưới góc độ pháp lý thì hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào yếu tố lỗi và hậu quả... xảy ra mà người xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với những vụ việc xâm hại đến danh dự nhân phẩm hoặc xâm hại đến sức khỏe mà thương tích thuộc khoản 1, điều 134 bộ luật hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng chỉ vào cuộc xử lý khi có đơn của người bị hại, và khi người bị hại rút đơn vụ việc sẽ bị đình chỉ.
Nếu thương tích của người phụ nữ trong trường hợp này từ 11 % trở lên hoặc người đàn ông này đã từng bị xử phạt hành chính, từng bị kết án về hành vi cố ý gây thương tích chưa được xoá án tích hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, điều 134 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì Cơ quan công an sẽ vào cuộc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, người đàn ông này sẽ bị xử lý hình sự kể cả trong trường hợp người bị hại không có đơn yêu cầu xử lý.
Còn trường hợp hình ảnh, clip được lan truyền trên mạng xã hội, báo chí phản ánh, công an địa phương biết được hoặc do các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình hoặc chính quyền địa phương chuyển tới cơ quan công an thì cơ quan này sẽ tiếp nhận tin báo và xác minh, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Trong trường hợp người bị hại không có đơn yêu cầu xem xét thì cơ quan công an vẫn có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, mức phạt có thể 1-3 triệu đồng.
Trong trường hợp người phụ nữ mới sinh con bị chồng đánh đập liên tục vào đầu, vào mặt như vậy (qua clip), người đánh lại là võ sư thì rất có thể gây sẽ ra thương tích cho nạn nhân. Việc đầu tiên mà người thân, gia đình phải làm là phải cách ly nạn nhân với người đàn ông này, đảm bảo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho đứa trẻ, đưa người phụ nữ này đi thăm khám, cấp cứu, đồng thời trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết.
Khi gia đình có đơn trình báo sự việc với cơ quan công an, thì cơ quan công an sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi và hậu quả của vụ việc để có hình thức xử lý cho phù hợp.
Hành vi này có dấu hiệu của tội hành hạ người khác Theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự hoặc tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự.
Nếu việc đánh đập diễn ra thường xuyên, hành vi đến mức được xác định là đối xử tàn ác với vợ của mình nhưng chưa gây ra thương tích thì có thể áp dụng tội danh này để xử lý người đàn ông có thể tới 02 năm tù. Trong trường hợp Hành vi hành hạ diễn ra từ khi người phụ nữ này có thai hoặc xác định là không có khả năng tự vệ hoặc tỷ lệ tổn thương cơ thể 31 % trở lên thì người này sẽ phải đối mặt với bà năm tù.
Còn trường hợp nạn nhân là người phụ nữ hoặc đứa con nhỏ bị thương tích (có tỷ lệ thương tích) thì cho dù thương tích đến 11 % vẫn có thể khởi tố người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự.
Đó là xét về góc độ pháp luật, còn ở góc độ xã hội, người phụ nữ trong trường hợp này trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Hành động của người đàn ông này qua clip cho thấy thái độ có tính chất côn đồ, ra tay không thương tiếc đối với vợ của mình trong khi người phụ nữ này đang bế con nhỏ, trước mặt một đứa trẻ khác.
Đến mức một đứa trẻ mới 7 tuổi phải thốt lên một câu nói già dặn đầy đau xót: “mẹ ly hôn bố đi ạ như thế mới giải thoát được, con mừng cho mẹ nhưng con buồn cho con”.
Hành vi này không những gây tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý của người phụ nữ, mà còn tổn thương đến tâm lý, tác động xấu đến việc hình thành nhân cách của những đứa trẻ và có thể đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của hai mẹ con, bởi vậy hành động này là rất đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Trên thực tế, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ chồng đánh vợ ngay trước mặt con nhỏ gây xôn xao dư luận. Nhìn lại những sự việc trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật hầu hết những trẻ này đều là nạn nhân của bạo lực gia đình, bố mẹ bỏ nhau gia đình không hạnh phúc... Hành vi của trẻ là tấm gương phản chiếu bộ mặt gia đình.
Rõ ràng, việc chồng đánh vợ trước mặt trẻ có gieo mầm bạo lực, gây tổn thương cho trẻ... Những đứa trẻ khi lớn lên có bị ảnh hưởng bởi hình ảnh bạo hành của người lớn để tiếp tục tái hiện lại hành vi tương tự khi xảy ra mâu thuẫn và liệu chúng có trở thành người tốt khi bị ám ảnh bởi bạo lực từ khi còn nhỏ?
Dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao bạo hành gia đình diễn biến ngày càng phức tạp có chiều hướng gia tang dù hệ thống quy định pháp luật khá đầy đủ khi có cả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và có nhiều cơ quan bảo vệ quyền của người phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều vụ chồng bạo hành vợ đã không được xử lý nghiêm minh là minh chứng cho việc chưa xử lý quyết liệt mà lẽ ra phải cần sự nghiêm trị của hệ thống pháp luật.
Đàn ông đánh vợ vì bất cứ lý do gì thì cũng đã không thể chấp nhận được. Hơn nữa lại là võ sư đánh vợ ở trong tư thế vợ đang bế con còn đỏ hỏn, không có khả năng tự vệ là hành động rất phản cảm, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức và pháp luật. Bởi vậy sự việc này cơ quan công an cần khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.