Sự cố vỡ ống nước sạch Sông Đà - Hà Nội tiếp tục xảy ra tại Km27+500 Đại lộ Thăng Long vào khoảng 10h sáng 8/7 buộc Viwasupco phải dừng cấp nước sạch từ 11h - 18h30 cùng ngày trong thời điểm Hà Nội đang bước vào đợt nắng nóng đỉnh điểm khiến dư luận bức xúc.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2020, đường ống truyền tải nước sạch Sông Đà củaViwasupco gặp sự cố nhưng là lần thứ "n" trong những năm qua. Năm 2019, đường ống nước sạch Sông đà vỡ đến 4 lần, đều đoạn qua Đại lộ Thăng Long. Thậm chí, giai đoạn 2012-2016, đường ống nước sông Đà vỡ 21 lần.
Đáng chú ý, nguồn nước sạch của Viwasupco là nguồn cung cấp cho hàng vạn hộ dân khu vực phía Tây và phía Nam Hà Nội. Với những người dân là khách hàng của doanh nghiệp cung cấp nước sạch sinh hoạt này, việc sống chung với sự cố vỡ đường ống nước đã quá quen thuộc nhưng đó vẫn là nỗi ám ảnh, nhất là thời điểm nắng nóng.
Không ít lần hàng vạn hộ gia đình phải sống trong cảnh thiếu nước do sự cố vỡ đường ống, phải thức đêm hôm trực chờ đi xin nước từ bể dự trữ hoặc mua nước từ bên ngoài với giá cao, dù với những sự cố nhỏ, người dân cũng phải khốn khổ nhịn ăn uống, nhịn tắm để chờ nước.
|
Đường ống nước dẫn nước sông Đà bị vỡ nhiều lần. Ảnh: TTXVN |
Không chỉ sống với sự ám ảnh sự cố đường ống, thiếu nước sạch mà người dân, khách hàng của Viwasupco còn phải sống với nỗi lo nguồn cung cấp nước sạch và bán cho dân không đảm bảo, không được bảo vệ an toàn.
Nỗi lo của người dân là có cơ sở khi những tháng cuối năm 2019, một số đối tượng đã đổ nhiều tấn dầu thải ở đầu nguồn suối Trầm (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) nơi nhà máy nước sạch sông Đà lấy nước đầu vào khiến hàng trăm nghìn hộ dân ở Hà Nội đã phải sống trong thời gian khốn khổ khi nước sạch nhiễm dầu thải.
Vụ việc xả dầu thải đầu độc nguồn nước sạch Sông Đà được phát hiện ngày 10/10/2019, khi người dân sống tại 8 quận, huyện ở TP Hà Nội phản ánh việc nước sinh hoạt do Viwasupco cung cấp có mùi dầu thải khó chịu, sau đó các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh.
Đáng chú ý, trước đó một ngày, Công ty CP nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện dấu hiệu đổ trộm dầu thải tại khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình), đầu nguồn nước sông Đà nhưng không có bất cứ báo cáo cũng như hành vi nào ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định dẫn đến váng dầu này chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy đến hệ thống phân phối đến người dân các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Thậm chí, gần 1 tuần sau khi sự cố xảy ra, Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước này do nhiễm dầu, chứa hàm lượng styren trong nước vượt quá quy chuẩn và quy trách nhiệm cho Viwasupco vì không lập tức báo cáo khi phát hiện ô nhiễm.
Ngày 16/10/2019, Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường, tiếp đó đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 người này và đang tiếp tục làm rõ vụ án nhưng đến nay đã gần một năm trôi qua, thông tin tiếp theo liên quan đến vụ án này vẫn chưa được công bố. Đồng nghĩa, trách nhiệm của Viwasupco chưa được làm rõ.
|
Doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn - “ông chủ” GELEX và nước sạch Sông Đà. Ảnh: Gelex
|
Lẽ ra, với những sự cố môi trường trên cho thấy, để hạn chế nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cần phải nâng cao nhận thức, tăng cường giải pháp từ chính con người. Đồng thời phải tăng cường chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức liên quan đến sự cố môi trường để tạo tính răn cho nhiều tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo vệ môi trường. Nhưng việc chậm chễ công bố kết luận điều tra, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan cũng khiến dư luận vô cùng khó hiểu? Thậm chí nhiều ý kiến nghi ngờ rằng... “phải chăng... vụ việc đã “chìm xuồng” khi trách nhiệm các đơn vị liên quan chưa được làm rõ”.
Tuy nhiên, từ việc người dân, khách hàng phải uống nước nhiễm dầu thải đến việc đường ống nước sạch cứ điệp khúc vỡ mãi, dư luận hỏi ông chủ lớn Viwasupco Nguyễn Văn Tuấn: “Kinh doanh như thế có được không?”.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xả dầu thải vào Nước sạch Sông Đà