PV đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo xã Trung Hà (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) về nạn khai thác cát trên sông Hồng dù Chính phủ và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có chỉ đạo đình chỉ hoạt động từ lâu nay. Bên cạnh đó là việc đê kè sông Hồng bị các bến bãi vật liệu xâm hại vi phạm an toàn hành lang thoát lũ.
Ông Trần Văn Trò (Chủ tịch UBND xã Trung Hà) phân tích: Ở xã Trung Hà (Yên Lạc), có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sán là Công ty Hoàng Phát Thủ Đô và Công ty An Viên. An Viên đã bị đình chỉ và dừng hoạt động từ đầu năm đến nay.
"Chính quyền chúng tôi khẳng định họ không làm nữa. Vì giới hạn khai thác từ đâu đến đâu, chúng tôi đều nắm." - Ông Trò nói.
Ông Chủ tịch xã xác nhận ở bãi đầu khu vực Trung Hà giáp Trung Kiên, cát tặc vẫn hoạt động. Nhưng chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã nhiều lần ra ngăn cản xua đuổi. Nên nạn hút cát trộm khu vực này đã không còn ở đây mà cát tặc chuyển sang khu vực xã Vương Cốc và Hồng Châu.
|
Nhờ các bến bãi tập kết cát xâm phạm hành lang thoát lũ sông Hồng mà hạn chế được nạn cát tặc ở đây - Lãnh đạo xã phân tích. |
Riêng Hoàng Phát Thủ Đô, ông Trò cho biết doanh nghiệp này vẫn hoạt động từ đầu năm đến giờ. Doanh nghiệp này được cấp phép 12 năm. Nhưng họ chỉ mới hoạt động 2 năm. "Chắc chắn doanh nghiệp này không vi phạm pháp luật. Bởi họ phải đầu tư rất nhiều, không dại gì họ vi phạm để mất cả 10 năm khai thác trước mắt." - Ông chủ tịch nhận định.
Nhưng theo ông Trò, có một số phương tiện tàu thuyền của Trung Hà cũng như địa phương khác, thậm chí từ tận Hưng Yên, Nam Định,... khai thác xung quanh khu vực này. Khi lực lượng chức năng ra tuần tra thì họ lại đi vào khu vực mỏ như bỉnh thường và trong vai người đi mua cát nên rất khó xử lý.
Ông Chủ tịch khẳng định những điều người dân phản ánh chỉ là chuyện rơi rớt của An Viên từ năm trước. Đúng là năm ngoái, lúc An Viên đang được khai thác thì còn có một số doanh nghiệp cũng vào khu vực này hút cát. Hậu quả là các tàu thuyền này hút vào bãi của xã Trung Hà gần 80m. Người dân vẫn bất bình với An Viên từ ngày đấy.
Riêng khu vực gần trang trại ông Nguyễn Ngọc Báu (em ruột ông Nguyễn Ngọc Tú - PCT huyện Yên Lạc, đã phản ánh trước đó), cát tặc vẫn hoạt động suốt gần 1 năm nay, không đến hàng chục ha nhưng khoảng 3-4ha.
Theo người đứng đầu xã Trung Hà, chính quyền xã không thể ra sông để bắt như cảnh sát. Không những vậy, phương tiện vi phạm không dễ cưỡng chế như xe máy, ô tô. Theo quy định, vi phạm trên 100 triệu mới có thể khởi tố. Chủ tàu lại lách luật bằng cách ký hợp đồng cho người lái tàu thuê lại phương tiện. Người bị bắt lại là người không có tài sản. Cơ quan chức năng rất khó xử lý.
Nhiều khi người dân bức xúc kéo ra hô hoán, thậm chí chặn lại thu giữ được vài cái neo. Chỉ được vài hôm, cát tặc lại đâu vào đấy. Không thể xử lý triệt để. Mặc dù vậy, ông chủ tịch xã cho rằng hiện tượng cát tặc nói chung đã giảm. Có nhưng không nhiều, không ồ ạt như hồi đầu năm.
Về tình trạng bến bãi, ông Chủ tịch Trò cho biết, từ lâu ở địa phương có 1-2 hộ dân làm bãi tập kết vật liệu xây dựng. Trước đây bãi chủ yếu tập kết cát vàng từ trên Sông Lô chở về. Gần đây có cả cát đen và sỏi. Cát đen được khai thác tại khu vực này 2-3 năm nay, mà người bán thì ắt có người mua. Khi cảnh sát môi trường kiểm tra, bến bãi vẫn xuất trình hóa đơn chứng từ đầy đủ. Đây là khu vực mỏ, họ có hóa đơn để bán cát. Việc bến bãi có hút trộm cát bán hay không rất khó xác định.
|
Sông Hồng, đoạn qua xã Trung Hà, nơi mà 2 doanh nghiệp Hoàng Phát Thủ Đô và An Viên được cấp phép khai thác cát và đang tạo nên nỗi ám ảnh với người dân địa phương.
|
Nhưng ông Trò cho rằng, chủ các bến bãi này không bao giờ dám hút trộm cát. Cát tặc chủ yếu ở khu vực khác đến. Bởi theo ông, chủ sở hữu hàng nghìn khối cát, nếu họ làm láo chỉ vì một vài khối cát mà bị bắt xử phạt cả hàng trăm triệu đồng thì không đáng.
Ông Chủ tịch cũng phân tích: Dân Trung Hà vốn là dân sông nước. Một số hộ dân tận dụng làm bến bãi. Dưới bờ kè trước đây nước ngập hết. Mới đây phần này mới nhô ra hình thành bãi nửa chìm nửa nổi. Mùa này nước cạn thì còn bãi. Mùa mưa, phần này bị nước ngập thì không làm được. Tất nhiên việc phát triển kinh tế cũng kéo theo một số vấn đề mặt trái. Nhưng xã luôn quán triệt các chủ bến phải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Trò cho hay, khu vực bến bãi mà PV phản ánh là nơi của 3-4 hộ kinh doanh gồm: Nguyễn Văn Khanh, Trần Văn Sách, Đỗ Văn Cừ, Trần Văn Nạp. Họ đều là người địa phương. Trong số các bãi này, có bãi của ông Trần Văn Nạp mới làm sau này. Trước đây, ông Nạp được Công ty An Viên ủy quyền khai thác ở khu vực mỏ được cấp phép. Tuy nhiên sau khi An Viên bị đình chỉ hoạt động thì ông Nạp về làm bến bãi.
Ông Trò xác nhận tất cả hộ kinh doanh này đều chưa ai được cấp phép lập bến bãi tập kết vật liệu xây dựng. Còn việc bến bãi nằm trên khu vực bãi bồi, lấn chiếm hành lang đê kè lại càng không được phép. Nhưng ông chủ tịch cho hay, năm ngoái xã đã làm thủ tục xin cấp phép. Hiện nay tỉnh đang xem xét cho chủ trương.
Vị chủ tịch cũng thừa nhận cơ sở để cấp phép cho các bến bãi này rất khó. Vì đây là đất bãi bồi, nửa chìm nửa nổi. Đương nhiên, khi xin cấp phép thì vị trí bến bãi phải chuẩn, không thể nằm ở vị trí hiện tại. Ông Trò cho rằng, các hộ này tuy lấn chiếm bến bãi nhưng chỉ là khu vực bồi đắp. Họ không hút cát, không làm sạt lở, không gây nguy hiểm.
Xã chỉ lo sợ cát tặc hút cát phá bãi, lở đất của dân làm dân bức xúc. Dân không bức xúc với việc các hộ tập kết vật liệu. Thậm chí, việc tập kết vật liệu này cũng hạn chế được cát tặc. Nếu không có các bãi tập kết, đất cát khu vực sông này cũng đã bị cát tặc hút mất.
Cơ quan chức năng của tỉnh huyện cũng về làm việc với các hộ kinh doanh bến bãi nhiều lần. Tuy nhiên các cơ quan chỉ yêu cầu đảm bảo môi trường chứ không đình chỉ. Ở đây có mỏ khai thác thì phải có các bãi tập kết vật liệu. Các cơ quan cũng chỉ yêu cầu hàng hóa phải có hóa đơn chứng từ nguồn gốc xuất xứ.
Phóng viên đặt câu hỏi về việc quy định luật pháp về đê điều, khoảng cách an toàn hành lang thoát lũ đã bị cơ quan chức năng bỏ qua. Ông chủ tịch xã trả lời rằng, cơ quan chức năng cũng đã nhắc nhở về việc này. Xã trước mắt đang xử lý cát tặc, nhưng vẫn sẽ giải quyết việc bến bãi cho đúng quy định pháp luật.