Mới đây,Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định đưa vụ án Lê Thị Dung ra xét xử phúc thẩm vào 8h ngày 12/6/2023.
Trước đó, xét xử sơ thẩm, TAND huyện Hưng Nghệ đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung 5 năm tù và Nguyễn Thị Hương, nguyên kế toán Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên 2 năm tù treo về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Sau phiên toà sơ thẩm, bị cáo Lê Thị Dung và gia đình đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. VKSND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đề nghị TAND tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Đáng chú ý, Viện Kiểm sát kháng nghị theo hướng tăng thiệt hại, cô giáo Dung có bất lợi?
|
Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Báo Nghệ An.
|
VKSND cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét hết hành vi
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định, nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm, các bị cáo có quyền kháng cáo, trong khi đó, Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị đối với bản án sơ thẩm.
Nội dung kháng nghị của VKSND tỉnh Nghệ An cho rằng, việc xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm là chưa đúng pháp luật, chưa xem xét hết hành vi, tính chất của hành vi đối với bị cáo. VKS cho rằng, thiệt hại mà các bị cáo gây ra không chỉ là 48 triệu đồng mà lên tới 175 triệu khi các giáo viên của trung tâm cũng được nhận số tiền theo quy chế như vậy. VKS xác định bên bị thiệt hại là Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên. Do đó, VKS đề nghị xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm và xem xét hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.
Trong vụ án này, đến nay, không chỉ có kháng cáo của bà Lê Thị Dung mà còn có kháng nghị của VKSND tỉnh Nghệ An. Nội dung kháng cáo và kháng nghị có tính chất đối lập nhau. Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét một cách thận trọng, triệt để các tình tiết để xác định chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo và kháng nghị trên.
Trường hợp tòa án chấp nhận kháng cáo của bà Lê Thị Dung, có thể sẽ hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại, xem xét làm rõ, có thể minh oan, giảm nhẹ cho bà Dung. Ngược lại, nếu tòa án không chấp nhận kháng cáo của bà Dung mà chấp nhận kháng nghị của VKS cấp tỉnh là hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự sẽ bất lợi cho bà Dung cùng đồng phạm.
Đến nay vẫn chưa thể khẳng định kháng cáo của VKSND tỉnh Nghệ An là có căn cứ hay là đơn kêu oan của bà Dung có cơ sở. Tòa cấp phúc thẩm sẽ xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm, kết quả giải quyết vụ án sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa phúc thẩm tới đây.
Trường hợp, tòa án cấp phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, vụ án sẽ được chuyển về cho tòa án cấp sơ thẩm, thậm chí chuyển lại cho cơ quan điều tra để điều tra lại vụ án. Trường hợp vụ án được xét xử lại cấp sơ thẩm, tòa tiếp tục tuyên bố các bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Nội dung xét xử theo hướng VKSND tỉnh Nghệ An đưa ra tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.
Trưởng hợp bản kết luận điều tra và cáo trạng cho rằng các bị cáo gây thiệt hại không chỉ 48 triệu đồng mà lên đến 175 triệu đồng đã phát cho các giáo viên khác thì tổng thiệt hại sẽ được xác định trên 200 triệu đồng. Với mức thiệt hại như vậy, trách nhiệm pháp lý sẽ nặng hơn mức thiệt hại bản án sơ thẩm vừa tuyên trước đây.
Tuy nhiên, theo bản án sơ thẩm đã tuyên, xác định bị cáo phạm tội 2 lần trở lên, do đó áp dụng khung hình phạt từ 5 đến 10 năm. Do bị cáo Dung không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự từ 2 tình tiết trở lên nên không đủ điều kiện áp dụng điều 54 chuyển khung hình phạt. Cho nên, xét xử mức thấp nhất của khung là 5 năm tù.
Trường hợp xét xử lại xác định bị cáo gây thiệt hại đến hơn 200 triệu đồng như quan điểm của Viện Kiểm sát cấp tỉnh, thiệt hại nằm trong khung theo quy định tại Khoản 2, Điều 356 BLHS vẫn là khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào quy định của BLHS trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điều 50 Bộ luật Hình sự.
|
Hình ảnh phiên sơ thẩm |
Thời điểm này là quá sớm khi nói vụ án sẽ kết thúc như thế nào, tuy nhiên, trường hợp tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát cấp tỉnh, bà Dung sẽ bất lợi, nguy cơ tăng mức hình phạt. Nếu trường hợp tòa án không chấp nhận kháng nghị của VKS cấp tỉnh mà chấp nhận kháng cáo của bà Dung thì bị cáo có thể được minh oan, giảm mức hình phạt theo quy định của pháp luật cũng như theo kết quả điều tra, truy tố, xét xử tới đây.
Nếu xác định có yếu tố chiếm đoạt, là cấu thành một tội phạm khác
Trước đó, tòa sơ thẩm kết luận từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, bà Dung đã lợi dụng chức vụ được giao, thanh toán trái quy định để chiếm đoạt hơn 48,3 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước cấp. Còn Nguyễn Thị Hương là kế toán, biết bà Dung lập bảng kê chứng từ thanh toán là sai, nhưng vẫn làm thủ tục cho cấp trên thanh toán. HĐXX xác định bà Dung chịu trách nhiệm chính, nên phạt bị cáo 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Còn bà Hương đồng phạm giúp sức, lĩnh 2 năm tù nhưng hưởng án treo.
Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án bị cáo Lê Thị Dung đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 23/5, VKSND tỉnh Nghệ An đã ban hành kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm. VKS cho rằng trong bản án sơ thẩm, HĐXX định tội bị cáo sau khi kết luận giai đoạn 2012-2017, bà Dung tự kê khai để thanh toán những khoản sai quy định với tổng số tiền trên 103 triệu đồng. Trong đó, các nội dung học cao học, tập huấn, kiểm tra đã được thanh toán, nhưng bà Dung vẫn quy ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ, tức là thanh toán trùng (thanh toán lần 2) cho cùng một nội dung, với hơn 48,3 triệu đồng. Ngoài ra, bà Dung trực tiếp kiểm tra, ký duyệt, đồng ý cho 11 cán bộ giáo viên khác thanh toán tiền thừa giờ không có trong quy định tại Thông tư số 28/2009 của Bộ GD&ĐT, với tổng chi phí trên 175 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương (Kế toán Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên) phát hiện nhiều nội dung kê khai trái quy định, song là cấp dưới của bà Dung và do cả nể, nên làm thủ tục, chứng từ để thanh toán.
Theo VKS, qua giám định tài chính, các khoản nêu trên là thiệt hại cho ngân sách của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Tuy nhiên, khi đánh giá tính chất và mức độ tội phạm, cơ quan chức năng lại xác định hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao của bà Dung đã nhiều lần chiếm đoạt tài sản từ ngân sách Nhà nước cấp cho trung tâm, với tổng số tiền hơn 48,3 triệu đồng. Còn hành vi lợi dụng chức vụ của bà Hương nhiều lần giúp sức cho bà Dung chiếm đoạt số tiền này.
Kháng nghị còn nêu bản án sơ thẩm nhận định bị cáo Lê Thị Dung và một số đồng nghiệp tự kê khai quy đổi ra tiết dạy cho từng năm học. Sau đó, bà Dung ký, duyệt chi thanh toán trái quy định cho bản thân hơn 103 triệu đồng và cho các giáo viên khác trên 175 triệu. Như vậy, cấp sơ thẩm chưa xác định rõ được trách nhiệm đầy đủ của Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương đối với số tiền đã chi cho bị cáo và cho các thầy cô giáo khác, qua giám định tài chính được xác định là thiệt hại trong vụ án.
Đối với khoản hơn 48,3 triệu đồng (nằm trong tổng số tiền trên 103 triệu mà bị cáo Dung lập chứng từ thanh toán), tòa sơ thẩm kết luận bà Dung chiếm đoạt, song chưa làm rõ được hành vi của bị cáo là đã làm trái công vụ. Nếu xác định có yếu tố chiếm đoạt, là cấu thành một tội phạm khác.
Cũng theo VKS tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn sơ thẩm, Cơ quan CSĐT đã trưng cầu giám định, trưng cầu bổ sung. VKS huyện Hưng Nguyên có văn bản yêu cầu cơ quan giám định làm rõ một số nội dung. Tuy nhiên, tất cả kết luận giám định, kết luận giám định bổ sung... chưa thể hiện rõ nội dung quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX Hưng Nguyên do bị cáo Lê Thị Dung ký từ 2012-2017 có nội dung nào không có hiệu lực thi hành do trái pháp luật không? Đồng thời, việc xác định thiệt hại do hành vi làm trái công vụ của các bị cáo gây ra cần bảo đảm sự chính xác và thống nhất về số liệu để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xét xử 2 cán bộ thuế An Giang: Người thừa nhận hám lợi, người đỗ lỗi do hoàn cảnh