Vài chục năm bôn ba nước ngoài vẫn nhớ… “bác bảo vệ trường”
Mấy chục năm qua, ông Lê Đình Huy (SN 1970, xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, có nhiều năm bôn ba tại Nga) luôn đau đáu tâm nguyện về lại trường cấp 3 ông từng theo học để gặp lại một người mà ông có nhiều ấn tượng đến tận bây giờ.
Người mà ông Huy có nhiều ấn tượng không phải một giáo viên, cũng không phải bạn bè từng chung lớp, chung trường mà chính là ông Trần Khoa Minh (SN 1962) – nhân viên bảo vệ Trường THPT Gia Lộc (huyện Gia Lộc, Hải Dương). Ông Minh cũng là người có thâm niên 38 năm làm bảo vệ, ngần ấy năm đánh trống trường, có lẽ là người đánh trống trường lâu năm nhất của tỉnh Hải Dương.
Tâm nguyện của ông Huy khiến nhiều người tò mò. Bởi thường trong ký ức nhiều người về thủa học trò thường đọng lại những kỷ niệm với thầy cô giáo, bạn bè cũng trang lứa. Người bảo vệ này có điều gì đặc biệt mà khiến lớp học trò như ông Huy bao năm xa quê vẫn hướng về?
|
Sau gần 40 năm, ông Huy đã thỏa tâm nguyện khi gặp lại người bảo vệ trường. |
“Tùng…Tùng…Tùng”, tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp vang lên giòn giã, thúc giục đúng thời điểm chúng tôi theo chân ông Huy đến thăm người đánh trống trường đặc biệt. Nghe tiếng trống, không ai bảo ai, hàng trăm học sinh Trường THPT Gia Lộc (huyện Gia Lộc, Hải Dương) vội vã, tất tả chạy vào lớp học. Sân trường ngay tức khắc không còn cảnh ồn ào, náo nhiệt, chỉ còn người bảo vệ đã luống tuổi lặng lẽ đi xếp lại xe, thúc giục một số em đến trường muộn nhanh chóng vào lớp để kịp giờ học.
Xa cách gần 40 năm khi gặp lại dù không nhớ học sinh khóa cũ nhưng khi nghe ông Huy giới thiệu, ông Minh vội vã ôm trầm xúc động, tay bắt, mặt mừng như gặp người thân quen lâu ngày mới gặp.
“Công việc của tôi vốn là phục vụ, bảo vệ sự an toàn về tài sản, an ninh trật tự trong nhà trường để các thầy cô, học trò yên tâm giảng dạy, học tập. Trải qua nhiều năm công tác, qua nhiều thế hệ học trò, giống như anh Huy đây nhớ và về thăm dù không phải là người giáo viên. Nhiều người đi làm ăn xa, công tác khi về quê đều qua thăm hỏi. Không chỉ những học sinh cá biệt do trốn học, trèo tường… hay phải gặp bảo vệ mới nhớ mà ngay cả học sinh hiền lành cũng nhớ đến. Điều này khiến tôi rất xúc động và trân quý nghề nghiệp mình làm gần 40 năm qua”, ông Minh xúc động nói.
|
Ông Trần Khoa Minh - người có gần 40 năm đánh trống trường. |
Kể lại kỷ niệm về bác Minh bảo vệ, ông Huy cho biết, mình là học sinh khóa 1984-1987 của trường. Thời gian đó, hai huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc vẫn huyện Tứ Lộc, khi đó từ nhà ông Huy đến trường hơn 10km, đường đi khó khăn phải đi bằng xe đạp nên nhiều khi đi học đến trường muộn. Bác Minh luôn ra cổng trường mở cổng cho cậu học trò xa trường đến muộn vào học. “Dù trời mưa hay nắng, hình ảnh bác bảo vệ đội mũ cối cần mẫn ra mở cổng trường khiến tôi rất xúc động. Bao năm xa quê bôn ba nước ngoài nhưng vẫn nhớ những hình ảnh như vậy”, ông Huy tâm sự.
Cô Đặng Thanh Huyền – Hiệu phó Trường THPT Gia Lộc nhận xét gần 40 năm công tác tại trường, bác Minh bảo vệ luôn cẩn thận, nhiệt tình trong công việc, quan tâm đến học sinh và được nhiều thế hệ học trò trường Trường THPT Gia Lộc yêu mến, quý trọng.
|
Cô Đặng Thanh Huyền – Hiệu phó Trường THPT Gia Lộc. |
Đánh trống trường, làm bảo vệ… tán đổ nữ giáo viên
Trong khi chuyện trò, thầy cô trường THPT Gia Lộc tiết lộ, ông Trần Khoa Minh không chỉ là người có gần 40 năm đánh trống trường, được nhiều thế hệ học trò nhớ đến mà khi về trường làm bảo vệ, ông Minh còn lấy được vợ là một cô giáo xinh đẹp mới về trường công tác khi đó.
Kể lại chuyện tình với nữ giáo viên, ông Minh cho biết, ông làm bảo vệ nhà trường từ năm 1984, sau khi đi bộ đội trở về. Sau đó một năm, cô giáo Vũ Thị Kim Dung đến công tác tại trường.
“Khi cô giáo Dung về trường công tác giảng dạy môn Sinh học, hai bên gặp nhau, trò chuyện cảm thấy hoàn cảnh cũng hợp nhau, từ tình bạn ban đầu dẫn đến tình yêu. Khi đó, một anh bộ đội xuất ngũ về làm bảo vệ và một nữ giáo viên đều có hoàn cảnh nghèo như nhau. Vợ tôi quê ở Hưng Yên, con liệt sĩ gia đình hoàn cảnh, còn tôi cũng gia đình bần nông. Lương giáo viên và lương bảo vệ khi đó đều 13 kg gạo đổi tiền ra được 30 đồng. Từ hợp hoàn cảnh, giúp đỡ, nương tựa lẫn nhau sau đó nảy sinh tình yêu và kết hôn năm 1988 và đến nay hai vợ chồng tôi có hai cháu trai, cháu lớn sinh năm 1989 và 1997”, ông Minh kể lại.
|
Tiếng trống ông Minh in sâu trong tâm trí nhiều thế hệ học trò. |
Theo lời ông Minh, mối tình đẹp đẽ trong khi gian nan khốn khó để lại nhiều kỷ niệm. Do gia đình người yêu ở xã nên muốn về nhà nhau chỉ có đạp xe đạp. Khi yêu cùng đạp xe đạp chở nhau về quê thăm nhà rất lãng mạn và không biết mệt mỏi. Sau khi kết hôn, gia đình chật chội không có điều kiện, nhà trường giúp đỡ một gian tập thể ở trường. Việc lấy vợ giáo viên trong trường cũng là một trong lý do ông Minh gắn bó với trường cho đến nay.
>>> Mời độc giả xem thêm video ông Minh kể lại mối tình với cô giáo cùng trường:
“Thu nhập từ nghề bảo vệ không cao. Nhiều người hỏi tôi sao không chuyển nghề, tăng thu nhập. Tuy nhiên, khi làm nghề bảo vệ tại trường gắn bó với thầy cô, học sinh nên có nhiều tình cảm. Đặc biệt, lấy vợ cũng công tác tại trường nên cũng muốn làm tại đây để hai vợ chồng gần nhau”, ông Minh kể một câu chuyện vui về mặt duy tâm, đó là trước khi về trường làm bảo vệ, ông có đi xem thầy và được thầy nói: “Số của chú rất nhàn nhưng chỉ có gắn bó với trống”. Sau đó đúng là cuộc đời, nghề nghiệp đều gắn bó với trống trường.
Ông Minh tâm sự, nghề nào trong xã hội cũng là nghề cao quý, nếu chúng ta biết trân trọng, cố gắng, yêu nghề thì sẽ gắn bó lâu dài.
|
Ông Minh bảo vệ được học sinh cũ của trường tặng quà sau nhiều năm xa cách. |
Chia tay người bảo vệ trường học khi đến giờ học sinh tan học. Những tiếng trống trường lại vang vọng. Bao năm qua, vị doanh nhân bôn ba xứ người không được nghe tiếng trống trường nhưng vẫn cảm nhận được âm thanh quen thuộc của tiếng trống ông Minh. Tiếng trống trường vốn đi vào lòng và in sâu trong tâm trí của ông Huy cùng nhiều lớp thế hệ học trò với những kỷ niệm đẹp đẽ.