|
Đại diện Viện Kiểm sát tại toà bảo vệ quan điểm luận tội. Ảnh: Như Ý. |
Sai lầm khi “chọn mặt gửi vàng”
Sau khi nghe luật sư, bị cáo nêu quan điểm bào chữa, đại diện VKS TP Hà Nội đã tranh luận, đối đáp lại. Về vấn đề Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ định Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có đủ năng lực hay không? Kiểm sát viên dẫn lời khai bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT PVN cho rằng, việc chỉ định thầu xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị trong Kết luận số 41 về chiến lược phát triển PVN.
“Tuy nhiên, Kết luận 41 không đưa ra các quyết định cụ thể, không đề cập dự án Thái Bình 2, càng không đề cập việc chỉ định thầu như lời khai của bị cáo Thăng. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo PVN chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực chứ không có văn bản nào nêu đồng ý cho PVN lựa chọn PVC là tổng thầu như một số luật sư đề cập” – người giữ quyền công tố khẳng định.
Cũng theo kiểm sát viên, năng lực của PVC không đáp ứng được yêu cầu của tổng thầu dự án Thái Bình 2. Trước hết, thời điểm nhận thầu, PVC đang “khủng hoảng” về tài chính, chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu và chính PVC cũng tự đánh giá mình: “Chưa đáp ứng được yêu cầu về tài chính”. Ngoài ra, các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT PVC cũng khai tại tòa PVC không có đủ năng lực thực hiện EPC (thiết kế, cung cấp, xây dựng) Thái Bình 2.
“Ông Đinh La Thăng đóng vai trò quyết định”
Đại diện VKS tiếp tục đặt vấn đề: Các bị cáo có biết hay thiếu trách nhiệm nên để hợp đồng 33 và 4194 (cùng để thực hiện dự án Thái Bình 2) thiếu cơ sở pháp lý và dẫn đến ứng tiền trái quy định? Điểm mấu chốt là khi ông Đinh La Thăng có ý kiến thì chỉ 4 ngày sau PVC và PVPower (chủ đầu tư ban đầu) ký hợp đồng, mặc dù còn thiếu một loạt hồ sơ theo yêu cầu… nhiều nội dung có trong hợp đồng nhưng là tài liệu khống.
|
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đối đáp với đại diện Viện Kiểm sát. Ảnh: Như Ý. |
Về một số quan điểm của luật sư không đồng tình với nhận định trong bản luận tội đánh giá bị cáo không thành khẩn khai báo, quanh co, đổ lỗi cho cấp dưới, đại diện VKSND nhấn mạnh cần tách bạch 2 vấn đề là quyền của bị cáo theo luật và phần đánh giá về thái độ, hành vi của bị cáo của cơ quan luận tội.“Mặc dù đủ cơ sở truy tố các bị cáo hai tội nhưng các bị cáo đều phủ nhận, chỉ chịu trách nhiệm thiếu kiểm tra giám sát. Do đó, VKS không cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tình tiết giảm nhẹ chỉ được hưởng khi bị cáo thành khẩn khai báo và ăn năn hối lỗi” – người giữ quyền công tố khẳng định. Từ lập luận trên, đại diện VKS kết luận, với nguồn chứng cứ đã có, đủ cơ sở xác định ông Thăng có vai trò quyết định trong vụ án.
“Trịnh Xuân Thanh bao trùm hoạt động của PVC”
Cũng theo kiểm sát viên, ngoài nội dung xác định thiệt hại đã được đối đáp, luật sư còn đề nghị chỉ rõ hành vi của Trịnh Xuân Thanh trong việc chỉ đạo Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC ký hợp đồng EPC 33 (thực hiện dự án Thái Bình 2), chi – xin tạm ứng trái quy định. Kiểm sát viên cho rằng, nội dung này đã làm rõ tại tòa, đặc biệt với nội dung bào chữa của bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến – nguyên Phó TGĐ PVC hôm 14/1, thể hiện Trịnh Xuân Thanh xuyên suốt quá trình ký hợp đồng EPC, xin - chi tiền tạm ứng, bao trùm toàn bộ hoạt động của PVC trong thời gian làm chủ tịch đơn vị này.
“Cáo trạng truy tố Trịnh Xuân Thanh của VKSND Tối cao có căn cứ. Thứ nhất, tại biên bản ghi lời khai, Thanh khai bản thân cũng như Thuận đều nắm được hồ sơ yêu cầu của tổng thầu, là căn cứ ký hợp đồng 33 chưa có. Về tài liệu chứng minh, qua các thông báo năm 2011 về việc chỉ đạo ký EPC…, Trịnh Xuân Thanh biết rõ khi ký EPC thì thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán… chưa có” – kiểm sát viên nói.
Bên cạnh đó, người giữ quyền công tố xác định, Trịnh Xuân Thanh chi sai tiền ứng trước của dự án Thái Bình 2 để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án khác… Vị này dẫn bản cung của Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC: “Việc PVC dùng tiền của dự án vào dự án khác là chỉ đạo của Thanh, trong đó có trách nhiệm của tôi… Tôi đã báo cáo rõ với anh Thanh và các thành viên trong cuộc họp giao ban tuần, tháng, quý về việc sử dụng tiền của dự án vào dự án khác. Ngoài tôi có anh Tiến… cũng báo cáo miệng. Anh Thanh quyết định dùng tiền dự án vào việc khác ngoài dự án”.
Về tội tham ô của ông Thanh, kiểm sát viên nhắc lại quan điểm của luật sư về việc truy tố ông Thanh thiếu căn cứ; túi đựng 4 tỷ đồng tiêu Tết, ông Thanh không nhận; có chứng cứ ngoại phạm… Đối đáp lại luận điểm bào chữa này, đại diện VKS cho rằng, việc truy tố không chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo mà còn nhiều tài liệu, chứng cứ khác chứng minh. Người giữ quyền công tố cho rằng, kết luận Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận chỉ đạo việc tham ô là có căn cứ.
Tranh cãi về “lợi ích nhóm”
Về vấn đề có hay không “lợi ích nhóm” trong vụ án này, đại diện VKS cho rằng, xét mối quan hệ cho thấy, Vũ Đức Thuận và Trịnh Xuân Thanh đều do ông Đinh La Thăng đưa về bổ nhiệm, cất nhắc. Trên cơ sở quan hệ đó, dù biết PVC không đủ năng lực nhưng để tạo điều kiện cho PVC, ông Đinh La Thăng vẫn ưu ái bỏ qua các quy định để chỉ định thầu cho PVC làm tổng thầu; chỉ đạo các bị cáo và đối tượng liên quan ở PV Power ký hợp đồng EPC số 33 và tạm ứng tiền trái pháp luật để Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận sử dụng trái mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước. “Qua đó thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm của các bị cáo” – đại diện VSK nêu quan điểm.
Đối đáp lại, luật sư Nguyễn Huy Thiệp – bào chữa cho ông Đinh La Thăng phân tích: “Lợi ích nhóm là vấn đề phát sinh trong quá trình luận tội, trước đó chưa được thể hiện trong kết luận điều tra hay cáo trạng truy tố. Với lập luận cho rằng, ông Thuận, ông Thanh là do ông Thăng cất nhắc, bổ nhiệm cho nên có ưu ái chỉ định PVC làm tổng thầu… Vậy có căn cứ nào xác định việc cất nhắc bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp và ông Thăng có lợi ích gì trong đó? Quy trình bổ nhiệm cất nhắc có căn cứ nào sai?... Đây là suy diễn và nhận xét không hề dựa trên bất kỳ căn cứ nào”.
Kết thúc phần tranh tụng ban đầu, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, các bị cáo Bùi Mạnh Hiển – nguyên Chánh văn phòng PVC; Lê Đình Mậu – nguyên Phó ban Tài chính kế toán PVN; Lương Văn Hòa – nguyên GĐ Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch; Phạm Tiến Đạt – nguyên Kế toán trưởng PVC; Nguyễn Ngọc Quý – nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC có nhiều tình tiết giảm nhẹ; đề nghị tòa giảm hình phạt cho các bị cáo so với đề nghị trước đó của đại diện VKSND. Các vấn đề khác, kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm như trong phần luận tội và đề nghị mức án trước đó.
Luật sư Đào Hữu Đăng – bào chữa cho ông Đinh La Thăng cho rằng, đại diện VKS khẳng định PVC không đủ năng lực thực hiện dự án Thái Bình 2 chỉ căn cứ vào việc đơn vị này chưa có kinh nghiệm. “Nếu với quan điểm như vậy, có lẽ đã không có cầu Chương Dương, vì trước khi xây cầu không có ai đủ năng lực cả, cũng không thể đưa Việt Nam vào hàng một số nước làm được giàn khoan nổi, cũng không có nhà máy thủy điện Sơn La hay Lai Châu…”, luật sư Đăng nói.
“Mặc dù đủ cơ sở truy tố các bị cáo hai tội nhưng các bị cáo đều phủ nhận, chỉ chịu trách nhiệm thiếu kiểm tra giám sát. Do đó, VKS không cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Tình tiết giảm nhẹ chỉ được hưởng khi bị cáo thành khẩn khai báo và ăn năn hối lỗi” – người giữ quyền công tố khẳng định.