Sáng 22/11, phiên tòa xét xử 92 bị cáo vụ án đánh bạc nghìn tỷ tiếp tục phần tranh luận. Trong buổi làm việc sáng nay, các luật sư của Nguyễn Văn Dương cố gắng tranh luận với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ nhằm tìm cách giảm nhẹ tội cho "ông trùm cơ bạc".
Trước đó, bản luận tội của VKSND tỉnh Phú Thọ đối với bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty CNC) kiến nghị HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Dương mức án 8- 9 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc”, 3- 4 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp hình phạt từ 11- 13 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, buộc Nguyễn Văn Dương phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính 1.655 tỷ đồng.
|
Bị cáo Nguyễn Văn Dương. |
Tại phần tự bào chữa, Nguyễn Văn Dương mong tòa xem xét mức án của mình cao nhất trong số 92 bị cáo nhưng khẳng định sẽ không kháng cáo.
“Tôi biết mình là người có trách nhiệm trong việc tổ chức đánh bạc. Tôi xin nhận nhưng mong tòa xem xét mức án 8 - 9 năm gần như mức cao nhất, xin cho tôi hưởng mức án phù hợp... Dù mức án như thế nào tôi nhận thức đây là trách nhiệm của tôi, tôi sẽ không thực hiện quyền kháng cáo bản án sơ thẩm”, Dương nói.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, thân chủ của mình đã khai nhận toàn bộ hành vi và xác nhận việc truy tố về hai tội danh “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền” là đúng.
Tuy nhiên, tổng mức hình phạt của bị cáo là cao nhất trong số các bị cáo và có phần nghiêm khắc quá, do đó, luật sư, mong VKS, HĐXX có nhìn nhận toàn diện, thấu đáo để có thể xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
CNC là công ty bình phong thì ô tô mới có biển 80A
Trong phần bào chữa, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, Nguyễn Văn Dương không lầm tưởng, không ngộ nhận, thậm chí, nhiều cán bộ công an không ngộ nhận về việc CNC là công ty bình phong của Cục C50 mà “chỉ đâu đó có ai đang ngộ nhận mà thôi”.
Viện dẫn các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy, là công ty bình phong nên CNC đã nhận được nhiều sự tạo điều kiện, giúp đỡ.
Ngay như phương tiện ô tô đi lại của CNC, lời khai của Dương cho thấy, trong quá trình hợp tác với C50 đã có nhu cầu sử dụng xe biển xanh chữ trắng và đề nghị cấp biển số 80A.
Sau khi CNC có tờ trình gửi C50, ông Võ Tuấn Dũng (nguyên Cục phó C50) đã có văn bản gửi Trung tướng Phan Công Sơn (Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát) đề xuất cho phép đăng ký xe biển số 80A cho công ty nghiệp vụ của C50. Sau đó, Trung tướng Nguyễn Công Sơn đã ký công văn gửi Bộ trưởng Công an đề xuất cho phép đăng ký xe biển số 80A cho công ty nghiệp vụ CNC của Tổng Cục Cảnh sát.
|
Luật sư Trần Hồng Phúc. |
Theo luật sư Phúc, việc đề xuất cấp biển xanh cho CNC, chính ông Hóa trong lời khai cũng xác nhận. Ngay việc Dương sử dụng ôtô công tác mang biển xanh, cũng được C50, các cục chức năng trình lãnh đạo TCCS và được cho phép mới sử dụng. Sau này, đến tháng 4/2017, Dương đã trả lại biển số cho Cục cảnh sát giao thông sao khi có thông báo dừng hợp tác công ty bình phong với C50.
Cục trưởng C50 còn đề nghị Dương xin vào ngành
Luật sư Phúc cũng cho rằng, Nguyễn Văn Dương là Chủ tịch HĐTV CNC, nếu chỉ là công ty bình thường thì trong lực lượng không có kế hoạch tuyển dụng, sử dụng.
Ngay trong hồ sơ vụ án đã thể hiện, sau khi có lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ bình phong thì Cục trưởng C50 còn đề nghị Dương xin vào ngành công an.
Ngày 17/3/2016, Dương có làm đơn xin vào ngành công an gửi ông Hóa, Cục trưởng C50. Ngày 18/3/2016 ông Hóa đã ký công văn số 492 gửi đồng chí Vĩnh đề xuất tuyển vào ngành công an. Các nội dung này sau đó đã được cơ quan điều tra và chính ông Phan Văn Vĩnh xác nhận.
Ngay trong lời khai của ông Phan Văn Vĩnh cũng xác định, ngày 21/3/2016, ông Vĩnh ký văn bản số 790 về việc đề xuất bổ sung chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ năm 2016 gửi Bộ trưởng Bộ Công an. Trong đó có nội dung: “Tổng cục cảnh sát đề xuất lãnh đạo Bộ xét, duyệt bổ sung một chỉ tiêu Thạc sỹ quản trị kinh doanh và chiếu cố về độ tuổi để tuyển chọn anh Nguyễn Văn Dương vào C50 công tác”. Ngày 22/3/2016 Bộ trưởng Bộ Công an bút phê: “Kính gửi Tổng cục II, Tổng cục III, đồng ý đề xuất”.
“Nếu như không có việc xác định đây là đơn vị nghiệp vụ kinh tế của C50, nếu không có việc sử dụng Dương lâu dài trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của C50 thì không có nhu cầu đề xuất đưa Dương vào ngành”, luật sư Phúc nói.
Đến PC50 cũng tin CNC là công ty bình phong
Luật sư Phúc cũng viện dẫn hồ sơ vụ án thể hiện PC 50 Công an TP Hà Nội từng phát hiện Công ty CNC vận hành game Rikvip trái phép nhưng không xử lý. Lý do được đưa ra tại báo cáo ngày 03/9/2015: “Việc xác minh về hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến Rikvip sẽ ảnh hưởng tới hoạt động nghiệp vụ của cơ quan cấp trên, có thể gây ảnh hưởng về mặt chính trị của lực lượng”.
PC50 Hà Nội nhận thấy game bài Rikvip có dấu hiệu kinh doanh trái pháp luật, cần xác minh làm rõ, lập hồ sơ để xử lý theo quy định. Sau đó, đơn vị này xác minh thấy CNC là đơn vị nghiệp vụ của C50, tại trụ sở Cty có 1 phòng làm việc treo biển hiệu ghi “Bộ Công an – Cục C50; Phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng” nên đề xuất dừng xác minh.
Bà Hà Thị Hằng - Phó Trưởng phòng PC50 Hà Nội cũng khẳng định có 2 trinh sát báo cáo mình việc CNC là công ty bình phong của Bộ Công an nên nếu đề xuất tiếp tục kiểm tra xác minh thì ảnh hưởng đến hoạt động của Bộ. Ông Lê Hồng Sơn – Trưởng phòng PC50 Hà Nội cũng khẳng định việc dừng xác minh vi phạm game bài Rikvip do CNC là công ty bình phong hoạt động nghiệp vụ của C50.
Do vậy theo luật sư Phúc, game bài Rikvip hoạt động chưa đầy 2 tháng đã bị phát hiện, nếu lúc này được ngăn chặn ngay thì không có hậu quả gần 10.000 tỷ đồng của ngày hôm nay.
Hơn nữa, ngay trong cùng lực lượng, PC50 cũng đã nhận thức game bài Rikvip là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan cấp trên nên dừng xác minh, xử lý thì khó để bị cáo Nguyễn Văn Dương nhận thức hoạt động game bài do CNC vận hành là vi phạm phải bị xử lý.
Nguyễn Văn Dương không tự nguyện nộp 240 tỷ nên...
Tranh luận lại với các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương, đại diện Viện kiểm sát cho biết, từ chiều qua có 5 luật sư bào chữa cho Dương đưa ra nhiều vấn đề.
Tuy nhiên, về vấn đề công ty CNC là công ty bình phong của C50 ngay từ năm 2011 cho đến ngày Dương bị bắt là hoàn toàn chính xác, các chứng cứ đã rõ ràng nên VKS không tranh luận lại.
Về việc vì sao đề nghị mức án của Nguyễn Văn Dương cao hơn Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh, đại diện VKS giải thích, quá trình điều tra, Dương chỉ nộp hơn 240 tỷ trên tổng số hơn 1.600 tỷ được hưởng lợi, bằng 15% số tiền.
Đại diện VKS nêu rõ, trong tội Tổ chức đánh bạc truy tố bị cáo Dương có khung 3 – 10 năm, trong vụ này, có bị cáo Phan Sào Nam là đồng phạm nhưng đã nộp được 97% trong số hơn 1.400 tỷ đồng hưởng lợi (bằng 97% tiền hưởng lợi). Ngoài ra, bị cáo Nam có nhiều thành tích đóng góp được Bằng khen của Thủ tướng, Bộ TT&TT, đồng thời, có nhiều tình tiết giúp đỡ cơ quan điều tra nhưng không công bố rõ vì là bí mật nghiệp vụ.
Đối với Nguyễn Văn Dương ở mức cao vì trong quá trình điều tra không phải tự nguyện nộp hơn 240 tỷ mà do cơ quan điều tra khám xét, thu được 2 sổ tiết kiệm 150 tỷ và trụ sở công ty ở tầng 4 - 5 không thể nào bán được nên cơ quan điều tra kê biên và gia đình tự nguyện khắc phục.
Trong quá trình điều tra, Dương ban đầu khai, doanh thu được khoảng 800 tỷ và đề nghị cho ra nộp 500 tỷ nhưng quan điểm, nếu nộp sẽ xem xét nhưng đến giờ mới nộp được hơn 240 tỷ.
VKS nhấn mạnh, với những người phạm tội, nếu tự thú, thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp lại các khoản tiền thì mới giảm nhẹ để phân hóa rõ những người nào chấp hành tốt và những người chấp hành chưa tốt.