Thời gian qua, Quốc lộ 5 đoạn qua tỉnh Hải Dương trở thành tuyến đường "tử thần" khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông thảm khốc cướp đi sinh mạng của nhiều người. Câu hỏi đặt ra phải chăng chế tài của chúng ta chưa nghiêm dẫn đền việc các tài xế coi thường pháp luật hay do ý thức của người dân còn chủ quan khi lưu thông trên tuyến đường này.
Năm 2018, trên Quốc lộ 5 qua Hải Dương xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông làm 29 người chết, 13 người bị thương. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã có 21 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến quốc lộ này khiến 28 người chết, 22 người bị thương, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hải Dương, tai nạn giao thông trên tuyến này chủ yếu do lái xe không làm chủ tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; thiếu chú ý quan sát; tránh vượt không đúng quy định. Đáng buồn là những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng giờ đã không còn là chuyện hiếm và nhiều năm rồi, qua rất nhiều hội nghị quốc gia về an toàn giao thông, vẫn chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu để những hậu quả đau lòng ấy không tiếp tục xảy ra.
|
Điểm giao cắt tử thần, nơi hay xảy ra tai nạn. |
Theo ghi nhận của phóng viên VOV, hiện nay hạ tầng giao thông trên tuyến quốc lộ 5 trên địa bàn có nhiều bất cập, nhiều lối mở cho các xe quay đầu không đảm bảo an toàn và thiếu những cảnh báo cho người dân. Nhiều đoạn đường người dân tự ý mở băng qua đường gây mất an toàn giao thông. Với chiều dài hơn 40 km đi qua 4 huyện và thành phố, đây là tuyến đường đồng bằng loại 1, được tổ chức 2 chiều,6 làn đường riêng biệt. Được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 1997, đến nay nhiều đoạn đã xuống cấp, lồi lõm, biến dạng, trở thành những “điểm đen” mất an toàn giao thông. Trên tuyến đường này mật độ dân cư sống hai bên đường ngày càng đông đúc.
Mời quý vị xem video: Khủng khiếp đi ngược chiều gây tai nạn giao thông
Thêm vào đó, một lượng lớn công nhân làm việc tại các khu công nghiệp mọc lên san sát hai bên đường cũng đã tạo áp lực cho không nhỏ cho tuyến đường 5 cũ với lượng xe đi lại như mắc củi, nhất là xe tải hạng nặng và xe khách.
Trung tá Nguyễn Văn Khánh, Trạm trưởng Tram Giao thông Ba Hàng cho biết: "Trên tuyến QL 5 có nhiều điểm giao cắt dân sinh. Thường là lúc đầu giờ buổi sáng công nhân đi làm rất đông nhưng biển báo, mặt đường trồi, lún. Thứ hai, khi đi qua vực đông dân cư không có biển báo hạn chế tốc độ nên cũng có thể là nguyên nhân xảy ra tai nạn".
Theo tiến sỹ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, với mật độ dân cư như vậy, Quốc lộ 5 bây giờ đã trở thành đường phố chứ không thể gọi là đường cao tốc được nữa. Với đặc thù đó, tuyến đường này chỉ nên quy định chạy 50 km/h là hợp lý, và vì vậy tốc độ lên đến 80km/h như hiện nay là không hợp lý với lưu lượng người xe đông đúc như thế. Vì vậy cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý về tốc độ và quản lý lái xe.
"Chúng ta phải nghiên cứu xem bây giờ nhà của nhân dân trên đường sát vào nhau rồi và rất gần quốc lộ. Vì vậy cần xác định đây là khu dân cư liền kề. Như vậy chúng ta phải quy định tốc độ ở khi vực này chỉ là 60km/h, không được chạy 80km/h. Tôi nghĩ rằng biện pháp quản lý tốc độ có thể gây khó chịu cho một số lái xe nhưng đây chính là điều kiện mấu chốt để giải quyết an toàn", TS. Tạo nói.
Cũng theo ông Tạo, khi lái xe đến các đoạn đường này thì phải luôn làm chủ tốc độ và làm chủ mọi điều kiện an toàn. Người lái xe phải làm chủ điều kiện an toàn, đấy mới là mấu chốt. Vì vậy phải giáo dục lái xe như vậy, chứ không phải cứ ôm vô lăng là chạy bạt mạng. Vẫn còn nhiều lái xe đi ẩu và những người lái xe vô trách nhiệm. Đấy chính là nguyên nhân gây tai nạn đáng tiếc. Vì vậy, cần phải siết chặt lại trong đó có siết chặt công tác đào tạo và siết chặt công tác sử dụng lái xe.
Để kịp thời khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Hải Dương sáng 23/7, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương chỉ đạo ngành Y tế tỉnh ưu tiên cao nhất trong việc cứu chữa cho các nạn nhân bị thương, để giảm tối đa thiệt hại về người.
Theo các chuyên gia giao thông, sẽ vẫn còn những bi kịch giao thông nếu khung hình phạt với hành vi gây tai nạn chết người còn quá nhẹ như hiện nay. Xe khách chạy quá tốc độ, xe container tải trọng lớn đi lẫn với xe thô sơ và khi tai nạn xảy ra, người lái xe dù có làm chết nhiều sinh mạng cũng chỉ bị phạt vài chục triệu đồng với vài năm tù rồi đâu lại vào đó. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến lái xe nhờn luật và các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn cứ diễn ra… Tăng nặng hình phạt theo hướng hình sự hoá với chủ xe và tài xế gây tại nạn lúc này được xem là giải pháp cần thiết để không còn những vụ tai nạn nghiêm trọng, coi thường tính mạng người khác./.