Trao đổi với PV ngày 12/8, bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 (Hà Nội) nhận định, phân hóa giàu – nghèo, nhu cầu hưởng thụ gia tăng đã khiến nhiều người bất chấp đạo đức, pháp luật để kiếm tiền. Họ cũng ganh đua, ghen tị, cáu bẳn, oán hận nhiều hơn. Do đó, khi không kiềm chế nổi cơn tức giận họ sẵn sàng phạm các tội ác tày trời để xả giận hoặc đoạt cái mà họ thích.
Trước đó, người dân hoang mang về vụ thảm sát 4 người tại Bát Xát trong đó có 3 trẻ em, Lào Cai. Kẻ thủ ác được xác định là người yêu cũ của người mẹ bị sát hại. Tại TP. Thái Bình (Thái Bình) cũng xảy ra vụ con rể cũ đâm chết mẹ vợ và em vợ (cũ) vì mâu thuẫn tiền bạc.
|
Hiện trường vụ thảm sát ở Lào Cai. Ảnh Công an TP.HCM |
Theo bác sĩ Cương, ngoài những oán hận tồn tích bộc phát thành tội ác, chất “xúc tác” nguy hại nhất khiến bạo lực ngày càng nghiêm trọng chính là ma túy đá. Đây là dạng ma túy khó phát hiện vì không có các hội chứng cai (vật vã, lên cơn thèm như các dạng ma túy khác). Do đó giới trẻ thường thích dùng ma túy đá để tăng kích thích, hưng phấn trong các dịp tụ tập, quậy phá, nếu không có ma túy đá là thấy buồn bực, ỉu xỉu.
“Khi dùng ma túy đá, các đối tượng bị kích thích rất mạnh, xảy ra va chạm, cãi vã, đánh nhau thì rất dễ gây ra các hành vi bạo lực nguy hiểm. Ngoài ra, ma túy đá cũng gây ra hoang tưởng, ảo giác khiến người dùng cho rằng mình bị đe dọa tính mạng nên tấn công trở lại. Đáng sợ nhiều thanh niên khi nhập viện, xét nghiệm cho thấy 4-5 loại ma túy khác nhau. Điều này càng tăng kích thích, tăng các nguy cơ loạn thần, hành vi hung hãn, nguy hiểm” – bác sĩ Cương cho biết.
Còn theo TS-bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Viện Tâm thần T.Ư (Bệnh viện Bạch Mai), áp lực xã hội, sự thay đổi của các giá trị tác động rất mạnh đến cảm xúc, hành vi con người. Xã hội hiện đại sẽ xuất hiện nhiều các đối tượng rơi vào trạng thái kích động mạnh do hoàn cảnh sống quá khó khăn, bị các rủi ro thiên tai, thất nghiệp, nghèo đói. Hoặc những người thường sống trong môi trường bạo lực lớn lên càng trở nên hận thù, bạo lực hơn. Họ thích dùng nắm đấm để giải quyết các mâu thuẫn xã hội, thể hiện “đẳng cấp” mà không sợ, cũng không quan tâm đến việc phải trả giá.
Theo bác sĩ Cương, để hạn chế bạo lực nói chung và các tội ác dã man, các cơ quan chức năng phải có giải pháp để thanh lọc và quản lý các đối tượng có nguy cơ cao về sức khỏe tâm thần, có khả năng biến đổi nhân cách, hành vi hung hãn, bạo lực. Ngoài ra, thúc đẩy phát triển kinh tế cần song song với ổn định cuộc sống, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân. “Khi sức khỏe tâm thần của một xã hội ngày càng sa sút thì hành vi sẽ bị biến đổi, vượt ra khỏi các chuẩn mực đạo đức, luật pháp” – bác sĩ Cương cho biết.