VKSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố Trương Mỹ Lan và 33 bị can giai đoạn 2, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị truy tố về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Rửa tiền hơn 445.000 tỷ, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD
Theo cáo trạng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 1992 đến nay. Ngoài ra, Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI; qua đó thao túng, chỉ đạo, điều hành và chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.
|
Bà Trương Mỹ Lan |
Ở tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ năm 2018 đến năm 2020, Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo các bị can: Đinh Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc thuộc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VTP sử dụng 4 công ty gồm: Công ty An Đông, Công ty Sunny World, Công ty Quang Thuận và Công ty Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống với tổng khối lượng là 308 triệu trái phiếu.
Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp), thu về tổng số tiền 30.081 tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Ở tội “Rửa tiền”, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền là 445.748 tỷ đồng thông qua tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và phát hành trái phiếu trên.
Trong quá trình chiếm đoạt số tiền này, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền tiền do phạm tội mà có.
Số tiền này chủ yếu để chi trả các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB; trả nợ giữa các công ty và cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau; chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng khống.
Ở tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, Trương Mỹ Lan bị cáo buộc cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỷ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật. Tổng số được vận chuyển trái phép tương đương hơn 106.730 tỷ đồng. Trương Mỹ Lan khai, tiền chuyển về Việt Nam là đi vay, còn ở chiều ngược lại là trả nợ. VKSND truy tố bị can Trương Mỹ Lan và 8 bị can về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, quy định tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự năm 2015.
Chiều 11/4, TAND TPHCM đã tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan. Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị tuyên phạt mức án tử hình tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt là tử hình, đồng thời, buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường cho Ngân hàng SCB hơn 673.800 tỷ đồng.
Kê biên khối tài sản khủng giai đoạn 2
Trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, cơ quan điều tra đã thu giữ, ngăn chặn giao dịch, kê biên nhiều tài sản để khắc phục hậu quả vụ án.
Cụ thể, tổng số tiền thu giữ trong vụ án là 408 tỷ đồng. Cơ quan điều tra phong tỏa 79 tài khoản của các bị can với tổng số tiền 92 tỷ đồng và 5.799 USD. Cơ quan điều tra cũng ngăn chặn giao dịch đối với 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị can, người liên quan và các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỷ đồng và 261.914 USD.
Cơ quan điều tra đã kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, phần vốn góp liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan và các bị can, cá nhân khác tại 9 công ty gồm: Công ty cổ phần Twin Peaks; Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành; Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1; Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam; Công ty cổ phần dược phẩm Đông Dược 5; Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông; Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thủy; Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát; Công ty Chứng khoán TVSI.
Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên nhiều bất động sản của bà Trương Mỹ Lan. Theo đó, cơ quan chức năng đã kê biên các tài sản nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất của bị can Trương Mỹ Lan và liên quan đến bị can này gồm: Thửa đất địa chỉ 181 Bến Chương Dương (nay là 268 Võ Văn Kiệt), phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM; thửa đất địa chỉ lô đất CN1 khu công nghiệp Nội Bài, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội; 76 quyền sử dụng đất tại xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; 16 quyền sử dụng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM.
Liên quan vụ án, nhiều bị can khác cũng bị kê biên nhà đất. Bị can Tô Thị Anh Đào, phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, bị kê biên 4 tài sản nhà đất và tài sản gắn liền với đất có địa chỉ ở quận 11, huyện Nhà Bè, quận 10 (TP HCM). Bị can Bùi Đức Khoa, Phó Tổng giám đốc Công ty Natural Land, bị kê biên 2 tài sản nhà đất có địa chỉ ở quận Gò Vấp, TP HCM; 1 tài sản nhà đất ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Luật sư nước ngoài giúp Trương Mỹ Lan chuyển hơn 34.000 tỷ đồng qua biên giới
Theo cáo trạng, Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Anh và Bắc Ireland) được xác định là luật sư, đại diện cho Trương Mỹ Lan quản lý các công ty, tổ chức nước ngoài thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát.
Chiu Bing Keung Kenneth tạo lập loạt hợp đồng khống giữa các công ty trong nước với công ty nước ngoài để làm hồ sơ chuyển tiền đi và ngược lại.
Từ năm 2014 đến 2022, tổng số tiền các công ty này chuyển đi là hơn 556 triệu USD (tương đương gần 13.000 tỷ đồng) và nhận về hơn 940 triệu USD (hơn 21.000 tỷ đồng). Như vậy, Chiu Bing Keung Kenneth đã giúp Trương Mỹ Lan chuyển hơn 34.000 tỷ đồng trái phép qua biên giới.
Một người nước ngoài khác cũng bị cáo buộc giúp bà Lan chuyển tiền trái phép là Chen Yi Chung (quốc tịch Hong Kong, Trung Quốc). Cơ quan tố tụng xác định từ tháng 10/2020 - 5/2021, Chen Yi Chung là quyền Tổng giám đốc SCB và đã thực hiện 13 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài hoặc nhận về Việt Nam cho các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát.
Phương thức chuyển tiền cũng bằng các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, hợp đồng vay tiền... giữa các công ty ở Việt Nam với các công ty, tổ chức nước ngoài.
Chen Yi Chung bị cáo buộc tham gia 12 giao dịch chuyển tiền đi với tổng số tiền gần 674 triệu USD (tương đương hơn 15.000 tỷ đồng) và một giao dịch chuyển tiền về Việt Nam 35 triệu USD (hơn 800 tỷ đồng).
Quá trình điều tra, Trương Mỹ Lan khai chỉ đạo Chen Yi Chung phối hợp với các cá nhân tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và lãnh đạo Ngân hàng SCB lập các hợp đồng khống, phê duyệt chuyển tiền. Kết quả nhận dạng qua ảnh, các bị can và những người liên quan khác đều nhận ra Chen Yi Chung.
Cảnh sát đã đề nghị tương trợ tư pháp tới Hồng Kông (Trung Quốc) và Anh, đề nghị xác minh Chiu Bing Keung Kenneth, Chen Yi Chung về các nội dung liên quan vụ án Trương Mỹ Lan, Tuy nhiên, đến nay các yêu cầu tương trợ tư pháp chưa có kết quả.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt giam 2 cha con đại gia Thiện Soi ở TX.Phú Mỹ về tội rửa tiền