Vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vừa tống đạt quyết định Quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc; áp dụng các biện pháp ngăn chặn “tạm hoãn xuất cảnh”, “cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải và Ngô Tuyết Phương - Giám đốc Công ty TNHH Luật Hà Nội để điều tra về hành vi trốn thuế đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Cùng bị khởi tố liên quan hành vi trốn thuế còn có hai bị can gồm Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, trú tại phường Vĩnh Hải (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa); Khởi tố bị can đối với Ngô Văn Lắm (trú tại phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
|
Luật sư Trần Vũ Hải. |
Dù hiện nay thông tin chi tiết về vụ việc chưa được công bố và hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án nhằm làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của các bị can và người liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa tống đạt các quyết định khởi tố với 4 bị can trên đều dựa trên căn cứ kết quả điều tra và tài liệu xác minh thu thập được cho thấy, các bị can đã có hành vi “trốn thuế”.
Theo thông cáo báo chí được đăng tải trên trang cá nhân của luật sư Trần Vũ Hải cho thấy, phía cơ quan điều tra cho rằng vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải đã ký vào những giấy tờ mua bán nhà đất tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà vào 10/08/2016. Theo cơ quan này, việc ký vào các giấy tờ này đã đã giúp người bán trốn thuế với số tiền là 276 triệu đồng. Như vậy, vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải bị khởi tố do có hành vi được coi là giúp sức trốn thuế cho người bán nhà đất.
Vụ việc vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải bị khởi tố liên quan hành vi trốn thuế gây bất ngờ với dư luận.
Bởi thuế là nguồn thu quan trọng của quốc gia và là khoản nộp mang tính nghĩa vụ bắt buộc của các pháp nhân và thể nhân đối với Nhà nước không mang tính đối giá hoàn trả trực tiếp. Thực tế, một nền tài chính quốc gia lành mạnh phải dựa chủ yếu vào nguồn thu từ nội bộ nền kinh tế quốc dân.
Trong đó, thuế được coi là khoản thu quan trọng nhất vì khoản thu này mang tính chất ổn định. Ngoài ra, thuế còn là công cụ góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Do vậy, tội trốn thuế xâm phạm quy định của Nhà nước về thuế, gây nên tình trạng thất thu thuế, gây tổn hại lớn cho thu ngân sách nhà nước. Thất thu thuế là một hiện tượng thực tế khách quan vốn có của bất kỳ hệ thống thuế khoá nào. Nó phản ánh hai mặt của một vấn đề gồm lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người nộp thuế. Trên thực tế thì hai lợi ích này thường mâu thuẫn với nhau. Nhà nước luôn có khuynh hướng tăng nguồn thu từ thuế, trong khi đó người nộp thuế luôn mong muốn càng giảm số thuế phải nộp càng nhiều càng tốt. Hay nói cách khác, ở đâu có thuế khoá thì ở đó có thất thu.
Thực tế, ở bất kỳ đất nước văn minh nào thì đóng thuế cũng là nghĩa vụ hiển nhiên mà mọi người dân đều phải tôn trọng.
Tại Trung Quốc, năm 2018, một loạt các tên tuổi nổi tiếng bị cáo buộc gian lận thuế bằng cách ký kết 2 hợp đồng với nhà sản xuất, một hợp đồng chính với mức thù lao thấp được nộp cho Cục Thuế và một hợp đồng khác chỉ có 2 bên giữ (mức thù lao thật), cao gấp nhiều lần như nữ hoàng giải trí của Trung Quốc - Phạm Băng Băng - phải nộp bổ sung khoảng 130 triệu USD (343 tỷ đồng) tiền thuế. Trước đó, vào năm 2002, Lưu Hiểu Khánh - nữ diễn viên nổi tiếng đóng bộ phim Võ Tắc Thiên bị phanh phui chuyện trốn thuế thu nhập lên tới 1,2 triệu USD và phải bị ngồi tù hơn 400 ngày. Hay như tại Hàn Quốc năm 2014, Song Hye Kyo - ngọc nữ của điện ảnh Hàn Quốc cũng bị điều tra do không đóng đủ thuế. Mặc dù sau đó nhanh chóng nộp lại số tiền thuế còn nợ và công khai xin lỗi, tuy nhiên, cô vẫn bị chỉ trích dữ dội.
Ngoài ra, nhiều cầu thủ nổi tiếng trên thế giới đã từng dính bê bối trốn thuế như Christiano Ronaldo bị buộc tội trốn 14,7 triệu euro tiền thuế từ thu nhập bản quyền hình ảnh từ năm 2011- 2014 thông qua công ty bình phong mang tên Tollin Associates, đăng ký hoạt động ở Quần đảo Virgin. Ban đầu, siêu sao bóng đá Bồ Đào Nha luôn miệng tuyên bố mình trong sạch. Nhưng đến tháng 6/2018, Ronaldo thừa nhận tội trạng và nộp phạt 16,7 triệu euro để tránh án tù 2 năm.
Tương tự, siêu sao bóng đá người Argentina - Lionel Messi và cha là ông Jorge Messi - bị kết án 21 tháng tù treo do 3 lần trốn thuế từ khoản thu nhập 4,1 triệu euro bản quyền hình ảnh từ năm 2007 đến 2009. Họ lập các công ty bình phong ở Uruguay và Belize để che đậy khoản thu nhập này. Gia đình số 10 của Barca phải nộp tổng cộng 3,5 triệu euro để thoát cảnh tù tội.
Những vụ việc trên cho thấy, dù là bất kỳ ai, ở bất kỳ quốc gia nào khi có hành vi trốn thuế đều không những bị truy thu, nộp phạt mà còn phải ra trước công luận xin lỗi và vẫn phải mang án, bị dư luận chỉ trích nặng nề.
Vậy nhưng, một luật sư có hiểu biết về thuế và nghĩa vụ đóng thuế, Luật sư Trần Vũ Hải và vợ cũng là một luật sư đương nhiên phải nắm rõ hơn ai hết và càng nắm rõ hơn việc trốn thuế sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, tội trốn thuế là hành vi khai báo gian dối trong sản xuất, kinh doanh để không phải đóng thuế hoặc đóng mức thuế thấp hơn nhiều so với mức phải đóng, tội trốn thuế đã được sửa đổi về số tiền trốn thuế trong Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung, với hình phạt nghiêm khắc nhất là bảy năm tù và phạt tiền gấp ba lần số tiền trốn thuế.
Tuy nhiên, biết rõ hành vi trốn thuế của mình là nguy hiểm cho xã hội và sẽ phải chịu kết đắng nhưng vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Dư luận cho rằng, cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa cần phân tích và xem xét kỹ lưỡng về bản chất hành vi để tiến hành xác minh và kết luận cụ thể, rõ ràng mức độ vi phạm của các cá nhân và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.