Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện tổng số bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đã lên 148 trường hợp. Diễn biến Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Trước tình trạng trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết để hạn chế tối đa tụ tập đông người, nhất là các dịch vụ như nhà hàng, quán karaoke. Các đám cưới, đám tang cũng phải hạn chế tụ tập đông người...
Trong khuyến cáo mới phát đi ngày 26/3, Bộ Y tế cũng yêu cầu người dân không ra đường, nếu không có việc thực sự cần thiết. Những người trên 60 tuổi cần ở nhà toàn bộ thời gian. Ngoài ra, các địa phương chấp hành nghiêm quy định tạm thời dừng hoạt động tại các điểm vui chơi, giải trí; xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.
Thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã ban hành công văn, quyết định yêu cầu người dân không tụ tập đông người, tạm dừng các hoạt động tại các điểm văn hóa, di tích, điểm vui chơi, giải trí để ngăn ngừa phòng dịch.
Tuy nhiên, thực tế không ít người vẫn bất chấp các quy định, không tự giác, nghiêm túc chấp hành các khuyến cáo như việc mới đây, ngày 24/3, hàng trăm người dân vẫn chen lấn đi lễ phủ Tây Hồ vào ngày 24/3 (tức mùng 1 tháng 3 âm lịch), trong đó nhiều người không đeo khẩu trang. Vậy nếu cố tình vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào?
|
Nhiều người vẫn đi lễ tại Phủ Tây Hồ bất chấp khuyến cáo không tập trung nơi đông người. Ảnh: Zing. |
Địa phương phải ra quyết định cấm mới có thể xử phạt?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện Covid-19 đang bùng phát, khó kiểm soát có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Hiện nay, ở nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành lệnh cấm đi lại, cấm tụ tập và quy định rất vụ thể người dân được đi lại đến đâu, bao nhiêu người, tụ tập với ai...để phòng chống dịch bệnh Covid-19, nếu hành vi vi phạm sẽ có quy định chế tài cụ thể. Thậm chí, một số quốc gia quy định cụ thể chỉ được ra đường cùng với người thân, nếu tiếp xúc với người khác thì sẽ bị xử phạt tiền hoặc phạt tù.
Ở Việt Nam hiện nay việc đi lại, tụ tập đông người chỉ bị khuyến cáo là hạn chế, “không nên” chứ không chưa ban hành lệnh cấm cụ thể nên chưa đủ căn cứ để áp dụng các chế tài hành chính hoặc hình sự, trừ trường hợp việc tụ tập đó vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm đối với người tham gia phòng chống dịch bệnh và người có nguy cơ mắc bệnh. Nhiều địa phương tạm đóng cửa một số khu vực vui chơi, giải trí, tụ tập đông người nhưng có quy định cấm người dân tụ tập đông người, cũng không quy định cụ thể bao nhiêu người được gọi là đông.
Trong bối cảnh hiện nay, vẫn nhiều người tụ tập ở các quán cà phê, các cơ sở tôn giáo dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bởi vậy, đến lúc cần tính đến lệnh cấm tụ tập đông người làm cơ sở áp dụng các chế tài và thể hiện những biện pháp mạnh tay hơn nữa của chính quyền đối với việc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho cộng đồng và người dân. Các địa phương sẽ phải ban hành các Quyết định hành chính cá biệt hoặc các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để thực hiện các giải pháp để chống dịch.
Luật sư Cường cho rằng, thời gian qua, có một số địa phương đã ban hành công văn để chỉ đạo yêu cầu nội dung trên. Tuy nhiên, không thể áp dụng các biện pháp Chống dịch, hạn chế các quyền tự do cơ bản của công dân bằng có công văn.
“Bản thân “Công văn” chỉ đạo cũng chỉ là văn bản chuyển tin, không phải là văn bản áp dụng pháp luật, cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không thể căn cứ vào đây để áp dụng các biện pháp mạnh tay như các chế tài hành chính hoặc hình sự”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Luật sư Cường cho rằng, nếu Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành lệnh cấm tập trung đông người nơi công cộng thì phải ghi rõ cấm tập trung ở những nơi nào? Số lượng người bao nhiêu thì bị cấm ?... Văn bản đó phải ban hành là một Quyết định hành chính do Chủ tịch uỷ ban nhân dân ký mới có giá trị pháp lý.
Ngoài ra, việc ban hành văn bản cấm tụ tập đông người nơi công cộng phải có nội dung, thẩm quyền và căn cứ vào quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và điều 17, Nghị định 101/2010/NĐ-CP Của chính phủ hướng dẫn thi hành luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Bởi với những khuyến cáo, cảnh báo sẽ không áp dụng chế tài về xử phạt hành chính. Tuy nhiên đối với các hành vi đã có quy định cấm mà vi phạm quy định cấm thì sẽ áp dụng chế tài hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, những quy định bằng văn bản có tính chất bắt buộc mà người dân không thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính theo các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực về an ninh trật tự, an toàn xã hội hay lĩnh vực về y tế.
Khi quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện áp dụng đối với nơi công cộng thuộc phạm vi huyện hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh áp dụng đối với nơi công cộng trong phạm vi địa phương để hạn chế tập trung đông người được ban hành theo đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền, đúng nội dung thì sẽ có hiệu lực pháp luật. Người nào vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định.
“Về nguyên tắc, quyền tự do của cá nhân có quyền tự do đi lại, cư trú, quyền tự do về nhân thân, tự do về hình ảnh, tự do về bí mật đời tư cá nhân, tự do kinh doanh... sẽ được pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Tuy nhiên, ở các tình huống như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh các quyền tự do đó sẽ bị hạn chế vì lợi ích chung của cộng đồng. Bởi vậy, chính quyền hoàn toàn có căn cứ vào các sự kiện bất khả kháng đó để ban hành các lệnh cấm, lệnh hạn chế có tính chất đặc thù trong thời điểm thiên tai, dịch bệnh để hạn chế quyền tự do đi lại, cư trú, hội họp của công dân, thậm chí có quyền áp dụng các quy định về trưng thu, trưng dụng tài sản của tổ chức, cá nhân để thức phục vụ cho hoạt động phòng chống dịch bệnh”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Đồng thời theo luật sư Cường, khi chính quyền chưa ban hành các lệnh cấm, hạn chế quyền tự do cá nhân, các quyền này chỉ bị người dân tự hạn chế do các khuyến cáo của chính quyền địa phương vì lợi ích bản thân họ và vì trách nhiệm với cộng đồng. Về nguyên tắc, các chế tài hành chính hoặc hình sự chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm pháp luật, nói cách khác trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó, hành vi vi phạm pháp luật chính là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật như vi phạm điều cấm hoặc không tuân thủ các quy định của pháp luật. Còn các văn bản pháp luật như luật và các văn bản dưới luật chưa quy định hành vi bị cấm mà chỉ để ở dạng khuyến khích, khuyến cáo thì không thể áp dụng chế tài.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Vi phạm lệnh cấm tập trung đông người, sẽ bị xử lý hình sự khi nào?
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc xử phạt với cá nhân, tổ chức không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch sẽ bị xử phạt theo quy định tại điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, điều 11 quy định: 1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; b) Không thông báo Ủy ban nhân dân và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; b) Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch; b) Thực hiện việc thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; b) Đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; b) Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; c) Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; d) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng theo khoản 7 điều này. Cụ thể: a) Buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này; b) Buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước; c) Buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 5 và Điểm d Khoản 6 Điều này.
Luật sư Cường cho rằng, trường hợp vi phạm lệnh cấm tập trung đông người nơi công cộng mà còn dẫn đến hậu quả làm lây lan dịch bệnh đến mức phải công bố tình trạng dịch bệnh, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 240 bộ luật hình sự năm 2015 về Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người với mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng lên đến 12 năm tù, đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nhà nước, với tổ chức và cá nhân.
Bởi vậy, khi các địa phương đã ban hành lệnh cấm tụ tập, tập trung đông người, người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng, trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật Việt Nam hiện hành.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng: Cuộc chiến chống Covid-19 bước vào giai đoạn 3