Trong hai ngày liên tiếp 6/8 và 7/8, tàu SP2 chở khách từ Lào Cai về Hà Nội bị trật bánh hai lần tại cùng một vị trí khi vào ga Yên Viên khiến hành khách không khỏi lo ngại về an toàn giao thông đường sắt. Sự cố hy hữu của ngành đường sắt đang được Tổng công ty đường sắt Việt Nam khẩn trương điều tra nguyên nhân.
|
Ngành đường sắt cẩu toa tàu bị trật bánh lên đường ray vào trưa 7/8. Ảnh: Trần Thường/Vietnamnet. |
Liên quan đến sự cố tàu hỏa trật bánh tại ga Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Vượng, GĐ Cty Đường sắt Hà Hải – đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý duy tu, sửa chữa hệ thống đường sắt qua Yên Viên, khẳng định trên báo Tiền Phong: Các nguyên nhân ban đầu được xác định là do ghi và ray. Sau sự cố với tàu SP 2 ngày 6/8, hơn 10 đoàn tàu đã thông qua đoạn đường sửa chữa an toàn. Các nguyên nhân từ các toa tàu cũng được loại bỏ. Tuy nhiên, sáng 7/8 lại xảy ra với tàu SP 2 (đã thay các toa tàu bị trật bánh trước đó).
"Với tình hình đó, để đánh giá nguyên nhân rất khó. Hiện chúng tôi đang làm rõ việc có phải do độ dài của đoàn tàu khách tác động đến ghi và đường ray hay không vì đoàn tàu khách từ Lao Cai về thường cố số toa nhiều hơn các đoàn tàu khác qua khu vực này, lên đến 16, 17 toa" - ông Vượng cho hay.
Mời độc giả xem video "Hiện trường cẩu tàu hỏa trật bánh ở ga Yên Viên" (Nguồn: Vietnamnet):
Cũng trả lời VTC News về sự việc, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngành đang tập trung xem xét nguyên nhân. Theo ông Hoạch, việc tàu trật bánh khỏi đường ray là chuyện có thể xảy ra, tuy nhiên việc tàu trật bánh 2 lần tại một vị trí lại là chuyện hy hữu.
“Rất may, cả hai lần xảy ra tai nạn may mắn không có thương vong về người. Hiện, một tổ công tác của đơn vị đang rà soát, kiểm tra toàn bộ các yếu tố liên quan nhằm xác định nguyên nhân gây trật bánh. Đây là việc hy hữu, nguyên nhân dẫn đến 2 sự cố liên tiếp trong 2 ngày qua tại ga Yên Viên nghiêng về yếu tố kỹ thuật nhiều hơn”, ông Hoạch cho biết.
Về thông tin cho rằng, các ghi nơi xảy ra sự cố mới được thay thế nhưng đã hỏng, cả ba ghi đều đã được sử dụng hàng chục năm nay chưa được thay thế, ông Hoạch cho biết, cả hai vụ việc trên đều không phải do lỗi chủ quan của con người, chủ yếu là do kĩ thuật.
“Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể, chúng tôi còn phải điều tra, phân tích vì có nhiều yếu tố từ tốc độ, thành phần đoàn tàu, phương tiện, đường cong, ghi, địa hình”, ông Hoạch nói.
Các chuyên gia kỹ thuật đặt ra nhiều nghi vấn liên quan đến sự cố đường sắt hy hữu này. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ân, nguyên chuyên gia kĩ thuật Vụ KH-CN (Bộ GTVT) cho biết, trật bánh toa xe thường có hai nguyên nhân. Một là do bánh xe phía trước có vấn đề, hai là do đường.
“Ở sự cố thứ nhất ngày 6/8, tôi đã suy đoán chắc đường không có vấn đề vì nếu do đường, đoàn tàu phải trật bánh ở những toa đầu. Đằng này, tàu đã đi qua vị trí đó gần hết, đến toa xe thứ 16 mới bị trật, vì thế tôi nghĩ rằng do bản thân toa đó có vấn đề”.
"Tuy nhiên, sau đó lại tiếp tục xảy ra sự cố thứ hai ngày 7/8, lần này trật bánh 2 toa. Không lẽ hai đoàn tàu này lại có các toa xe cuối cùng đều có vấn đề kĩ thuật? Như vậy phi lý, không thể trùng hợp thế được”, ông Nguyễn Ân nói.
“Tôi cho rằng, cần xem lại việc sửa chữa đường sau lần trật bánh thứ nhất có đảm bảo kĩ thuật không. Thực ra, vấn đề không có gì nghiêm trọng vì đó là đoạn đường sau khi đã bẻ ghi để tàu chuyển đường vào. Ở ghi có những lưỡi ghi để chuyển làn đường, theo tôi có vấn đề về tiếp xúc, cần xem lại”, ông Ân nói thêm.
Trước mắt, ngành đường sắt yêu cầu các đoàn tàu khách qua cụm ghi N112-120 chỉ được chạy với tốc độ 5km mỗi giờ. Tàu chuyển hướng vào ga sẽ đi trên đường số 3 của ga Yên Viên, nghĩa là tàu chỉ phải vượt qua một đoạn đường cong khi chuyển hướng, thay vì hai đoạn cong nếu đi vào đường số 2 như trước.