Theo đề án tuyển sinh dự kiến năm 2019 của ĐH Sư phạm TP.HCM, trường yêu cầu học sinh nữ phải cao từ 1,5 m, nam từ 1,55 m trở lên mới được thi ngành sư phạm.
Trả lời Zing.vn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết quy chế tuyển sinh cho phép các trường đại học được yêu cầu sơ tuyển. Thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường.
Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích trường quy định các yêu cầu, điều kiện riêng để hướng tới việc lựa chọn thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề, có khả năng sư phạm..., nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Các quy định khác do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình để xây dựng chính sách chất lượng, khả năng có việc làm của sinh viên và xây dựng “thương hiệu”.
Tuy nhiên, quy định đó phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện chính sách phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho rằng các trường có quền tự chủ tuyển sinh nhưng quy định phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho thí sinh, không được thể hiện chính sách phân biệt đối xử. Ảnh: T.T. |
Trước đó, ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo, ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết quy định về chiều cao đối với thí sinh thi ngành sư phạm là hợp lý và có cơ sở khoa học.
Nhà trường rất quan tâm sức khỏe của người dự tuyển, định hướng đào tạo cung cấp nguồn nhân lực trong ngành giáo dục đủ sức khỏe, đủ khả năng thích nghi và có sức bền nghề cao, nên tiêu chí sức khỏe là quan trọng.
Tiêu chí này được nhà trường tiếp tục sử dụng để phục vụ cho việc tuyển sinh một thế hệ giáo viên mới, đủ sức khỏe, đủ khả năng thích nghi và có sức bền nghề nghiệp, nhằm đón đầu đòi hỏi của xã hội, mong mỏi của phụ huynh về lớp nhà giáo hiện đại, có sức khỏe, quyết tâm nghề.
Ông Lê Phan Quốc cũng cho biết thêm học sinh nào có nhu cầu trở thành sinh viên ngành sư phạm của trường đều được xem xét chi tiết, cũng như đảm bảo tính công bằng. Chúng ta cũng cần nhất quán quan điểm trân quý những nhà giáo đã có đóng góp trước đó cho ngành, dù có khó khăn nhất định về sức khỏe, thể chất.
Theo thầy Nguyễn Văn Thuật, giảng viên bộ môn Địa lý, ĐH Đồng Nai, việc loại bỏ học sinh vào ngành sư phạm dựa trên thể hình chứ không phải trí tuệ là phản giáo dục.
Người đi dạy quan trọng nhất là tri thức, kỹ năng giảng dạy; hình thức là thứ yếu. Trường sư phạm cần tuyển những người có lòng yêu nghề, tri thức.
PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - lại tán thành quy định của ĐH Sư phạm TP.HCM, tuy nhiên ngoài tiêu chuẩn chung nên có thêm dòng "trừ những trường hợp đặc biệt".
Ví dụ, sinh viên có năng khiếu, tố chất nghệ thuật hay thông minh đặc biệt, đồng thời đam mê ngành sư phạm, có thể được hội đồng nhà trường xem xét. Điều này giúp trường không bỏ lỡ sinh viên tài năng. Còn lại, sinh viên không phù hợp sư phạm có thể vào ngành khác.