Năm 2018, trường CĐ Sư phạm Nghệ An tuyển sinh 160 chỉ tiêu cho các khối ngành sư phạm gồm sư phạm Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh học và Sư phạm Ngữ văn.
Trường xét tuyển theo 2 hình thức dựa vào điểm thi THPT quốc gia và điểm học bạ của thí sinh.
Đến nay, ngành Sư phạm Mầm non với mức điểm chuẩn là 15 đã có 80 thí sinh trúng tuyển, ngành Giáo viên Tiểu học khoảng 15-17 thí sinh, Sư phạm tiếng Anh có 3 thí sinh trúng tuyển. Tuy nhiên, đáng chú ý, với các ngành như Sư phạm Toán, Ngữ Văn, Sinh học, trường không có thí sinh trúng tuyển.
|
Nhiều trường CĐ Sư phạm khó tuyển sinh. (Ảnh minh họa) |
Lý giải điều này, ông Trần Anh Tư, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Nghệ An cho biết, những ngành này số lượng thí sinh đăng ký quá ít, hơn nữa lại là các nguyện vọng thứ 3, 4, 5. Nếu lấy điểm thấp, cũng chưa chắc thí sinh có đỗ vào trường hay không hay sẽ đỗ ở các nguyện vọng trước. Nếu thí sinh đỗ vào trường thì cũng không thể mở lớp chỉ với 1-2 sinh viên. Do đó trường lấy mức điểm 20 để các em có thể trúng tuyển vào các trường khác. Hơn nữa, lượng giáo viên dôi dư tại Nghệ An hiện nay cũng tương đối lớn, nên nếu học xong cũng sẽ rất khó xin việc.
Theo ông Tư, tình trạng này không phải chỉ mới diễn ra năm nay mà đã kéo dài 3 năm qua. Dù chỉ tiêu vào các ngành Sư phạm Toán, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh để phục vụ cho các trường THCS chỉ 10 sinh viên mỗi năm, nhưng cũng không thể tuyển sinh đủ. “Chỉ cần 10 sinh viên mỗi lớp, các em đáp ứng được điểm chuẩn, thì chúng tôi vẫn sẽ đào tạo, nhưng tình hình tuyển sinh rất khó khăn”, ông Nguyễn Anh Tư cho hay.
Theo vị lãnh đạo nhà trường, đây là vấn đề chung mà nhiều trường CĐ Sư phạm hiện nay đang gặp phải. Đặc biệt, năm 2018, trong bối cảnh Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn đại học, các trường hoàn toàn được tự chủ tuyển sinh, điểm chuẩn nhiều trường đại học không cao, cộng thêm tâm lý chuộng bằng cấp sẽ càng làm công tác tuyển sinh các trường cao đẳng thêm khó khăn. Chưa kể đến việc Nghệ An nói riêng và nhiều tỉnh thành khác nói chung đều đang bão hòa giáo viên bậc THCS, cơ hội việc làm sau khi ra trường hết sức khó khăn.
Tương tự, mùa tuyển sinh tại trường CĐ Sư phạm Huế năm nay cũng không kém phần đìu hiu. Ông Nguyễn Viết Thanh Minh, Phó trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Sư phạm Huế cho hay, chỉ tiêu khối ngành sư phạm là 146, đến nay nhà trường đã phát giấy gọi nhập học tới 129 thí sinh, song chưa hết thời gian đăng ký nhập học nên vẫn chưa thể biết con số chính xác số thí sinh sẽ học tại trường là bao nhiêu.
“Một số ngành như Sư phạm Toán có tổng chỉ tiêu là 15, nhưng đến nay mới có 11 em đăng ký, ngành Sư phạm Hóa không thể tuyển sinh do không có thí sinh nào nộp hồ sơ. Đến sau ngày 28/8, nếu ngành Sư phạm Toán đạt được 11 thí sinh xác nhận nhập học thì trường vẫn mở lớp và tuyển tiếp nguyện vọng bổ sung cho đến khi đủ chỉ tiêu. Một số ngành khác cũng rất khó khăn”, ông Minh cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Thanh Minh, trong trường hợp không thể tuyển sinh bằng điểm thi THPT quốc gia, nhà trường sẽ cân nhắc đến việc xét theo học bạ.
Không rơi vào tỉnh cảnh có ngành “vườn không nhà trống” trong mùa tuyển sinh năm nay, nhưng trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk cũng đang thấp thỏm, đón đợi từng thí sinh.
Ông Nguyễn Trọng Hòa, Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk cho biết: “Khối ngành đào tạo giáo viên cho các trường THCS nhìn chung đều khó khăn. Hiện tại mỗi ngành đều có từ 5-7 hồ sơ nộp vào, hy vọng sẽ đạt được chỉ tiêu 20 thí sinh/ ngành. Chúng tôi cho rằng, tuyển sinh khó khăn là vấn đề chung của các trường Sư phạm năm nay do một lượng lớn giáo viên đang dôi dư, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các em”.
Cũng theo ông Hòa, nếu trong trường hợp trường số lượng thí sinh đăng ký quá ít, sẽ phải tính đến phương án vận động thí sinh chuyển sang học các ngành học lân cận. Ví dụ Sư phạm Toán có thể chuyển sang Sư phạm Hóa, Vật lý, hay Sư phạm Ngữ văn chuyển sang các ngành về Lịch sử, Địa lý trong điều kiện thí sinh đảm bảo đáp ứng được mức điểm sàn và điểm chuẩn của các ngành này.
Giải thể bớt trường, đảm bảo đầu ra
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng những hiện tượng này cho thấy thực trạng bi đát trong tuyển sinh ngành Sư phạm hiện nay.
“Ngành Sư phạm điểm không quá cao, thế nhưng hiện nay thí sinh cũng chẳng còn mặn mà, nên mới dẫn đến chuyện vừa thừa, vừa thiếu giáo viên. Đáng ra các trường đã ra công bố tuyển sinh, trong trường hợp không đủ chỉ tiêu, thì cần có cách giải quyết, không thể đem con bỏ chợ. Việc này còn cho thấy kế hoạch nhân sự của ngành kém. Nếu nhiều năm trường không thể tuyển sinh được ngành nào thì Bộ không nên giao chỉ tiêu năm sau của ngành đó. Trường hợp các ngành tuyển sinh được quá ít, không đủ chỉ tiêu, thì cần tính đến việc liên kết, gửi đào tạo tới các trường khác. Tình trạng này kéo dài thì Bộ nên đề xuất hợp nhất các trường lại, tránh hoạt động manh mún, thiếu hiệu quả như hiện nay”, GS.TS Phạm Tất Dong phân tích.
Tuy nhiên, điều khiến GS Dong băn khoăn hơn cả là trong công tác tuyển sinh ngành Sư phạm, Bộ GD-ĐT mới chỉ thắt chặt đầu vào, mà chưa rõ đầu ra cho sinh viên. Đặc biệt, trước những vụ cho thôi việc hàng loạt giáo viên hợp đồng tại một số địa phương như hiện nay thì việc các trường Cao đẳng Sư phạm không thể tuyển sinh cũng là điều dễ hiểu.
Chuyên gia này cho rằng, đây là bài toán khó cho ngành giáo dục, song dù khó đến đâu cũng nhất thiết phải tìm được lời giải để tránh tình trạng nay thừa, mai thiếu giáo viên, môn này dôi dư, môn kia lại khan hiếm.
Theo đó, Bộ GD-ĐT muốn tuyển chọn người giỏi vào ngành Sư phạm thì cũng cần có những chính sách ưu tiên tương đồng.
“Nếu coi giáo dục là cỗ máy cái của xã hội thì cần có sự đầu tư xứng đáng, làm sao để đảm bảo được cả đời sống giáo viên, ưu tiên cho ngành Sư phạm. Nếu chỉ thắt chặt cửa vào, nhưng lại không đảm bảo cửa ra thì ngành Sư phạm sẽ đứng trước nguy cơ không thể tuyển sinh, tương lai xa sẽ lại không thể đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh”, GS.TS Phạm Tất Dong nêu rõ./.