Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp, thì mới đây nhiều phụ huynh của trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) ở TP HCM nhận được thông báo của trường về việc đóng học phí còn lại của năm học 2019 - 2020 (đối với những phụ huynh nào chưa đóng trọn năm học). Theo đó, nhà trường yêu cầu phụ huynh phải đóng đủ 100% tiền học phí của học phần thứ 4 trước ngày 25/4 dù học sinh không được đến lớp, chỉ học online.
Ngay sau khi nhận được thông báo, các phụ huynh đã vô cùng bức xúc và phản đối gay gắt với chính sách thu học phí của trường này. Dư luận đặt ra câu hỏi rằng việc thu học phí của trường có thực sự hợp lý hay không?
Liên quan đến vấn đề trên, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Phó Giám đốc TAT Law firm.
Theo đó, luật sự Thảo cho rằng, việc thu học phí được thực hiện theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Về cơ bản, các trường quốc tế, trường tư thục có quyền tự quyết định mức thu học phí và việc thu học phí sẽ được thực hiện theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh, được thông báo công khai ngay từ đầu năm học, khóa học cho từng năm và cả lộ trình.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, học sinh đã phải nghỉ học thời gian dài, vì vậy việc thu học phí sẽ có những thay đổi nhất định, phù hợp với tình hình thực tế. Tại Khoản 1 Điều 9 của Nghị định có quy định:
“Khi xảy ra thiên tai, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc vùng bị thiệt hại” - luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo nói.
|
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo. |
Bên cạnh đó, ngày 27/2, Sở GD & ĐT TPHCM đã có thông báo hướng dẫn về việc thu học phí trong thời gian nghỉ vì dịch COVID-19.
Theo đó, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, các trường công lập, ngoài công lập từ mầm non đến THPT, các trung tâm GDTX, các trường trung cấp, cao đẳng chỉ thu học phí và các khoản thu khác trong thời gian thực học, học phí không được quá 9 tháng đối với cơ sở giáo dục phổ thông. Riêng đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà trường cần thỏa thuận với phụ huynh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
“Như vậy, theo quy định và hướng dẫn của Sở GD & ĐT TP HCM thì về nguyên tắc chỉ thu học phí của tháng thực học. Điều đó có nghĩa là không được thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh COVID-19; thay vào đó sẽ thực hiện việc thu học phí đối với tháng đi học bù, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa phụ huynh và nhà trường.
Đối chiếu với quy định pháp luật, việc trường thông báo thu 100% học phí còn lại của năm học trong khi học phí của học phần trước đã được phụ huynh đóng đầy đủ nhưng thực tế học sinh gần như không học là không phù hợp, cũng chưa hợp tình, hợp lý trong tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay”, luật sư nói.
Bên cạnh đó, việc học online trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời của nhà trường trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, học online chỉ có thể áp dụng đối với một số môn chính do đó không thể thay bằng việc học ở trường. Đây là một vấn đề phát sinh ngoài chương trình học chính khóa, vì dịch bệnh nên nhà trường tổ chức dịch vụ này để hướng dẫn học sinh học trong thời gian nghỉ dịch.
Vì vậy, chi phí học online ra sao phải do phụ huynh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu thêm học phí. Đồng thời các trường phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai. Nhưng thực tế, Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc thu học phí lại không có sự thỏa thuận với phụ huynh về học phí online, cũng không có sự giải thích về khoản tiền học phí đã đóng trong thời gian học sinh nghỉ dịch là điều bất hợp lí thứ nhất.
Ngoài ra, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng: Cần phải có sự thỏa thuận, thảo luận giữa phụ huynh và nhà trường để cùng giải quyết vấn đề thu học phí. Trong trường hợp nhà trường không thống nhất, đồng thời vẫn có chính sách thu học phí bất hợp lí, để đảm bảo quyền lợi, các phụ huynh có thể làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng của thành phố để vào cuộc, làm rõ hoặc cũng có thể làm đơn khởi kiện gửi tới TAND TP HCM để được giải quyết.
>>> Xem thêm video: TPHCM: Hiệu quả từ hình thức thu học phí trực tuyến