Chiều ngày 08/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục.
Không thu học phí với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập
Theo đó, ban soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động của 2 chính sách mới. Đó là chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm và không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về dự thảo nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, Chính phủ cho rằng, việc đào tạo nâng chuẩn sẽ gắn với việc đào tạo lại giáo viên mầm non để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non.
Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) bổ sung quy định chuyển tiếp tại khoản 1 Điều 119: “Các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 72 của Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo chưa đạt chuẩn”.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. |
Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Chính sách này sẽ thực hiện ngay sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực để đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở (THCS) công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành với việc bổ sung chính sách không thu học phí đối với học sinh diện phổ cập như trong Dự thảo Luật và ủng hộ việc giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh THCS trường tư thục; trước mắt ưu tiên triển khai thực hiện chính sách này ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Không đổi tên thành trường cấp 1, cấp 2, cấp 3
Liên quan chính sách tín dụng sư phạm, Chính phủ cho rằng, việc không thu học phí của sinh viên ngành sư phạm theo Luật Giáo dục hiện hành đã không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn.
“Số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí lớn nguồn nhân lực sư phạm. Nếu thu học phí của sinh viên sư phạm giống như các ngành học khác thì nhà trường sẽ có thêm nguồn thu để bù đắp chi phí đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện khác để bảo đảm chất lượng giáo dục”, báo cáo nêu.
Ban soạn thảo đã bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục. Mặt khác, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các chính sách nhằm thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm.
Theo ông Phan Thanh Bình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cơ bản tán thành với dự thảo Luật về chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và đảm bảo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, chương trình đào tạo, quy mô đào tạo gắn với điều kiện bảo đảm chất lượng; dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội tìm được việc làm.
Báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh, Dự thảo Luật quy định: Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng đã quy định vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục tại Điều 17, theo đó cán bộ quản lý giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động giáo dục; phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và trách nhiệm cá nhân.
Nhà nước có kế hoạch xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nhằm phát huy vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm phát triển sự nghiệp giáo dục. Mặt khác, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục cũng là nhà giáo, nên đồng thời cũng phải thực hiện các quy định về nhiệm vụ quyền hạn đối với nhà giáo. Ngoài ra, cán bộ quản lý giáo dục còn phải thực hiện các quy định có liên quan của Luật Viên chức và Luật Cán bộ, công chức.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đảm bảo nguyên tắc Nhà nước chăm lo cho giáo dục phổ thông đại trà; hỗ trợ học sinh yếu thế, có chính sách đào tạo bồi dưỡng nhân tài.
Liên quan đến một số ý kiến đề xuất đổi tên gọi các cấp học phổ thông hiện nay thành trường cấp 1, cấp 2, cấp 3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tên gọi các cấp học giáo dục phổ thông hiện nay là tiểu học, THCS, THPTphù hợp với tên gọi của các nước trong khu vực và quốc tế như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Vương Quốc Anh…Do vậy, Ban soạn thảo đề nghị được giữ như quy định của Luật Giáo dục hiện hành về tên gọi các cấp học của giáo dục phổ thông để khi cấp văn bằng đảm bảo tính hội nhập, phù hợp và thống nhất với các nước trong khu vực và trên thế giới.