Liên quan đến nội dung “Trẻ đau bụng sau khi uống sữa Abbott Similac” của chị K.D. (trú tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) mà Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đã chính thức lên tiếng.
Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết, trong 8 quyền của người tiêu dùng theo Luật định thì quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản là quyền hàng đầu của người tiêu dùng, được pháp luật bảo vệ. Trường hợp trẻ đau bụng sau khi uống sữa Abbott Similac là mặt hàng thực phẩm, xảy ra với trẻ sơ sinh càng phải đặc biệt chú ý.
|
Giấy chứng nhận kiểm định sản phẩm động vật nhập khẩu của sản phẩm Similac Newborn Eye-Q 900g không có dấu, chữ ký của cơ quan chức năng. |
Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, Công ty TNHH dinh dưỡng 3A đã có thư phúc đáp khách hàng và gửi kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu. Trường hợp Giấy chứng nhận này nếu đầy đủ chữ ký, con dấu cũng chỉ mới chứng nhận bảo đảm an toàn dịch bệnh cho vật nuôi, chưa phải là về an toàn thực phẩm. Nhưng theo phản ánh, Giấy chứng nhận này lại chưa thấy chữ ký, con dấu của cơ quan chức năng. Điều này cần phải kiểm tra lại và có câu trả lời thỏa đáng với khách hàng.
“Việc ứng xử của công ty là rất quan trọng. Không chỉ là về chăm sóc khách hàng mà cần tìm ra nguyên nhân để không chỉ làm yên lòng bố mẹ cháu bé mà qua đó còn giúp cho những người tiêu dùng khác đang sử dụng sẽ tiếp tục sử dụng sản phẩm của công ty trong trường hợp chứng minh được vụ việc trên chỉ là đơn lẻ như thư phúc đáp của công ty gửi với khách hàng” – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
|
Công ty xác nhận vỏ lon sữa hoàn toàn bình thường, còn hạn sử dụng đến năm 2023 nhưng sữa đã bị hỏng, có mùi tanh. Thế nhưng công ty không xin lỗi khách hàng, không đề cập đến sức khỏe của trẻ và không kiểm tra lô sữa theo yêu cầu của khách hàng.
|
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc Công ty TNHH dinh dưỡng 3A nhận định nguyên nhân là khách quan và trường hợp trên là đơn lẻ nên chỉ đổi sản phẩm mà không có bất kỳ sự hỏi thăm, không công khai xin lỗi và không có những khuyến cáo với người tiêu dung đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng phục vụ sức khỏe, nhất là với trẻ em.
Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, để xác định trách nhiệm của một doanh nghiệp đến đâu, cần có căn cứ pháp luật. Theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc cảnh báo khả năng hàng hóa có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nói chung. Vì vậy, qua vụ việc này, doanh nghiệp nên có hướng dẫn người tiêu dùng, trong những trường hợp tương tự cần dừng ngay việc sử dụng sản phẩm và thông báo cho bên bán để có biện pháp xử lý phù hợp.
|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam. |
“Trước đây thực hiện tiền kiểm, nay thực hiện hậu kiểm để giảm thủ tục cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu công tác hậu kiểm không được quan tâm đúng mức thì không ngăn chặn kịp thời hàng kém chất lượng, mất an toàn thực phẩm trên thị trường, nhất là dịp Tết. Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác hậu kiểm để ngăn chặn những hàng hóa không báo đảm chất lượng, lưu thông trên thị trường” - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh.
Hiện PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã liên hệ với Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) và đang chờ đợi phản hồi liên quan đến nội dung phản ánh trên.
|
Giấy chứng nhận kiểm định sản phẩm động vật nhập khẩu của sản phẩm Similac Newborn Eye-Q 900g không có dấu, chữ ký của cơ quan chức năng.
|
Trước đó, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, nhà phân phối chính thức của công ty Abbott tại Việt Nam gửi Thư phúc đáp; Giấy chứng nhận kiểm định sản phẩm động vật nhập khẩu của lô hàng nói trên cho gia đình chị D. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận không có chữ ký và con dấu xác nhận của Kiểm dịch viên động vật, Thủ tưởng cơ quan của Chi cục Thú y vùng VI khiến gia đình chị D. thêm hoang mang và hoài nghi về tính pháp lý của dòng sữa Abbott Similac.
Như Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh, ngày 2/1/2022 chị K.D. (trú tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) mua hộp sữa Similac tại cửa hàng Kids Plaza (chung cư HH2 Bắc Hà, đường Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Dòng sữa này do công ty Abbott Manufacturing Singapore private Limited sản xuất và được nhập khẩu, phân phối bởi công ty TNHH dinh dưỡng 3A (Việt Nam), địa chỉ Centec Tower, 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, TP HCM.
Sau khi chị D. pha cho con (cháu K. 28 ngày tuổi) uống thì thấy có mùi tanh rất khó chịu. Ngày hôm sau cháu K. bị đau bụng đi ngoài lỏng phân. Những ngày tiếp theo cháu có biểu hiện khóc to hơn và có khi là khóc thét như thể đang la hét hoặc đau đớn, khóc nhiều hơn vào cuối buổi chiều hoặc buổi tối, khóc dai dẳng mẹ không thể dỗ dành như bình thường. Nhiều lúc cháu có biểu hiện vặn mình, mặt nhăn nhó đỏ ửng, bụng cứng, nắm chặt tay, cong lưng, ưỡn người, có khi giơ cả hai chân lên, đánh rắm… có dấu hiệu bị táo bón, đi ngoài thường rặn, hậu môn đỏ ửng.
Chị D. cũng cho biết, đại diện hãng thừa nhận hộp sữa là hàng chính hãng nhưng đã bị hỏng dù vỏ lon bình thường và còn hạn sử dụng đến tháng 3/2023. Sau khi thử sữa đại diện hãng kết luận sữa có mùi tanh nồng khó chịu.
“Gia đình yêu cầu công ty Abbott kiểm tra toàn bộ lô sữa và thông báo đến khách hàng. Nếu lô sữa lỗi, công ty phải thu hồi, công khai thông tin, xin lỗi và bồi thường tổn hại cho khách hàng” - chị D. bức xúc.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Bê bối sữa ở Hồng Không