Công bố 8 án lệ
Ngày 25/2/2020, Chánh án TANDTC đã ký Quyết định số 50/AL- công bố 8 án lệ vừa được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua.
Trong đó, đáng chú ý án lệ số 30/2020/AL về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông đã có những ý kiến đánh giá khác nhau về tội danh và hình phạt đã tương xứng với hậu quả gây ra hay chưa.
Cụ thể, bản án hình sự sơ thẩm số 41/2018/HSST ngày 19/11/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên bố: Phan Đình Q. phạm tội “Giết người”: Áp dụng khoản 2 Điều 93; điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt: Bị cáo Phan Đình Q. mười hai năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, giam 27/12/2016.
Ngày 17/12/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có Quyết định kháng nghị số 06/QĐ-VC1-HS: Đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 và xử tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên lại đề nghị không áp dụng tình tiết côn đồ mà áp dụng điểm q “Phạm tội vì động cơ đê hèn” và tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho biết, sau khi kiểm tra tính có căn cứ pháp luật của bản án sơ thẩm và xét hỏi làm rõ tại phiên tòa, thì thấy: “Tòa án cấp sơ thẩm kết án bị cáo Q. về tội: “Giết người” là hoàn toàn có căn cứ pháp luật, bị cáo không nhận tội giết người chỉ là nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn mà thôi.
Hành vi phạm tội của bị cáo có tính chất, động cơ đê hèn, vì bị cáo muốn nạn nhân chết hẳn thì bị cáo mới cho xe đi tiếp”.
|
Bị cáo Phan Đình Q. tại tòa. |
Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử không áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 như nội dung kháng nghị mà cần áp dụng điểm q khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự để xét xử bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng nghị, để xử tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo Q.
Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy, trong khi đang điều khiển xe ô tô phát hiện có việc va chạm, xảy ra tai nạn giao thông thì Q. đã dừng xe lại để xuống kiểm tra, khi Q. nhìn thấy có một nạn nhân (sau này biết đó là em Hoàng Đức P) đang nằm ở phía trước hàng bánh phía sau xe ô tô về phía bên phải thì Q đã lên xe, điều khiển cho xe ô tô đi thẳng, nên hàng bánh sau xe ô tô của Q đã đè lên đầu, làm em P chết ngay tại chỗ.
Xét nội dung kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng, nguyên nhân xảy ra vụ án là do bị cáo thiếu chú ý quan sát trong khi điều khiển xe ô tô, nên đã gây ra tai nạn, làm em P. bị cuốn nằm dưới xe ô tô của bị cáo.
Sau khi phát hiện đã va chạm với người tham gia giao thông, thì bị cáo đã dừng xe để xuống kiểm tra, khi xuống kiểm tra thấy có người nằm ngay sát bánh xe ô tô thì bị cáo không tìm cách xử lý mà lại điều khiển cho xe tiếp tục đi thẳng.
Mặc dù bị cáo đã nhiều lần khai nhận là kể cả việc bị cáo cho xe đi thẳng, hay lùi lại thì đều rất nguy hiểm, nhưng lúc đó bị cáo cứ cho xe tiến lên, hậu quả là em Hoàng Đức P. bị xe ô tô đè lên làm vỡ hộp sọ và chết ngay tại chỗ.
Xét hành vi phạm tội của bị cáo Phan Đình Q. không thuộc trường hợp có tính chất côn đồ và cũng không thuộc trường hợp phạm tội có tính chất man rợ như nội dung kháng nghị, cũng như quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa, mà Hội đồng xét xử thấy bị cáo chỉ phạm tội theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật Hình sự, như quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
Do đó, không có căn cứ để chấp nhận nội dung kháng nghị về việc áp dụng khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự để xét xử đối với bị cáo. Về nội dung đề nghị tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo Q. thì Hội đồng xét xử cho rằng, sau khi xuống xe để kiểm tra, thấy bánh xe ô tô phía sau bên phải đè sát vào phần cổ, gáy của nạn nhân và mặc dù lúc này bị cáo chưa có căn cứ để nói rằng nạn nhân đã chết, nhưng bị cáo vẫn điều khiển xe đi tiếp, dẫn đến nạn nhân bị chết sau khi xe tiến lên.
Hơn nữa, trong quá trình điều tra vụ án bị cáo lại không thành khẩn nhận tội là thể hiện coi thường pháp luật, trong khi người bị hại không có lỗi gì và lúc này thì tính nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân đang ở mức rất nguy hiểm, mà bị cáo vẫn lái xe đè qua người nạn nhân là điều không thể chấp nhận được đối với bị cáo.
Hội đồng xét xử thấy hoàn toàn có căn cứ để chấp nhận xử tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo, có như vậy thì mới tương xứng với tính chất, mức độ do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra và mới đảm bảo được tính răn đe phòng ngừa tội phạm chung vì mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo Q. 12 năm tù là còn quá nhẹ, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân địa phương nơi xảy ra vụ án.
Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng cáo về tội danh của bị cáo Phan Đình Q. cũng như không chấp nhận nội dung kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Nguyễn Thị D.; Chấp nhận kháng cáo của đại diện hợp pháp của người bị hại và chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội về nội dung đề nghị tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo Q, để sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về phần tăng mức hình phạt tù đối với bị cáo. Áp dụng khoản 2 Điều 93 tội Giết người; điểm b khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt: Phan Đình Q. 13 năm 6 tháng tù.
Chèn chết bị hại sau va chạm giao thông, xử tội Giết người có đúng?
Để làm rõ nội dung này, trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) là người có nhiều kinh nghiệm tham gia bảo chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị can, bị cáo, bị hại trong các vụ án tương tự xảy ra trên Thành phố Hà Nội cũng như cả nước nói chung đã có những đánh giá vụ án như sau:
Xét hành vi phạm tội của bị cáo Phan Đình Q. là đặc biệt nghiêm trọng, vô cớ tước đoạt đi tính mạng của bị hại một cách trong đau đớn, gây rùng rợn cho mọi người trong xã hội.
Đáng lẽ ra, sau khi xảy ra tai nạn, thấy nạn nhân nằm ngay sát bánh xe ô tô thì phải tìm cách xử lý, đưa người bị nạn đi cấp cứu nhưng đã khi cố ý điều khiển xe ô tô chèn chết bị hại để nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Vụ án được xác định 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, xuất phát từ việc va chạm giao thông làm nạn nhân nằm dưới gầm xe ô tô. Giai đoạn thứ 2 phát sinh hành vi giết người khi biết nạn nhân đang dưới gầm cố ý điều khiển ô tô chèn chết.
Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng bị cáo chỉ phạm tội Giết người theo Khoản 2 Điều 93 BLHS (nay là Điều 123) là chưa đánh giá đúng bản chất hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
Hành vi Giết người theo Khoản 2 Điều 93 BLHS được hiểu là giết người thông thường khi cả 2 bên bị cáo và bị hại đều có lỗi nên không thuộc trường hợp định khung tăng nặng theo Khoản 1 Điều 93 BLHS là chưa đúng với thực tế khách quan vụ án.
Trong vụ án này được xác định bị hại không có lỗi. Hành vi phạm tội của bị cáo là vô cớ tước đoạt tính mạng nạn nhân được quy định tại điểm n, Khoản 1 Điều 93 BLHS (nay là Điều 123) là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, hành vi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ chèn vào đầu làm nạn nhân chết nạn nhân chết trong đau đớn, không toàn thây, gây rùng rợn, kinh hoàng trong xã hội thì bị cáo còn phải chịu trách nhiệm về tình tiết định khung theo điểm i, khoản 1 Điều 93 BLHS “Thực hiện tội phạm một cách man rợ”.
Theo quan điểm của luật sư Thơm, HĐXX cấp phúc thẩm xử phạt bị cáo 13 năm 6 tháng tù về tội Giết người theo Khoản 2 Điều 93 BLHS là chưa đúng với lý luận tội phạm và thực tiễn xét xử cũng như chưa đáp ứng với công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nói chung về hành vi giết người xảy ra sau khi va chạm giao thông.
Xét hành vi phạm tội của bị cáo đã cấu thành tội Giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm n, i khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 (nay là Điều 123) với hình phạt cao nhất đến tử hình là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Thực tế, từ trước đến nay, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội với hành vi tương tự, các Cơ quan tố tụng đã xử lý về tội Giết người theo Khoản 1 Điều 93 BLHS (nay là Điều 123). Điển hình là ngày 18/11/2019, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử Vũ Hoàng Dương (SN 1974, trú ở phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) ra xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo này 17 năm tù về tội “Giết người” theo điểm n, khoản 1 Điều 123 BLHS.
Đây là vụ án từng gây bất bình dư luận xã hội vào tháng 4-2018 tại ngã 6 Ô Chợ Dừa, Hà Nội. Nguyên nhân xuất phát vụ án khi bị cáo bức xúc bị hại điều khiển xe mô tô va chạm với xe ô tô của mình mà bỏ chạy nên đã điều khiển ô tô đâm thẳng vào nạn nhân, kéo lê một đoạn dài làm tổn hại 79% sức khỏe.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội: Gây tai nạn chết người, tài xế xóa dấu vết
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.