Buổi sáng cuối cùng của năm 2016, nhiều người Hà Nội háo hức trở thành những hành khách đầu tiên của chuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa trong ngày đầu hoạt động chính thức.
Trạm chờ Kim Mã được sử dụng để tổ chức lễ khai trương, vì vậy hành khách phải đón xe trước cổng trạm trên đường Nguyễn Thái Học. Cứ 5 phút lại có một chuyến xe nên khách không phải đợi lâu.
Chuyến xe tiện ích
Trong lúc đợi xe, có người tinh ý nhận xét rằng chiếc buýt nhanh có màu xanh lá cây dịu mát, trái ngược với màu đỏ pha vàng rực rỡ của những chiếc buýt thường. Có lẽ vì vậy mà buýt nhanh cũng có vẻ “thanh thoát”, dễ nhìn hơn.
8h20 phút, hành khách lên xe từ lối lên phía đầu xe bên phải thay vì lên từ cửa đôi giữa xe bên trái từ trạm chờ như quy định.
Bước lên xe, mùi mới của da bọc ghế và thành xe gây ấn tượng mạnh. Số lượng khách lên xe từ trạm đầu chưa đến 10 người, họ dễ dàng tìm chỗ ngồi cho mình. Nhiều người chọn chỗ đầu xe để quan sát đường đi.
Ai cũng háo hức quan sát, nhìn ngắm và rôm rả bàn luận về những chiếc búa thoát hiểm được trang bị ở mỗi ô cửa, về chỗ ngồi dành riêng cho người khuyết tật hay ghế ngồi và không gian rộng rãi trong xe.
|
Những hành khách đầu tiên của chuyến buýt nhanh BRT. Ảnh: Hoàng Như. |
Một điểm khác của buýt nhanh với buýt thường là xe có 3 cửa, trong đó, một cửa đơn phía đầu xe bên phải và 2 cửa đôi ở giữa và đuôi xe bên trái (buýt thường thì 3 cửa đều nằm bên phải).
Khi xe dừng ở trạm chờ đầu tiên, mọi người xôn xao khi 2 cửa bên trái xe đã mở nhưng cửa trạm chờ không mở để khách lên và xuống xe. Tài xế tỏ ra lúng túng phải lùi và đỗ lại xe thì cửa trạm chờ mới mở.
Thì ra, cửa buýt nhanh và trạm chờ có cảm biến, lái xe phải đỗ khớp thì các cửa mới mở cùng lúc. Hành khách trên xe khi ấy mới thở phào và hiểu thêm điểm khác biệt của buýt nhanh. Bác tài cười hứa với mọi người, bác chỉ đỗ sai lần đầu thôi, đến các trạm sau, quen tay rồi sẽ đỗ khớp cửa ngay.
Hành khách từ các trạm chờ trước khi lên xe đều được nhân viên tại trạm hướng dẫn tận tình, ai cũng cầm trên tay tờ rơi về tuyến buýt để nắm rõ lịch trình. Cửa xe và trạm chờ được thiết kế cao bằng nhau, khách không phải leo lên leo xuống nguy hiểm trong khi người ngồi xe lăn dễ dàng ra vào xe.
An toàn hơn buýt thường
Chiếc buýt nhanh khởi hành vào ngày đầu trong dịp nghỉ Tết Dương lịch nên đường sá không quá đông. Trên làn đường riêng, chiếc xe chạy bon bon, êm ả theo đúng lịch trình. Tại mỗi nút giao, thanh tra và cảnh sát giao thông trực để phân làn.
Khi đến gần ngã tư Lê Văn Lương giao với Hoàng Đạo Thúy, một người phụ nữ đi xe máy rẽ trái đột ngột, lấn làn khiến bác tài phải phanh xe, bấm còi nhắc nhở.
Trong lúc dừng đèn đỏ ở ngã tư này, nhiều người đi xe máy, ôtô tranh thủ lấn qua làn riêng xe buýt khi hai làn đường bên phải đầy xe hay để rẽ trái nhanh hơn. Hết đèn đỏ, chiếc buýt nhanh phải đi chầm chậm, chờ các xe phía trước đi hết mới dám tăng tốc trở lại.
Một vị khách lớn tuổi trên xe lắc đầu, ngán ngẩm: “Hôm nay đường vắng mà người ta còn lấn làn như thế, đến hôm hết nghỉ Tết, đường đông lại thì buýt nhanh có muốn chạy nhanh cũng chẳng được”.
|
cửa xe buýt và trạm có cảm biến, lái xe buộc phải đỗ khớp thì các cửa mới mở cùng lúc. Ảnh: Lê Hiếu. |
Ngồi trên chuyến xe kéo dài chừng 40 phút, nhiều hành khách trao đổi về ưu điểm mà tuyến buýt này mang lại. Nếu những chiếc buýt thường cứ 1-2 km lại rẽ đường, ngoặt phải để ghé vỉa hè đón khách thì buýt nhanh gần như không rời làn đường riêng...
Khi một vị khách trung tuổi bày tỏ lo ngại làn riêng sẽ khiến các phương tiện khác thiếu đường, người bên cạnh lập tức phản bác: buýt thường với kiểu đi ziczac để đón trả khách gây nguy hiểm và cản trở giao thông hơn chiếc buýt nhanh chỉ đi đúng làn đường thẳng tắp của mình.
Những hành khách đầu tiên của tuyến buýt nhanh bước lên xe với sự nghi ngờ, dò xét, nhưng chỉ sau một chuyến xe, họ lại bày tỏ giá như buýt nhanh lúc nào cũng chạy nhanh như ngày vắng người thì họ sẽ bỏ hết các phương tiện khác.
"Tôi công nhận nó vừa an toàn, vừa văn minh, là sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng", một vị khách nói.
|
Lộ trình chuyến buýt nhanh BRT số 01. Ảnh: GoogleMaps. |