Mất phương hướng
“Con mình học lớp 12, đã căng thẳng đủ chuyện chọn trường đại học, tốt nghiệp, mà giờ cái gì cũng lỡ dở vì COVID-19”. Đó là lời than không phải của riêng chị bạn tôi, mà còn của những gia đình có con đang ở các giai đoạn học hành quan trọng. Mới đầu năm nay, các bạn cấp III phải nghỉ học suốt vài tháng, rồi quay vào học gấp rút để kịp chương trình. Kỳ thi tốt nghiệp mới lên lịch, lại thắc thỏm không biết dịch bệnh ra sao.
Có những bạn trẻ mới học xong chương trình cấp III ở Mỹ, châu Âu, đã phải vội vàng về Việt Nam trốn dịch hồi tháng Tư, và giờ loay hoay không biết sẽ làm gì trong các tháng kế tiếp. Lo sợ dịch bệnh cũng khiến nhiều gia đình bỏ hẳn kế hoạch cho con đi học tiếp mùa thu năm nay.
Những ngày giãn cách xã hội cũng là cơ hội của trẻ. Ảnh minh họa.
Một người bố trao đổi với tôi, bày tỏ niềm vui con anh vừa đậu học bổng đại học ở Mỹ, nhưng thằng bé lại rất sợ phải đến Mỹ bây giờ, vì dịch bệnh ở bang Florida - nơi bé đến học - chưa biết sẽ ra sao trong thời gian tới.
Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn cho người trẻ tuổi. sự hỗ trợ và chia sẻ của gia đình sẽ giúp bạn nhỏ chấp nhận và mạnh mẽ hơn trong thời kỳ bất trắc này.
Nhà tâm lý học Sherry Kelly nói trên tờ Washington Post rằng, các bạn trẻ cảm thấy giận dữ khi rơi vào tình trạng của đại dịch, vì: “Tuổi thiếu niên thường hướng về hành động. Các em lẽ ra đang tập làm người lớn, tập trung vào phát triển bản thân như một cá nhân riêng biệt, nhưng điều đó đã bị tước bỏ”.
“Giờ đây, các em bị coi như trẻ con trong nhà, có rất ít khả năng kiểm soát cuộc sống của bản thân trong thế giới COVID-19 này. Một số em thậm chí còn không được ra ngoài. Nỗi sợ, đau buồn, thương tiếc, mất mát, thất vọng, bất lực, lo lắng, không thể kiểm soát tình hình, cảm thấy vô dụng, bị coi thường, bị lừa dối, quá mức chịu đựng và tổn thương - đó là tâm lý chung trong xã hội hiện thời, nhưng với học trò tuổi trung học, đó là tập hợp của những nỗi đau liên quan đến mất mát và chia lìa.
Mọi mục tiêu và thành tựu mà các em nỗ lực nhiều năm để đạt được, giờ đây đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại: tốt nghiệp, thể thao, tiệc tùng, chơi cùng đội trong mùa xuân, chia tay bạn bè thời trung học... và không biết có thể bắt đầu vào đại học vào mùa thu không”- nhà tâm lý lý giải.
Tất cả những điều đó khiến bạn trẻ cảm thấy hoàn toàn mất phương hướng. Sự âu lo đầy thêm trong suốt sáu tháng vừa qua. Có thể nhiều bạn lớp 12 sẽ không có được buổi họp lớp chia tay cuối năm, và kỳ thi tốt nghiệp vẫn đang “lập lòe” trước mắt. Còn trường đại học, liệu các em có đủ bình tĩnh để thi tốt, mà tiến tới bước chọn được ngôi trường như ý trong hoàn cảnh dịch bệnh này?
Vị trí của phụ huynh
Nhiều cha mẹ thậm chí đã tìm cách... nói con đổi ngành học để phù hợp với thời cuộc, hay tình trạng bi quan việc làm trong vài tháng qua. Có những bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học thấy cuộc đời còn đen tối hơn, vì họ sắp bước chân vào đội ngũ thất nghiệp chật vật đi tìm từng công việc nhỏ giọt, khi bao nhiêu cơ sở kinh doanh phải đóng cửa vì dịch.
Tất cả những điều này sẽ còn tiếp tục vài tháng nữa, trước khi vắc-xin được tìm ra, hoặc tình hình phòng bệnh dần tốt lên.
Trong thời gian đó, trò chuyện với con trẻ về nỗi lo tương lai là việc làm cần thiết. Không cần phải lên gân buộc con chọn ngay một nghề “hot” để đăng ký vào học. Không cần phải vật lộn với một kỳ học mới bất định ở xứ người, hoặc đưa ra những quyết định to lớn về kế hoạch sự nghiệp khi tương lai hoàn toàn không rõ ràng. Cả thế giới đều đang ở ngã ba đường của bệnh dịch, ép uổng con trẻ chọn lựa vào thời điểm này sẽ không công bằng với các em.
Đi cùng với việc thừa nhận sự bất định, đây cũng là thời gian tốt để cha mẹ có thể làm “dự án” gì đó cùng con cái, trong khoảng thời gian hiếm hoi con ở nhà. Một người bạn tôi kể con gái anh nghĩ ra cách đóng chuồng cho con chó nhỏ của cô bé trong thời gian nghỉ học. Cô bé mất một thời gian khá lâu mới tìm ra mẫu chuồng cô thích. Anh mua gỗ về, hai cha con hì hục cưa, lắp chuồng hơn một tuần mới xong. Từ khi con gái bước vào tuổi thiếu niên, anh đã không có cơ hội cùng con làm một cái gì đó kiểu vậy, vì bé luôn ở trường hoặc đi chơi cùng bạn bè.
Một người bạn khác của tôi thì cho rằng, anh cứ để con làm tiếp những gì con muốn. Nếu con anh vẫn giữ ý định đi học ở Mỹ, anh sẽ ủng hộ, dù lòng đầy lo lắng. Sau khi suy xét nhiều tuần, anh ghi chép lại những mặt tốt và rủi ro của chuyện con qua Mỹ học vào mùa thu này.
Con anh 18 tuổi, nếu biết cách phòng tránh cẩn thận thì khả năng bị lây nhiễm sẽ giảm xuống. Anh cần nhắc nhở con thực hiện việc này nghiêm túc ngay từ khi còn ở nhà. Ngoài ra, anh cũng biết nếu dịch bệnh, trường học có thể sẽ học online, và con vẫn có thể đi học mà không bỏ lỡ một năm chỉ vì dịch bệnh vài tháng.
Sau khi suy xét mọi thứ, anh trình bày và để con tự quyết định. Cảm giác được quyết định những điều quan trọng trong cuộc đời mình sẽ khiến con không có cảm giác tiếc nuối, buồn bực, khó chịu vì bị cha mẹ cản trở.
Có khi cũng chính con sẽ quyết định tạm ngừng học một năm, đợi qua mùa dịch rồi tính tiếp, thì đây là thời gian tốt để “gap year” và làm một dự án nhỏ, một kế hoạch nhóm cùng bạn bè, kiếm tiền và học hỏi kinh nghiệm. Nhìn về sự tích cực, đây là khoảng thời gian “ngủ đông” mà bạn trẻ có thể rời khỏi cuộc đua trường lớp ròng rã, nhường chỗ cho những kế hoạch phát triển bản thân tại nhà.
|
COVID-19 đang cho các gia đình cơ hội chia sẻ nhiều điều cùng nhau. Ảnh minh họa. |
Hãy cùng con liệt kê những điều mà ta có thể điều khiển trong đời, cũng như những gì ta không thể điều khiển, như một cách nhìn nhận cuộc sống là tập hợp của những điều ta có thể kiểm soát và những thứ xảy ra ngoài ý muốn. Ta không thể điều khiển trời mưa nắng, nhưng ta có thể mang dù và áo mưa.
Ta không thể bắt dịch bệnh ngừng lại, nhưng vẫn có thể lên kế hoạch đi học tiếp, hoặc nếu nghỉ học mùa này thì sẽ làm gì. Ta có thể không được ra ngoài đi chơi thể thao cùng bạn bè, nhưng có thể rủ cả nhóm cùng tập ở nhà qua livestream hoặc video call.
Cuối cùng, nếu mọi thứ vẫn chưa đủ thuyết phục các con tin rằng mình không phải những đứa trẻ kém may mắn nhất, thì cha mẹ có thể kể cho con nghe ngày mình vào đại học giữa đói kém, nghèo khổ như thế nào, những câu chuyện về những giai đoạn vất vả nhất của gia đình mà cha mẹ đã vượt qua để có một cuộc sống ổn định như hiện tại ra sao.
Dịch COVID-19 đang cho gia đình ta cơ hội chia sẻ những bất an cùng nhau, để làm điểm tựa cho nhau trước mọi khốn khó của cuộc đời mình.