Ngày 28/6, TAND tỉnh Nghệ An tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đối với Nguyễn Thị Lam (31 tuổi), trú tại xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, là nhân viên phòng giao dịch của ngân hàng Eximbank Đô Lương. Liên quan đến vụ án này, có 15 cán bộ, nhân viên ngân hàng Eximbank cũng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, từ năm 2012 - 2016, Nguyễn Thị Lam đã lợi dụng lòng tin, lừa dối khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn trả tiền lãi suất, tiền thưởng và trộn lẫn các thủ tục này là các chứng từ như: Lệnh chi, bảng kê tiền, ủy nhiệm chi để khách hàng ký khống hoặc giả mạo chữ ký của khách hàng. Khi đã có trong tay các loại giấy tờ này, Nguyễn Thị Lam đưa đến cho nhân viên ngân hàng, nói dối là rút, chuyển tiền hộ khách hàng.
Hồ sơ điều tra - Nhiều tình tiết bất ngờ trong vụ nữ nhân viên ngân hàng Eximbank lừa đảo hơn 50 tỷ đồng
|
Bị cáo Nguyễn Thị Lam cho biết việc trực tiếp làm việc, chi trả tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng tại nhà đã được lãnh đạo phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương cho phép. |
Một phần vì tin tưởng Lam, phần do sự chỉ đạo, quản lý lỏng lẻo của Đặng Đình Hồng, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương, các nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho Lam rút, chuyển tiền mặc dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ, khách hàng không có mặt. Bằng các thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của 6 khách hàng ở Nghệ An trong hệ thống ngân hàng Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, Lam khai nhận để có thể rút tiền, trong những lần đến nhà khách hàng để hoàn tất thủ tục, ngoài các giấy tờ theo quy định của ngân hàng, ả đã trộn những tờ giấy trắng vào để khách hàng ký khống. Với những tờ giấy A5 có sẵn chữ ký của khách hàng, Lam biến thành các ủy nhiệm chi, lệnh chi rồi "rút ruột" sổ tiết kiệm của khách. Vì tin tưởng Lam tuyệt đối nên các khách hàng cũng không kiểm tra kỹ.
Cụ thể, vào tháng 9/2015, thông qua bị cáo Lam, ông Nguyễn Tiến Nam, trú tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã gửi 24 sổ tiết kiệm với số tiền 51,6 tỷ đồng tại ngân hàng Eximbank Đô Lương. Đến tháng 8/2016, ông Nam còn lại 13 sổ tiết kiệm, với tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, ông Nam cho biết, Lam đã mang giấy ủy nhiệm chi trắng không có thông tin (chỉ có chữ mẫu) đến nhà ký để lấy tiền khuyến mại. Với giấy ủy nhiệm chi, bị cáo Lam yêu cầu giao dịch viên và kiểm soát viên chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm của ông Nam sang tài khoản không kỳ hạn. Sau đó, Lam chuyển ủy nhiệm chi đến tài khoản cá nhân ông Nam để mua hàng. Tuy nhiên, Lam đã chuyển vào các tài khoản mà bị cáo này nhờ để chiếm đoạt.
Bị cáo Nguyễn Thị Lam cho biết, bản thân mình không nhớ đã đưa bao nhiêu tờ giấy A5 để trà trộn vào hồ sơ cho khách hàng ký nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt của mình. Bị cáo Lam cũng khẳng định việc trực tiếp làm việc, chi trả tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng tại nhà đã được lãnh đạo phòng giao dịch Eximbank Đô Lương cho phép.
Tại phiên tòa, bị cáo Đặng Đình Hồng cho biết tất cả nhân viên Eximbank, từ bảo vệ đến giám đốc đều phải thực hiện các chỉ tiêu về huy động vốn. Bị cáo cũng phải thường xuyên đi gặp khách hàng, không kiểm tra được hết.
15 cán bộ, nhân viên ngân hàng này cho rằng do áp lực chỉ tiêu kinh doanh và ưu tiên phục vụ khách hàng VIP, mặt khác do quá tin tưởng Nguyễn Thị Lam nên đã không thực hiện đúng quy định trong giải quyết rút tiền gửi tiết kiệm.
|
Các bị cáo khác bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. |
“Tất cả chỉ tiêu huy động phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương đều do Nguyễn Thị Lam mang về. Bị cáo Lam được lãnh đạo và khách hàng yêu mến vì Lam luôn thể hiện mình lại người có trách nhiệm với công việc. Có được niềm tin nên lãnh đạo đã tạo cho Nguyễn Thị Lam những cơ chế đặc biệt”, bị cáo Nguyễn Thị Hương Giang, nguyên giao dịch viên phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương khai nhận.
Các bị cáo trên đều cho rằng do tin tưởng Nguyễn Thị Lam nên đã giải quyết thủ tục gửi, rút tiết kiệm cho các khách hàng VIP do Lam đưa về mà bỏ qua các quy định của ngân hàng. Vào thời điểm đó, các nhân viên này không nhận thức được việc làm của mình là sai quy định mà nghĩ là đang “linh động” đối với “trường hợp đặc biệt” như chỉ đạo của lãnh đạo phòng.
Phía đại diện ngân hàng Eximbank cho biết các bị cáo nguyên là nhân viên hai đơn vị này đã vi phạm nhiều bước trong quy định hoàn tất thủ tục gửi và rút tiền tiết kiệm cho khách hàng.
Tại phiên tòa, Nguyễn Thị Lam cũng khai cho Nguyễn Thị Mai, trú tại TP.Vinh vay gần 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà này đang bị lực lượng chức năng truy nã vì liên quan một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật phiên tòa!